Trong buổi phỏng vấn với New York Times hôm qua 9/5, Chris Hughes cho rằng Facebook đang vượt quá tầm kiểm soát của Mark Zuckerberg và đã đến lúc cần chia nhỏ Facebook, Instagram và WhatsApp để dễ quản lý hơn.
"Facebook đã trở nên độc quyền và điều này làm giảm rất lớn sự cạnh tranh cũng như kìm hãm đổi mới. Người dùng không có lựa chọn nào khác. Tôi cho rằng Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) nên hủy bỏ thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp nhằm tạo sự cạnh tranh trên thị trường mạng xã hội", Hughes nói.
Bên cạnh đó, đồng sáng lập Facebook cho rằng vấn đề không chỉ dừng lại ở độc quyền. Ông lập luận, mạng xã hội đang bị chi phối bởi một người duy nhất, Zuckerberg có quá nhiều quyền kiểm soát đối với Facebook, Instagram và WhatsApp - ba nền tảng có hàng tỷ người sử dụng. Quyền lực của CEO Facebook không khác gì một chính trị gia, thậm chí tầm ảnh hưởng còn lớn hơn rất nhiều.
"Mark là người tốt, nhưng tôi cảm thấy tức giận vì anh ấy tập trung vào tăng trưởng mà quên đi sự an toàn và văn minh của những cú nhấp chuột", Hughes nhận xét. "Một mình Mark có thể quyết định mọi thứ, từ những thứ thấy hàng ngày trên Newsfeed đến các thiết lập bảo mật. Anh ta đặt ra những thứ mình muốn và sẵn sàng loại bỏ đối thủ cạnh tranh bằng cách mua lại hoặc sao chép tính năng".
Cũng theo Hughes, chính phủ Mỹ nên có cơ chế quản lý các mạng xã hội hiệu quả hơn, bằng cách thành lập cơ quan để chuyên giám sát, điều chỉnh cách thức hoạt động có lợi cho người dùng cũng như đảm bảo quyền riêng tư của họ.
Đại diện mạng xã hội lớn nhất thế giới lập tức phản hồi. "Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp, nhưng Facebook không thể chia nhỏ bởi đang rất thành công. Thành công đi liền trách nhiệm. Bạn không thể thực thi trách nhiệm bằng cách giải tán tổ chức được", Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách truyền thông toàn cầu của Facebook, cho biết.
Chris Hughes là bạn ở chung phòng ký túc xá tại Đại học Harvard với Zuckerberg. Cả hai cùng với Dustin Moskovitz, Andrew McCollum và Eduardo Saverin sáng tạo nên Facebook vào ngày 4/2/2014. Thời gian đầu, ông làm nhiệm vụ kiểm tra, thử nghiệm và đưa ra ý tưởng mới.
Sau khi Facebook được biết đến trên toàn thế giới, Hughes trở thành phát ngôn viên cho mạng xã hội. Nhưng không giống như Zuckerberg bỏ học giữa chừng, Hughes hoàn thành chương trình học của mình tại Đại học Harvard, sau đó quay lại làm việc.
Tuy nhiên, đến 2007, Hughes rời Facebook và hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Barack Obama. Hiện nay, ông là sáng lập viên của nhiều dự án từ thiện và cộng đồng.
Như Phúc tổng hợp