Bệnh nhân đột ngột yếu nửa người trái, miệng méo, nói không rõ lời. Gia đình đưa ông đến bệnh viện ở địa phương rồi quyết định chuyển đến TP HCM.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hậu, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Thăm dò chức năng, Bệnh viện Gia An 115, ngày 6/5 cho biết đơn vị cấp cứu kích hoạt quy trình báo động đột quỵ Code Stroke, nhanh chóng thực hiện các cận lâm sàng. Kết quả CT scan sọ não ghi nhận nhồi máu não cấp vùng nuôi dưỡng động mạch não giữa bên phải, hẹp đoạn đầu động mạch não giữa.
Theo bác sĩ Hậu, người bệnh đến điều trị khi đã quá "thời gian vàng", tức trong vòng 6 giờ đầu kể từ khi khởi phát đột quỵ, không còn nằm trong nhóm chỉ định điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Các bác sĩ tính đến phương án can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Tuy nhiên, khi tiến hành chụp mạch số hóa xóa nền DSA, với sự hỗ trợ phân tích từ phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, các bác sĩ nhận thấy cục huyết khối có kích thước nhỏ và nằm ở vị trí thuận lợi để thực hiện bơm thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch. Ê kíp quyết định điều trị bằng phương pháp này cho người bệnh. Đây là kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi bác sĩ có tay nghề cao và nhiều kinh nghiệm, thực hiện ở một số ít cơ sở chuyên khoa.
Bác sĩ Hậu tiến hành bơm thuốc tiêu sợi huyết qua vi ống thông vào ba vị trí là phía trước, phía sau và ngay cục huyết khối. Thuốc tập trung với nồng độ cao tại ngay vị trí huyết khối giúp làm tan cục huyết khối và tái thông động mạch.
Sau khi điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch, người bệnh được theo dõi sát. Tuy nhiên, ông còn yếu nhẹ nửa người bên trái và nói đớ sau đột quỵ, đồng thời xuất hiện những cơn đau thắt ngực.
Bác sĩ Dương Duy Trang, Trưởng khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Gia An 115, đánh giá người bệnh bị hẹp 80% động mạch liên thất trước, tắc động mạch mũ trái, nguy cơ gây nhồi máu cơ tim cao.
Bác sĩ Trang và ê kíp tiến hành can thiệp nong đặt stent động mạch tại các vị trí hẹp, tắc để phòng tránh cơn nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng người bệnh.
Sau bốn ngày theo dõi và điều trị, bệnh nhân vừa xuất viện với sức khỏe ổn định, không còn đau ngực, yếu nhẹ nửa người bên trái và nói rõ hơn. Bệnh nhận được tiếp tục tập vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, khả năng có thể trở lại cuộc sống bình thường sau ba tháng.
Cùng Nhân dân 115, Bệnh viện Gia An 115 là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ não, từ tháng 6/2019. Phần mềm này giúp thời gian cứu não có thể lên đến 24 giờ, so với 6 giờ như trước đây.
Kết quả hình ảnh chụp MRI não của bệnh nhân được đưa vào phần mềm này sẽ giúp các bác sĩ xác định những vùng não bị tổn thương. Bác sĩ cũng thấy được vùng tranh tối tranh sáng, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường. Từ đó, bác sĩ đưa ra quyết định có nên sử dụng kỹ thuật cao để tái thông, làm tan cục máu đông, hồi phục tổn thương, hạn chế di chứng yếu liệt cho bệnh nhân hay không.
Ngày 6/5, Bệnh viện Gia An 115 nhận Chứng nhận chất lượng điều trị Vàng của Tổ chức Đột quỵ Thế giới, là cơ sở ngoài công lập đầu tiên đạt được.
Chứng nhận vàng đòi hỏi nhiều tiêu chí, từ lúc bệnh nhân nhập viện điều trị giai đoạn cấp cho đến điều trị phòng ngừa sau khi xuất viện. Chẳng hạn, thời gian từ khi người bệnh nhập viện đến khi được điều trị tái thông mạch là dưới 60 phút, tỷ lệ điều trị tái thông 5-15% trong tổng số bệnh nhân nhập viện...