Trong bối cảnh làng giải trí đóng băng vì dịch, Hương vị tình thân là một trong những bộ phim hiếm hoi được quay. Phim thực hiện theo hình thức cuốn chiếu (quay tới đâu phát sóng tới đó), vì vậy khi Hà Nội giãn cách, êkíp vẫn làm việc để kịp tiến độ. Phương Oanh cho biết trung bình khoảng ba ngày, cô phải xét nghiệm một lần. Những lần đầu lấy mẫu, cô hơi sợ, có cảm giác khó chịu, buồn nôn nhưng dần quen. "Trong bối cảnh hiện tại, xét nghiệm là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho tôi và các thành viên trong êkíp. Hơn nữa, chúng tôi cũng an tâm hơn khi làm việc", cô nói.
Khẩu trang, nước rửa tay trở thành vật bất ly thân của Phương Oanh trên phim trường. Thậm chí, cô sắm máy sát khuẩn mini mang theo sử dụng. Sau khi đạo diễn hô cắt, cô và bạn diễn lập tức súc họng, đeo khẩu trang và rửa tay. Khi tập luyện, bàn kịch bản, các thành viên vẫn giữ khoảng cách nhưng nói to để hiểu ý nhau. Diễn viên có xe riêng, mỗi lúc không có cảnh quay, cô lên xe ngồi học kịch bản.
Cùng đoàn, diễn viên Minh Cúc mỗi lần đi quay đều mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, kể cả khi trao đổi kịch bản với mọi người. Đến khi vào set quay, cô mới cởi ra. Hết cảnh, cô lại nhanh chóng rửa tay, sát khuẩn rồi mặc đồ bảo hộ. Chị nói: "Nhà có con nhỏ nên tôi hết sức giữ gìn cho bản thân và cho con nữa". Trong khi đó, Thu Quỳnh gửi con trai sang nhà ông bà ngoại, hạn chế tiếp xúc trong thời gian này.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cho biết êkíp được nhà đài cấp giấy phép quay phim lẫn giấy thông hành. Thông thường đoàn phim có khoảng 70-80 người, hiện rút xuống còn khoảng một nửa. Mọi người tuân thủ quy định 5K khi làm việc. Anh cũng phải đứng từ xa chỉ đạo, dùng loa điều phối công việc. Êkíp gặp khó trong việc xin bối cảnh, đặc biệt là ở ngoài trời, thường phải chọn những xa khu dân cư hoặc thay bằng cảnh trong nhà. Mỗi khi ra ngoại thành quay, anh và cả êkíp phải xét nghiệm ngay trong đêm để kịp có kết quả, đủ điều kiện di chuyển. Hàng quán đóng cửa, các thành viên trong đoàn mang cơm hộp để ăn.
Trở lại màn ảnh nhỏ sau hơn sáu năm vắng bóng với tác phẩm Ngày mai bình yên, NSND Trung Hiếu lần đầu cảm nhận không khí căng thẳng, bận rộn khi quay phim trong thời dịch. Một trong những bối cảnh chính của phim là căn hộ trong khu chung cư. Mỗi lần ra vào, anh và êkíp đều phải tiến hành khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn. "Những ngày qua, có lúc Hà Nội nắng nóng cao điểm, lại thêm dịch bệnh, những cảnh quay ngoài trời rất vất vả", anh nói. Tuy nhiên, nghệ sĩ vẫn hào hứng với công việc, đùa rằng "đeo khẩu trang là đỡ phải trang điểm, không sợ xấu khi lên màn ảnh".
Nhiều nghệ sĩ quay phim, ghi hình tại nhà riêng. Huỳnh Lập từ TP HCM về quê nhà An Giang tránh dịch nhiều tháng qua. Anh biến căn phòng 30 m2 thành phim trường, thực hiện web drama Một nén nhang phần ba. Không có dụng cụ làm việc, anh phải nhờ nhân viên gửi máy quay, máy tính ở TP HCM về quê, tự đặt mua thêm đèn, dụng cụ hắt sáng, tìm kiếm đạo cụ từ hàng xóm.
Êkíp gồm hai người - anh và nhà sản xuất Hồng Tú - tự làm mọi việc: viết kịch bản, set up bối cảnh, lắp đèn, chỉnh thiết bị thu âm, diễn xuất. Nhiều lúc đang quay, tiếng xe cộ, chó sủa, gà kêu lẫn vào, anh phải bỏ, quay lại. Thời tiết nắng nóng, căn phòng lợp mái tôn càng trở nên ngột ngạt khiến anh mất nước, nhiều lần muốn lả đi vì kiệt sức. Sau khi quay phim, Huỳnh Lập tự cắt dựng, làm kỹ xảo. Do không có nhiều chuyên môn, anh phải kết nối với các đồng nghiệp ở TP HCM, hướng dẫn từ xa để hoàn thiện.
Diễn viên nói: "Nói chung cực dữ lắm, nhưng cái khó ló cái khôn, tự xoay sở mình cũng học hỏi thêm được nhiều thứ. Mùa dịch, còn được làm việc, cống hiến cho khán giả là thấy vui rồi".
Trường Giang cũng biến phòng ngủ trong nhà riêng ở Đồng Nai làm nơi ghi hình cho chương trình Nhanh như chớp nhí. Anh đặt máy quay đơn giản, dùng băng dính buộc bóng đèn trên chiếc gậy dài để chiếu sáng rồi kết nối, giao lưu với các nghệ sĩ khác bằng cuộc gọi video. Khả Như huy động điện thoại của tất cả thành viên trong gia đình để có được những góc máy cận, toàn cảnh. Còn Lâm Vỹ Dạ tự trang điểm, chuẩn bị trang phục khi tự ghi hình ở nhà.
Hiểu Nhân