Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Quân y 175, ngày 4/8. Các bác sĩ kích hoạt quy trình báo động đột quỵ "Code Stroke", hội chẩn khẩn ngay tại khoa cấp cứu.
Trong lúc bệnh nhân được nhanh chóng xét nghiệm Covid-19, ê kíp trang phục phòng hộ, khẩn trương chụp CT để chẩn đoán bệnh. Kết quả ghi nhận bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa phía bên trái đoạn gốc.
Thiếu tá, bác sĩ Tạ Vương Khoa cùng kíp điều trị bắc cầu tiêu sợi huyết và can thiệp mạch để lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, nong bóng đoạn động mạch bị tổn thương. Sau khi can thiệp tái thông thành công, bệnh nhân tỉnh táo, tình trạng liệt nửa người bên trái cải thiện. Hiện, sức khỏe bệnh nhân hồi phục tốt.
Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Phụ trách Chủ nhiệm Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch giữa một bên, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ đe dọa đến tính mạng, thậm chí phù não và chết hoàn toàn bán cầu não. May mắn, bệnh nhân này được cấp cứu tại giờ thứ hai, là thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ.
Theo bác sĩ Nghĩa, trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp, không tránh khỏi những trường hợp có dấu hiệu đột quỵ không được xử lý kịp thời, dẫn tới trở nặng, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống. "Khi phát hiện đột quỵ cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất đển tận dụng giờ vàng trong cứu chữa đột quỵ", bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Bệnh nhân đột quỵ có thể xuất hiện đột ngột triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Đặc biệt khi triệu chứng xảy ra ở một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng... Khi ấy cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ. Cấp cứu trong "thời gian vàng" 3-4,5 giờ từ khi khởi phát triệu chứng có ý nghĩa rất quan trọng, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tăng cơ hội hồi phục.
Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì, không cạo gió, giật tóc hay nặn chanh vào miệng... Lấy bỏ các vật trong miệng người bệnh hoặc lau đờm dãi có thể gây khó thở. Nếu bệnh nhân bị liệt một bên, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành. Bệnh nhân không có mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) đến khi tim đập lại.
Nhóm yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Một số yếu tố khác là béo phì, hút thuốc lá, người bệnh tim mạch, nghiện rượu bia, từng có cơn thiếu máu não thoáng qua...
Theo thống kê của thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Ở Việt Nam, đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Nhiều người may mắn sống sót nhưng chịu các di chứng nặng nề, mất khả năng lao động, tàn phế, cuộc sống cần có người chăm sóc thường xuyên.