Khi đọc bài tâm sự "Chồng lén đi xét nghiệm ADN với con thứ hai" tôi thấy cái sai lớn nhất không phải là vợ hay chồng hay xét nghiệm ADN, mà là "những câu nói đùa vô duyên" như "còn có người trêu chọc là bế nhầm con hoặc không phải con của bố".
Tôi thấy những lời đồn đoán hay bông đùa như vậy xuất hiện khá phổ biến trong nhiều trường hợp, nhiều khi chỉ vì những lý do rất vớ vẩn, chủ quan và võ đoán dựa trên ngoại hình của đứa bé.
Những điều này hoàn toàn không có bằng chứng thuyết phục nào, nhưng nhiều người cứ nghĩ đấy là hay, là vui, rồi nói đi nói lại hàng chục lần một cách vô tâm hoặc thậm chí là ác ý.
Một người có trình độ phổ thông trung học cũng biết rằng con cái dung mạo khác cha mẹ là hoàn toàn bình thường, có rất nhiều lý do, có thể là do đột biến, hoặc do tính trạng ẩn trong dòng họ nay mới bộc lộ, hoặc do tác động môi trường, tương tác giữa nhiều gene... nhìn đứa con khang khác cha mẹ không nhất thiết có nghĩa là không cùng huyết thống.
Dựa vào dung mạo để phỏng đoán lung tung về huyết thống là một định kiến cổ hủ và phản khoa học. Đó là chưa kể những lời đồn đoán như vậy là mang tính xúc phạm nặng nề, vì nó xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người vợ, chà đạp lên lòng chung thủy của người trong gia đình, và rõ ràng là gây xào xáo, chia rẽ, phá hoại gia đình người khác.
Rõ ràng, ông chồng trong bài đi xét nghiệm ADN là do chịu ảnh hưởng của những lời đồn đại lung tung quá lâu đến mức phải dùng biện pháp không mong muốn để chấm dứt mọi tin đồn và nghi ngờ ác ý.
Ông chồng nếu sai một thì những kẻ đồn đoán bậy bạ sai mười, sai trăm. Thật đáng tiếc là những kẻ bông đùa vô tâm hay tung tin đồn ác ý thường không phải chịu sự trừng phạt cho hành động xấu xa của chúng, chỉ có người bị đồn đoán là gánh hết mọi tai vạ.
Bạn có quyền nghi ngờ đứa bé đấy không phải con ruột ông A ông B, nhưng muốn kết luận phải có bằng chứng, nhất là đối với những nhận định có khả năng gây tổn thương và phá hoại gia đình người khác.
Nói rộng ra, những lời bàn tán độc hại, vô căn cứ về gia đình của người khác cùng xảy ra rất nhiều, gây ức chế cho người bị bàn tán và thậm chí là "đốt nhà" người ta.
Thậm chí, nếu tôi nhớ không lầm, những chuyện rất bình thường hiện nay như chồng gánh việc nhà giúp vợ, cắt giảm nhậu nhẹt để dành thời gian cho gia đình... cũng bị trêu chọc, chê bai, rồi vẽ ra những thuyết âm mưu vô căn cứ với mục đích để sỉ nhục người khác.
Thiết nghĩ xã hội, cơ quan chức năng và bản thân mỗi cá nhân cần có những hành động thích đáng để chấm dứt những hành động bình phẩm và đồn đoán vô căn cứ, ác ý về chuyện nhà người khác, thậm chí là hình phạt thích đáng để răn đe nếu cần thiết.
*Quan điểm của bạn thế nào? Chia sẻ bài viết tại đây.
H. Hougi