9 ngày qua, Việt Nam ghi nhận nhiều ca Covid-19, bao gồm Hà Nam với 20 ca, Vĩnh Phúc 14 ca, Yên Bái 5 ca, Đà Nẵng 2 ca, Quảng Nam 1 ca, Đồng Nai 1 ca. Đặc biệt, trong hai ngày 5/5 và sáng 6/5, 42 ca nhiễm được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, là nhân viên y tế (một bác sĩ và một điều dưỡng), bệnh nhân, thân nhân người bệnh.
Đây là lần bùng phát dịch thứ tư tại Việt Nam kể từ năm ngoái đến nay, sau đợt dịch tháng 3-4/2020, tháng 7-8 liên quan Đà Nẵng, tháng 1-2 liên quan Hải Dương.
Đến sáng nay, ít nhất 4 tỉnh thành đã ghi nhận tổng cộng 19 ca nghi nhiễm liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Trong đó, Bắc Ninh 9 ca, Thái Bình 5 ca, Hưng Yên 2 ca, Hà Nội 3 ca gồm 2 ca là người chăm sóc bệnh nhân và một bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 105 đi học tại viện Nhiệt đới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương là thành trì quan trọng của ngành y tế khu vực phía Bắc, là nơi tiếp nhận tất cả bệnh nhân Covid-19, điều trị hơn 1.000 ca bệnh, trong đó nhiều ca rất nặng, chưa có trường hợp nào tử vong.
"Giờ đây, thành trì này đã bị thủng", ông Long nói.
Theo các chuyên gia, đợt dịch này có nhiều điểm khác biệt lớn so với "làn sóng Covid-19 thứ hai" tại Đà Nẵng vào tháng 7/2020 hay hai ổ dịch bùng phát, nhanh chóng lan rộng vào tháng 1/2021 tại Công ty Poyun, Hải Dương và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh.
Ghi nhận cùng lúc nhiều ổ dịch ở nhiều địa phương
Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn điều trị Covid-19, cho biết các đợt dịch trước đây là từ một ổ dịch lây sang nguồn khác, chẳng hạn Đà Nẵng là Bệnh viện Đà Nẵng hay Hải Dương là từ khu công nghiệp Poyun, còn đợt dịch này là lây từ nhiều điểm khác nhau.
Đầu tiên là chuỗi siêu lây nhiễm cộng đồng ở Hà Nam, lây lan bốn tỉnh thành gồm Hà Nam, Hà Nội, Hưng Yên, TP HCM. Tiếp đến là chuỗi lây nhiễm từ khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái ghi nhận 5 ca nhiễm liên quan nhóm chuyên gia Ấn Độ và trong khu cách ly tập trung của khách sạn. Thứ ba là chuỗi lây nhiễm cộng đồng từ Vĩnh Phúc ghi nhận 6 ca liên quan nhóm chuyên gia Trung Quốc hết cách ly di chuyển nhiều nơi. Hôm 5/5, ghi nhận thêm ổ dịch mới tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Hà Nội, bao gồm nhân viên y tế, người nhà và bệnh nhân đang điều trị.
"Do đó, đợt dịch này phức tạp hơn, liên quan nhiều ổ dịch, buộc tất cả các tỉnh thành nâng cao tinh thần chống dịch triệt để", giáo sư Kính nhận định.
Xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây lan nhanh trong thời gian ngắn
Kết quả giải trình tự gene các chuyên gia Ấn Độ và nhân viên khách sạn Yên Bái do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện, đều thuộc biến chủng Ấn Độ là B.1.167. Đây là biến chủng kép, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam.
Chiều 4/5, Bộ Y tế công bố kết quả giải trình tự gene 3 mẫu virus bệnh nhân Covid-19 cộng đồng ở Vĩnh Phúc thuộc biến chủng B.1.617 Ấn Độ. Các chuyên gia cũng giải trình tự gene virus 6 mẫu bệnh phẩm ở Hà Nam, hai mẫu ở Hưng Yên, hai mẫu tại Hà Tĩnh lấy từ hai bệnh nhân Covid-19 từ Lào sang Việt Nam qua đường bộ, kết quả nhiễm chủng B.1.1.7, là biến thể từ Anh. Hiện, ngành y tế đang tiến hành giải tình tự gene một số trường hợp khác.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, nhận định việc xuất hiện cùng lúc nhiều ổ dịch, nhiều biến chủng khác nhau, chứng tỏ những ổ này độc lập, từ các nguồn lây khác nhau.
