Mới đây, Tòa án Liên bang Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu Apple trợ giúp FBI trong việc mở khóa iPhone của một kẻ khủng bố đã giết liên hoàn 14 người tại California hồi cuối năm ngoái. Về phía mình, Apple tuyên bố hãng sẽ kháng cáo vì cho rằng quyết định của tòa đã đe dọa an toàn thông tin của khách hàng.
Sẽ cần ít nhất vài tháng nữa vụ việc mới ngã ngũ và phần thắng nghiêng về bên nào, nhưng một thực tế đã hiện rõ ở thời điểm này: Chính phủ và các công ty công nghệ Mỹ đang bước vào một cuộc chiến cân não ngày càng khốc liệt.
Lý giải cho động thái đối đầu với các cơ quan lập pháp của Apple, The New York Times nhận định, công việc kinh doanh của những đại gia công nghệ như Apple, Google và Facebook phụ thuộc rất nhiều vào một lượng thông tin cá nhân khổng lồ mà họ có từ khách hàng. Nếu Apple đồng ý với yêu cầu mở khóa iPhone từ chính phủ Mỹ, trong tương lai, hãng sẽ phải hành động tương tự khi nhận được yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc, Iran hay bất cứ quốc gia nào khác. Và nếu Apple buộc phải viết code để mở khóa chiếc iPhone 5C của kẻ khủng bố, không điều gì có thể đảm bảo rằng kẻ xấu sẽ không lợi dụng điều này vào những mục đích phi pháp.
Các chuyên gia luật đánh giá, trong cuộc đối đầu giữa chính phủ Mỹ và các công ty công nghệ, tình thế đã thay đổi hoàn toàn. Ở những năm 1990 khi chính phủ Mỹ khởi xướng những vụ kiện xung quanh công nghệ mã hóa, khi đó chỉ có vài doanh nghiệp công nghệ tham gia vào lĩnh vực này. Nhưng giờ đây FBI nói riêng và chính quyền Mỹ nói chung đang rơi vào tình thế bất lợi khi một mình phải đối đầu với những công ty quyền lực nhất thế giới, với sức ảnh hưởng và sự hẫu thuận trên quy mô toàn cầu.
Còn về phía các công ty công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin cho khách hàng đã làm nên giá trị thương hiệu toàn cầu của họ, vì thế không chỉ Apple, mà cả Google, Facebook sẽ làm mọi cách để bảo vệ và gìn giữ giá trị này. Một vài chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nhận định, trong vụ việc pháp lý lần này giữa Apple và FBI, dù kẻ thắng người thua là ai, trong tương lai, thương hiệu "Quả táo cắn dở" chắc chắn sẽ siết chặt những biện pháp bảo mật và rào cản pháp lý để đảm bảo rằng chính phủ không thể can thiệp vào công việc kinh doanh của họ một lần nữa.
Điều này cũng phần nào lý giải tại sao CEO Google, Sundar Pichai đã lên tiếng ủng hộ quyết định kháng cáo của Tim Cook. Nếu Apple đồng ý làm theo yêu cầu của tòa án, tức là tự "hack" chính thiết bị mà mình sản xuất, nó sẽ tạo ra một tiền lệ chưa từng có. Các nhà lập pháp Mỹ sẽ dựa vào tiền lệ này để tiếp tục đưa ra những yêu cầu tương tự trong tương lai với các doanh nghiệp công nghệ, trong một cố gắng mà họ gọi là để “bảo vệ an ninh quốc gia”. Nếu điều này thành sự thật, các công ty công nghệ không còn cách nào khác là phải tuân theo yêu cầu của chính phủ, bằng không danh tiếng của họ sẽ bị hủy hoại nặng nề.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia trong ngành vẫn đánh giá Apple sẽ có những nước cờ khôn ngoan trong tương lai để tránh viễn cảnh tồi tệ đó xảy ra. Không thiết bị nào an toàn 100% trước các hacker. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, Apple phát triển những biện pháp bảo mật khiến cho chính bản thân hãng cũng không thể hack được iPhone mình sản xuất, thì mọi yêu cầu từ phía chính phủ sẽ trở nên vô dụng. Điều này có nghĩa, FBI có thể thắng trong vụ kiện lần này. Nhưng về dài hạn, họ vẫn là kẻ thua cuộc.
Nguyễn Mai Đức