* Bài viết tiết lộ nội dung phim
Dòng sông ký ức trình chiếu tại Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14 tại TP HCM, hôm 7/9. Tác phẩm 50 phút, do Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thước đạo diễn, xoay quanh cột mốc nổi bật trong cuộc đời minh tinh Trà Giang.
Dự án theo lối kể chuyện tuyến tính, mở đầu với những ký ức tuổi thơ của nghệ sĩ. Từ nhỏ, Trà Giang thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ cha - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Khánh, thuộc đoàn Dân ca Liên khu V. Khi tập kết ra Bắc, bà theo học trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng rồi trở thành sinh viên khóa đầu tiên của Trường Điện ảnh Việt Nam (sau này là Đại học Sân khấu Điện ảnh Việt Nam), năm 1959.
Hơn nửa thời lượng phim, đạo diễn điểm qua những tác phẩm gây ấn tượng của Trà Giang. Năm 20 tuổi, khi đóng phim Chị Tư Hậu (1962), bà vào vai người làm nghề đỡ đẻ, có chồng hoạt động cách mạng. Nghệ sĩ tự nhận khi hóa thân vào nhân vật, trông bà già hơn so với tuổi thật của mình.
Một trong những phân cảnh đáng nhớ của phim là lúc nhân vật lao ra biển sau khi bị cưỡng hiếp. Tuy nhiên, tiếng khóc của con giúp chị Tư thức tỉnh, quyết định sống tiếp. Nghệ sĩ bộc lộ nỗi đau qua ánh mắt, biểu cảm gương mặt. Vai diễn đem lại cho bà huy chương bạc Liên hoan phim Quốc tế Moskva năm 1963.
Nhân vật Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1973) là một trong những vai diễn thành công nhất của nghệ sĩ. Trước khi bấm máy, bà gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Thị Kiều để tìm hiểu đời sống của người lính thời chiến. Trà Giang ấn tượng câu chuyện người du kích vừa bế người con bị bắn chết vừa đối đầu với quân địch. Bà trao đổi với đạo diễn Hải Ninh, đưa chi tiết này vào phim.
Những năm 1970 là giai đoạn quân đội Mỹ bắn phá, ném bom ác liệt, nhưng êkíp vẫn cố gắng thực hiện dự án. Trà Giang cùng đoàn phim đến Vĩnh Linh (Quảng Trị) ghi hình, làm việc trong địa đạo, dầm mình dưới nước để quay phim vào lúc nửa đêm.
Tác phẩm có đoạn Trà Giang về Quảng Trị năm 1999 để tìm O Thảo (tên thật là Hoàng Thị Thảo) - hình mẫu của nhân vật Dịu. Tuy nhiên, chị đã hy sinh ở chiến trường miền Nam sau khi phim đóng máy một năm. Diễn viên và người nhà O Thảo ôm nhau khóc, nhớ lại ký ức về một thời làm phim gian khổ. Theo nghệ sĩ, bà chứng kiến nhiều đau khổ trong thời chiến, nên muốn mỗi vai diễn của mình khắc họa người phụ nữ Việt Nam kiên cường.
Nhà làm phim còn nhắc đến chuyện tình của diễn viên và Giáo sư âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc. Trong tác phẩm, bà nói chồng vốn là thành viên trong đoàn văn công của cha Trà Giang, thích nghe nhạc cổ điển. Ông Bích Ngọc lên khu A tìm gặp bà, thấy diễn viên gặm bánh mì vừa học bài nên cảm mến từ đó. Khi chồng đột ngột qua đời năm 1999, bà tự nhắc mình cố gắng lo cho con gái, hoàn thành trách nhiệm của một người mẹ. "Anh Ngọc mất, con đi học xa, mình phải tiếp tục sống", Trà Giang nói.
Sau những biến cố, bà tìm đến hội họa như một nơi trú ẩn. Cọ vẽ trở thành người bạn đồng hành, giúp bà thổ lộ tâm tư, tình cảm. Niềm vui lớn nhất của nghệ sĩ là thấy khán giả yêu thích những tác phẩm của bà, nhất là khi chúng được mang đi đấu giá để quyên góp từ thiện. Với Trà Giang, hội họa là liều thuốc tinh thần giúp bà vượt qua những mất mát, cô đơn.
Dự án ghi hình ở nhiều địa điểm, như TP HCM - nơi nghệ sĩ sinh sống, Bình Thuận - mảnh đất Trà Giang lớn lên, Hà Nội (lúc bà bắt đầu sự nghiệp diễn xuất). Êkíp còn phỏng vấn nhiều người bạn, người thân của diễn viên như con gái - nghệ sĩ dương cầm Bích Trà, biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh, nhà báo Lê Hồng Lâm, Ngô Ngọc Ngũ Long, đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Sau buổi chiếu, nhiều khán giả khen ngợi tác phẩm. Minh Kiên, 46 tuổi, TP HCM, nói: "Bộ phim giúp tôi hiểu được tình cảm của Trà Giang dành cho điện ảnh. Tôi xúc động khi thấy nghệ sĩ hóa thân trọn vẹn vào những vai diễn khó".
Kim Ngân, 27 tuổi, TP HCM, cho biết tìm hiểu điện ảnh Cách mạng Việt Nam từ các phim nghệ sĩ tham gia. "Dòng sông ký ức mang đến hình ảnh Trà Giang tình cảm, sống hết mình vì nghệ thuật", khán giả nói.
Tuy nhiên, phim còn một số điểm trừ. Việc cắt dựng đột ngột khiến một số phân đoạn thiếu liền mạch. Phần âm nhạc bị lạm dụng, làm lu mờ những khoảnh khắc lắng đọng.
Nghệ sĩ Trà Giang, 82 tuổi, sinh ở Phan Thiết (Bình Thuận). Diễn viên nổi tiếng qua các phim Một ngày đầu thu, Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. Hiện bà hiện sống ở TP HCM, dồn tâm huyết cho hội họa, từng tổ chức triển lãm tranh năm 2018.
Nguyễn Thước, 71 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành quay phim, đạo diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Ông từng chỉ đạo các phim Sự nhọc nhằn của cát, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Không chỉ là thương hiệu, Chất xám, Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại, Nếu chỉ còn một ngày để sống, Đất lạnh, Cỏ xanh im lặng.
Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 14, diễn ra ngày 6-14/9 tại Hà Nội và TP HCM. Sự kiện chiếu phim miễn phí cho khán giả, quy tụ các dự án từ chín quốc gia: Áo, Italy, Đức, Tây Ban Nha, Anh, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ, Israel và Việt Nam. Năm nay, sự kiện giới thiệu các bộ phim về chủ đề bản sắc cá nhân, văn hóa, vai trò của giáo dục.
Quế Chi