Thanh Kim Huệ qua đời vì ung thư chiều 23/12 để lại tiếc thương với khán giả, đồng nghiệp. Bạch Tuyết là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đến viếng. Những tháng cuối đời của đồng nghiệp, Bạch Tuyết thường thăm hỏi, động viên bạn thân. Có lần, lên nhà nghệ sĩ, thấy bà đau đớn trên giường bệnh nhưng không một lời than vãn.
Bạch Tuyết cho biết: "Huệ từ lâu đã ôm nỗi đau riêng, ít khi tâm sự cùng ai, trừ những đồng nghiệp thân thiết. Em không bao giờ than vãn vì cho rằng đời người ai mà không trải qua sinh lão bệnh tử, mình đau đớn nhưng có người còn đớn đau, khổ sở hơn mình...".
Trong ký ức của Bạch Tuyết, Thanh Kim Huệ nhỏ nhắn, hiền lành nhưng đầy nghị lực. Theo bà, cố nghệ sĩ có chất giọng kim thuộc hàng hiếm trong nhiều thế hệ tài danh vọng cổ. Ngoài Mỹ Châu, Lệ Thủy, bà chưa thấy ai có giọng hát độc đáo tương tự.
Đến viếng Thanh Kim Huệ cùng con trai - ca sĩ Dương Đình Trí, nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết hay tin buồn khi đang trong phòng thu. Bà nói: "Dù đã chuẩn bị tinh thần, lúc ấy, đầu óc tôi trống rỗng, đang thu âm mà hát cứ trật nhịp". Dương Đình Trí nhớ lần gặp vào tháng 8/2020, khi Thanh Kim Huệ sang nhà anh, ca hát cùng Lệ Thủy và nghệ sĩ Chí Tâm. Họ rôm rả bàn bạc ý tưởng về một chương trình tôn vinh cả ba giọng ca. Cố nghệ sĩ háo hức lên dự định hát bài gì, tuồng nào, gom tài liệu, hình ảnh gửi cho Dương Đình Trí để anh viết kịch bản.
Dịch bùng phát, dự án phải hoãn lại thì anh hay tin tình trạng nghệ sĩ trở nặng. Những ngày trên giường bệnh, bà vẫn tự tay chụp lại từng tấm hình chân dung thời trẻ gửi cho Dương Đình Trí. Anh nói: "Sinh nhật gần đây, khi tôi và mẹ chúc mừng, cô vẫn nhắn tin hồi đáp lời cảm ơn. Nhưng điều gì đến cũng phải đến".
Hay tin Thanh Kim Huệ mất, Chí Tâm - đóng vai Điệp trong tuồng Lan và Điệp - lặng người. Ông viết bản ca cổ Lan - Huệ sầu ai theo điệu Phụng Hoàng để tưởng niệm đồng nghiệp.
"Anh đã biết rồi một ngày ta sẽ phải xa nhau?
Xa những người thương, xa ánh đèn sân khấu,
Bỏ lại những ngày mộng mơ yêu dấu
Tiếng hát ngọt ngào bé Ngọc Huệ ngây thơ
Cái tuổi mười ba, theo mẹ theo cha, thời sân khấu rộn ràng
Nhịp phách song lang thắm lòng vọng cổ
Quen những cung đàn họa theo tiếng em ca...".
Quen Thanh Kim Huệ từ lúc vào nghề, Chí Tâm khắc ghi hình bóng bà thuở 13, 14 tuổi, khi mới gia nhập Hãng đĩa Việt Nam. Cả hai được soạn giả Loan Thảo chọn làm giọng ca chính cho băng Chuyện tình Lan và Điệp.
Chí Tâm nhớ thời đó còn nghèo, chỉ có hai micro, người này kê miệng vào hát, người kia phải nhích ra. Khán giả khi nghe băng thường thấy những khoảng lặng vì khi đó, đôi nghệ sĩ phải nhường nhau. Không được đọc kịch bản trước, họ học thuộc lời trong thời gian ngắn. Công nghệ thu âm chưa phát triển, đôi nghệ sĩ không được thu sai vì phải làm lại từ đầu. Họ tập trước đôi ba lần để quen với dàn đờn, sau đó thêm thắt chi tiết giúp bản thu hay hơn.
