- Các đêm nhạc thính phòng trong nước phải vất vả bán vé, trong khi đêm hòa nhạc của Richard Clayderman sắp tới ở Việt Nam đang cháy vé. Chị nghĩ gì về điều này?
- Ngày bé tôi có sưu tầm đĩa nhạc của Richard Clayderman. Tôi cũng nắm thông tin ông về Việt Nam biểu diễn và biết nhiều người chờ đợi. Ông là một ví dụ cho sự thành công về mặt thương mại khi "pha chế" giữa nhạc pop với giai điệu cổ điển (crossover). Để làm được điều đó và thành công như ông là điều không dễ dàng chút nào. Còn chuyện vé xem đêm nhạc chẳng làm tôi tủi thân, chỉ có hơi chạnh lòng vì nhiều đêm biểu diễn của chúng tôi, giá vé 300.000 đồng cũng ít khán giả, ban tổ chức còn phải mời mọc mọi người mua (cười).
- Chị lý giải như thế nào về sự thành công của nghệ sĩ người Pháp khi pha âm nhạc cổ điển với pop để phát triển theo hướng thương mại?
- Mỗi người có một sự lựa chọn cho mình. Thành công nào cũng có cái giá của nó. Quan trọng không phải là ngồi đó so đo mình thua kém hay giỏi hơn người khác mà là mỗi người có quyền làm và theo đuổi điều mình thích. Tôi luôn luôn ghi nhớ câu nói của một ông thầy dạy nhạc: "Mind your own business" (Hãy để tâm đến chuyện của chính mình). Tất nhiên, mình phải sống thực tế nhưng mình vẫn nên là chính mình, tập trung vào công việc của mình vẫn tốt hơn là nhòm ngó chuyện của người khác.
Tôi và bạn bè trong nghề thường ngồi đùa với nhau: "Chúng mình luôn bị đặt vào thế khó". Sống trong môi trường nhạc cổ điển, nếu không theo thương mại thì không được nhiều khán giả biết đến. Không nhiều người biết đến thì ít khán giả mua vé xem mình biểu diễn, mua đĩa của mình. Nhưng khi dính đến showbiz rồi thì mình phải đánh những bản nhạc mà quần chúng muốn. Đó là một cái vòng luẩn quẩn, đòi hỏi người nghệ sĩ phải tự mình vượt qua, chọn con đường nào mình thích đi.
Thú thật, để đánh những bài nhạc như Richard Clayderman thì tôi không thích đâu.
- Chị và hai nghệ sĩ nước ngoài vừa chủ trì thành công khóa đào tạo Saigon Chamber Music lần đầu tiên tại TP HCM. Chị nhận xét gì về chương trình?
- Tôi thật sự vui mừng và lâng lâng khi mình có cơ hội về nước truyền đạt kinh nghiệm. Các năm trước, tôi từng về làm chương trình giảng dạy piano. Tôi luôn nhận thấy ở các bạn trẻ sự ham học hỏi, đam mê âm nhạc cổ điển, hàn lâm. Họ rất thông minh và nhạy bén. Chúng tôi cũng làm việc hết sức, buộc các bạn phải tập trung cao độ, lên lịch trình học sát sao với nhiều bài tập để tận dụng tối đa thời gian của khóa đào tạo.
Saigon Chamber Music là một chương trình hay và mang nhiều ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay, góp một phần vào việc nâng cao đào tạo âm nhạc thính phòng trong nước. Có một điều rất quan trọng trong quá trình phát triển của âm nhạc là người nghệ sĩ phải biết chơi hòa tấu. Người nghệ sĩ cần nhận ra: anh là một phần trong dàn nhạc. Để hòa hợp với mọi người, ngoài tài năng, anh còn cần phải biết lắng nghe và "đối thoại". Điều này chưa được phát triển đúng mức trong việc đào tạo âm nhạc ở nước mình. Việt Nam thường rất chú tâm đào tạo nghệ sĩ solo, khác với cách đào tạo mà các nước như Nga, Mỹ, Anh... đang dành cho nhạc thính phòng.
- Mức thù lao chị nhận được trong khóa đào tạo vừa qua so với các chuyến lưu diễn khác thế nào?
- Nếu nói đến tiền cát-xê thì thú thật chẳng đáng là bao và chỉ ở mức tượng trưng. Tôi cũng như nghệ sĩ cello Zoë Martlew (Anh), nghệ sĩ Atle Sponberg (Nauy) có chung tâm trạng: có được vé máy bay về Việt Nam là rất vui mừng rồi. Nó chẳng đáng gì so với khó khăn của ban tổ chức.