"Virus ngày càng thiên biến vạn hóa, các biến chủng mới ghi nhận gần đây gia tăng khả năng nhiễm nhiều hơn, thời gian ủ bệnh để lây từ người này sang người khác ngắn hơn", bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Hùng, trước đây, khi dịch bùng phát ở một địa phương nào đó, việc cô lập, phong tỏa sẽ giúp kiểm soát tốt. Hiện, Covid-19 xuất hiện nhiều nơi, nhiều nguồn nhiễm, mỗi ổ bắt nguồn từ một nguồn khác nhau, quy mô rộng hơn, "đòi hỏi cả hệ thống phải căng mình rất nhiều" so với những giai đoạn trước.
Mất dấu F0
Bác sĩ Lê Quốc Hùng phân tích, đợt bùng dịch với 16 ca đầu tiên ghi nhận trong cả nước, tất cả đều tìm thấy F0, cách ly F1 rất nhanh, 99 ngày sau đó cả nước không ghi nhận lây nhiễm cộng đồng. Giai đoạn thứ hai ở Đà Nẵng, dù F0 đầu tiên mất dấu nhưng một số F0 khác phát hiện được. Ngày 28/11/2020, TP HCM xuất hiện chuỗi lây nhiễm nhưng nhanh chóng xác định được F0, kiểm soát tốt, khả năng lây lan thấp.
"Đợt dịch này cũng giống đợt ở Hải Dương là mất dấu hoàn toàn F0", bác sĩ Hùng chia sẻ. Biến thể virus ngày càng nhiều, đa dạng về lâm sàng, có người bị nhiễm không có triệu chứng, không biết bị bệnh nên vẫn di chuyển khắp nơi, tham gia các sinh hoạt, âm thầm lây bệnh cho người khác".
"Đây chính là những quả bom nổ chậm trong cộng đồng", bác sĩ Hùng nói.
Theo bác sĩ Hùng, trước đây, các ca phát hiện phần lớn dựa vào triệu chứng lâm sàng, từ đó giúp khoanh vùng, truy vết, phát hiện F1, F2, tìm ra nguồn lây thuận lợi hơn để ngăn chặn được dịch. Bây giờ, khả năng ngăn chặn giảm đi do tình trạng lây lan ra cộng đồng lúc nào không biết, từ những bệnh nhân không triệu chứng.
Hiện mỗi ngày, cơ quan chức năng bắt được rất nhiều trường hợp nhập cảnh trái phép, cả qua biên giới đất liền lẫn đường biển, đường sông. Các chuyên gia nhận định, số nhập cảnh trái phép trót lọt, nhiễm bệnh không triệu chứng, vào cộng đồng sẽ có nguy cơ lây nCoV rất lớn. Khi đó, rất khó xác định nguồn lây.
Nhiều ca dương tính sau khi hết thời gian cách ly tập trung
"Bệnh nhân 2899" được ghi nhận ngày 29/4, sau hơn một tháng Việt Nam không có lây nhiễm cộng đồng. Người này từ Nhật về ngày 7/4, đã hoàn thành cách ly tập trung tại khách sạn Alisia Beach, Đà Nẵng ngày 21/4 và có 3 lần kết quả âm tính. Sau khi trở về Hà Nam, người này trở thành nguồn lây cho 19 ca khác.
5 chuyên gia Trung Quốc, hoàn thành cách ly tập trung ở Yên Bái và xuất cảnh ngày 29/4, cũng dương tính nCoV. Một chuyên gia Ấn Độ sống tại Hà Nội, dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung 2 ngày. Một phụ nữ 32 tuổi từ Dubai về TP HCM, hết hạn cách ly tập trung với ba lần xét nghiệm âm tính, khi về quê Thạch Hà xét nghiệm lại dương tính, ghi nhận chiều 5/5.
Ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam cho rằng quy trình cách ly tại khách sạn, cụ thể như ở khách sạn Như Nguyệt 2, Yên Bái chắc chắn có vấn đề dẫn đến lây nhiễm.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, phân tích việc có ca dương tính sau khi cách ly đủ 14 ngày có thể do giám sát cách ly có vấn đề hoặc xét nghiệm sai. "Nhìn chung vấn đề nằm ở sự chủ quan của con người chứ không phải do tính chất của dịch bệnh", bác sĩ Khanh nói.
Hiện Bộ Y tế đã quyết định nâng thời gian cách ly tập trung lên 21 ngày, công bố chiều 5/5 và áp dụng ngay. Ngoài ra, người sau khi cách ly tập trung 14 ngày phải tiếp tục cách ly 14 ngày tại nhà chứ không được đi học, đi làm như trước đó.
Người dân chủ quan hơn
Theo bác sĩ Hùng, trước đây chỉ cần có thông báo một đợt bùng dịch nào đó, đường sá đều vắng vẻ hơn, người dân ít tụ tập. Hiện nay, dù các ca bệnh dồn dập xuất hiện nhưng người dân vẫn đi hát karaoke, tụ tập lễ hội.
Chẳng hạn, tối 4/5, đoàn kiểm tra phát hiện nhà hàng The King trên đường Lê Lai, quận 1 với 6 phòng của karaoke có các nữ tiếp viên ăn uống, hát hò cùng khách quốc tịch Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, một người Trung Quốc 45 tuổi vừa xong cách ly tập trung tại Hưng Yên, chưa hoàn thành thời gian tự cách ly thêm 14 ngày tại nơi cư trú ở Long An - nơi ông đến công tác. Trước đó, ngày 30/4, TP HCM đã dừng hoạt động toàn bộ các quán karaoke, bar và vũ trường để phòng Covid-19, sau khi ghi nhận "bệnh nhân 2910".
Bác sĩ Hùng nhận định, nhiều khả năng người dân tin tưởng nhà nước, ngành y tế chống dịch tốt, chỉ một thời gian ngắn sẽ khống chế được dịch nên càng chủ quan.
"Điều này rất đáng lo ngại vì người dân đóng vai trò cực kỳ lớn trong thành công chống dịch. Nếu không có sự chung tay của người dân, chỉ dựa vào nỗ lực của nhà nước, ngành y tế, các ban ngành đơn thuần thì không thể hiệu quả", bác sĩ Hùng nói. "Nếu không nhanh chóng dập dịch, sẽ dẫn đến Covid-19 bùng phát trên diện rộng, nói cách khác là "thảm hoạ do chủ quan".
Hy vọng vào vaccine
So với các đợt dịch trước kể từ tháng 3/2020, lần này các lực lượng chống dịch có vũ khí mới - vaccine.
Phó giáo sư Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định vaccine là chìa khóa kiểm soát dịch hiệu quả nhất, kể cả khi Việt Nam đã khống chế dịch rất tốt. Việt Nam cần kiểm soát "chủ động", tiêm vaccine phòng Covid 19 để tạo miễn dịch cộng đồng. Không có vaccine thì rất khó để kiểm soát dịch bền vững trong bối cảnh này, khi mà tình hình dịch ở các nước xung quanh như Campuchia, Lào, Thái Lan và Ấn Độ tăng cao.
Tính đến hôm qua, hơn 600.000 người đã được tiêm vaccine phòng dịch, và dự kiến đến 15/5 sẽ tiêm hết lượng vaccine Astra Zeneca hiện Việt Nam có như kế hoạch. Ngày 10/5, dự kiến Covax sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam hơn 1 triệu liều nữa.
Các nhà sản xuất vaccine trong nước cũng đang chạy đua thời gian để có thể chủ động nguồn. Đến nay, 100% người tiêm thử Nanocovax giai đoạn một đều sinh miễn dịch tốt.
"Hy vọng vaccine sớm được sản xuất để phục vụ cộng đồng, người dân có miễn dịch để tự bảo vệ mình", phó giáo sư Cơ nói.
Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa cân bằng phát triển kinh tế, việc phong tỏa các diện rộng như năm trước khó khả thi, thì vaccine và 5K nghiêm túc chính là phương thức quan trọng để chống dịch, giáo sư Kính kết luận.