Nhờ sự mộc mạc, bản thu của Thanh Kim Huệ, Chí Tâm trở thành phiên bản thành công nhất. Những bản dựng sau này thiếu vắng biểu cảm ấp úng, e lệ trong câu "Chiều nay... người ta đi hả" khi cô Lan muốn gọi Điệp là anh mà không dám. Năm 2019, hơn 40 năm sau, Lan và Điệp mới có dịp trùng phùng khi tuồng lần đầu được đưa lên sân khấu do Gia Bảo dàn dựng, đôi nghệ sĩ tiếp tục đóng chính. Chí Tâm nói: "Có ai ngờ, giờ Điệp khóc tiễn đưa Lan".
Thanh Kim Huệ được thương mến bởi tài năng, nhiệt huyết với nghề, sống hết lòng vì đồng nghiệp, khán giả.
Diễn viên Gia Bảo nhớ kỷ niệm cùng Thanh Kim Huệ thực hiện năm suất diễn Lan và Điệp tại Sài Gòn, Đà Nẵng và Hà Nội. Bà không chỉ chăm chút cho vai diễn của mình mà còn lo cho đồng nghiệp, nhân viên hậu đài, nhắc nhở Gia Bảo chu toàn chuyện ăn uống, nghỉ ngơi của đoàn.
Bà cũng thường gọi điện cho Kim Tử Long nói cố gắng giữ sức khỏe thời dịch, không để nhiễm Covid-19. Lúc đó, anh không hề biết đàn chị đang chống chọi với bạo bệnh. Kim Tử Long nói: "Tôi luôn trân quý tình cảm của chị ấy, với ai, chị cũng hết lòng".
Theo nghệ sĩ Ngọc Huyền, đàn chị luôn miệt mài làm việc để đáp lại tình cảm của khán giả. Những năm cuối đời, âm thầm chịu đựng bệnh tật, bà vẫn sẵn lòng nhận lời biểu diễn khi được mời vì nhớ khán giả. Hồi tháng 5, quay cho chương trình Dấu ấn huyền thoại, bà khoe giọng hát nội lực, ngọt ngào. Anh Song Minh - một người quen của gia đình - nói khi ở trường quay, bà ngất xỉu bảy lần vì sức khỏe xuống dốc. Lúc nhập viện điều trị, bà vẫn hát "chay" trọn bản vọng cổ, gửi lời cảm ơn y - bác sĩ ở tuyến đầu.
Thanh Kim Huệ sinh năm 1954 tại TP HCM. Năm 13 tuổi, bà vào đoàn Kim Chung rồi ký hợp đồng với hãng đĩa Việt Nam, thành công với tuồng Lan và Điệp. Bà tiếp tục thành công với ba bài tân cổ Biển tình, Yêu lầm, Nhớ người yêu cùng nghệ sĩ Minh Vương. Giọng ca thanh thoát, giàu cảm xúc của bà ghi dấu ấn qua các tác phẩm như Chợ Mới (tác giả: Trọng Nguyễn), Rước tình về với quê hương (tân nhạc: Hoàng Thi Thơ, cổ nhạc: Loan Thảo), Đám cưới trên đường quê (nhạc: Hoàng Thi Thơ, lời vọng cổ: Yên Lang)... Bà kết hợp hài hòa, ăn ý với nhiều nam nghệ sĩ như: Minh Cảnh, Minh Vương, Chí Tâm, Tấn Tài, Trọng Hữu, Thanh Tuấn...
Hồi tháng 8, bà và chồng - nghệ sĩ Thanh Điền - vào danh sách 35 gương mặt được Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà qua đời chiều 23/12 vì ung thư. Lễ tang nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng ở quận 10. Lễ viếng từ ngày 24 đến 25/12, lễ động quan lúc 7h ngày 26/12. Linh cữu được an táng tại nghĩa trang Hoa Viên, Bình Dương.
Mai Nhật - Hoàng Dung