Trong môi trường âm nhạc Việt Nam, để có một khóa đào tạo như thế, người tổ chức phải làm việc vất vả nhiều năm. Tôi biết, chị Nguyệt Sa, người chủ trì chương trình, là người được đào tạo bài bản về âm nhạc hàn lâm và rất tâm huyết với lĩnh vực này. Từ năm ngoái, chị ấy cùng cộng sự lên kế hoạch cho kịch bản chương trình, rồi chạy khắp nơi xin tài trợ từng bữa ăn cho nghệ sĩ tham dự, tiền vé máy bay, kinh phí thực hiện các khâu...
- Từ nhỏ đến lớn, chị sống, làm việc trong bầu không khí học thuật của âm nhạc. Điều này ngăn cách chị đến với cuộc sống ngoài đời thực ra sao?
- Tôi luôn "nghiện" vẻ đẹp của âm nhạc cổ điển. Những khi đắm chìm trong nó, tôi được sống với trạng thái cảm xúc trong vắt. Dĩ nhiên, dân học nhạc thường đầu óc hơi "trên mây" một tý, nhưng tôi cũng rất yêu cuộc sống thật ngoài đời. Nếu không yêu cuộc sống này thì làm sao mình có thể cảm được các tác phẩm lớn của các nhạc sĩ, bởi họ đều viết nhạc từ chính những gì cuộc sống mang lại.
Âm nhạc cổ điển chưa bao giờ là rào cản giữa tôi và đời sống thực tại. Chỉ trừ những lúc đang làm dự án hay thu đĩa thì tôi chẳng để ý gì đến xung quanh.
- Cuộc sống của chị như thế nào sau 17 năm ở Anh?
- Tôi có cuộc sống ổn. Dù đi theo con đường hẹp, theo đuổi công việc không kiếm được nhiều tiền, tôi được bù lại ở việc có thể làm, học hỏi, cập nhật những điều mình thích. Ngoài ra, tôi luôn luôn có những người bạn thân ở xung quanh, có thể cùng mình trao đổi mọi chuyện về chuyên môn, về cuộc sống.
Vừa qua, tôi và nhóm bạn ở Anh suy nghĩ rất nhiều để tự đề ra một dự án âm nhạc riêng, dung hòa giữa showbiz và chuyên môn. Tôi muốn kiên trì theo hướng đi vừa giảng dạy, vừa biểu diễn, thu âm, ra đĩa. Tháng 4 năm nay tôi đã ra đĩa hòa nhạc thứ tư. Năm sau hoàn thành thêm hai đĩa nữa. Tôi tập trung nghiên cứu rất kỹ và thu những bản nhạc chưa ai thu bao giờ. Các sản phẩm đã phát hành nhận được đánh giá tốt.
- Bao năm chị xa nhà, tình cảm chị hướng về mẹ - Nghệ sĩ Nhân dân Trà Giang - thế nào?
- Mẹ luôn là niềm khắc khoải trong tim tôi. Khoảng thời gian tôi học và sống ở Nga, cộng thêm khoảng thời gian tôi sang Anh làm việc đến nay đã hơn thời gian tôi ở Việt Nam. Trong tương lai gần, tôi muốn có nhiều điều kiện để về làm việc, biểu diễn trong nước thường xuyên hơn, được gần mẹ nhiều hơn.
Mẹ và ba đã hy sinh cho tôi rất nhiều. Dù ba mất đã lâu, với tôi, ông luôn luôn là người đàn ông rất đặc biệt. Khi ba còn sống, ông mang đến cho mẹ và tôi tình yêu lớn lao, khiến cuộc sống của chúng tôi quá sung sướng. Khi ông mất rồi, lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm nhận sâu sắc thế nào là nỗi đau và sự hụt hẫng. Không gì bù đắp được khoảng trống ấy. Kể cả tình yêu của âm nhạc cũng không thể nào xoa dịu cho tôi nỗi đau mất cha. Nói ra thì nghe có vẻ sáo mòn nhưng món quà lớn nhất mà ba mẹ trao cho tôi chính là tình yêu. Tình yêu không điều kiện ấy khiến tôi tự tin và luôn có cảm giác bình an trong tâm hồn. Tình yêu đó cũng là điều duy nhất giúp tôi đứng dậy, vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc sống và luôn vui vẻ, lạc quan.
Thoại Hà thực hiện