Tô Hoài tự bạch ông là người "tích cực sống và viết". Cuộc đời cũng chứng minh, ông đã dành cả đời để viết, và để lại một văn nghiệp đồ sộ.
Theo nghiên cứu của nhà phê bình Lại Nguyên Ân, tác phẩm sớm nhất của Tô Hoài là chùm truyện đăng trên Hà Nội Tân Văn từ năm 1939. Như vậy, tác giả Dế Mèn đã có tác phẩm đăng báo từ năm 19 tuổi. Trước Cách mạng tháng Tám, ông viết như chạy thi và tự nhận đây là giai đoạn bước vào nghề. Ông viết được năm truyện dài, truyện vừa, ba tập truyện ngắn, còn truyện thiếu nhi như Dế mèn phiêu lưu ký thì mấy chục truyện.
![To-Hoai-Top-8565-1437373605.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2015/07/20/To-Hoai-Top-8565-1437373605.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fMCAuMAGv2RBrHowdEcCRg)
Cả đời Tô Hoài cầm bút với sự bền bỉ, chuyên nghiệp và tài năng.
Giai đoạn chiến tranh Đông Dương, Tô Hoài chủ yếu làm báo, nhưng ông vẫn để lại những truyện ngắn đặc sắc, được tập hợp trong cuốn Truyện Tây Bắc. Nổi tiếng nhất là Vợ chồng A Phủ. Để có tác phẩm được đánh giá là tiêu biểu cho dòng văn học hiện thực Việt Nam thế kỷ 20, Tô Hoài cần mẫn quan sát thực tế. Nhà văn Hoàng Quốc Hải kể lại những chuyến đi Tây Bắc, Tô Hoài luôn vừa nghe người ta nói, vừa xem họ làm, vừa sinh hoạt với họ, đồng thời ghi chép lại. Tô Hoài chú ý cẩn thận để phân biệt tiếng chim gáy trong rừng sâu, tiếng chim gáy nơi đồng bằng, hay tiếng chim nuôi trong lồng nhốt trong phố. Chính tác phong làm việc như vậy mà tác phẩm phi hư cấu của ông luôn phản ánh hiện thực với độ sắc nét và tinh tế.
Từ 1954 tới khi về với "cát bụi chân ai", Tô Hoài miệt mài lao động. Ngỡ rằng những Dế Mèn phiêu lưu ký, những Vợ chồng A Phủ, Miền Tây... đã đủ lưu dấu Tô Hoài trên văn đàn Việt, ở tuổi ngoài 70, ông tiếp tục khẳng định sự nghiệp văn chương đặc sắc của mình với thể loại hồi ký, tiêu biểu là hai tập Cát bụi chân ai, Chiều chiều. Tiểu thuyết Ba người khác ra mắt khi tác giả đã 84 tuổi càng góp phần minh chứng cho sức viết của Tô Hoài.
Thọ 94 tuổi, nhà văn để lại 180 đầu sách được in, trong đó có nhiều cuốn được dịch và xuất bản ra thế giới. Tô Hoài đã sống một đời văn chương với sự bền bỉ, chuyên nghiệp và tài năng. Ông viết như một lẽ sống, không theo kiểu tài tử nương vào cảm hứng, mà rất bền bỉ.
Trong tự truyện, Tô Hoài lý giải: "Cũng chẳng có gì lạ. Viết để kiếm miếng sống lúc ấy tất phải cuốc khỏe như vậy đấy".
![To-Hoai-body-7116-1437373605.jpg](https://vcdn1-giaitri.vnecdn.net/2015/07/20/To-Hoai-body-7116-1437373605.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=reMaxiUMrqWtIYlZ5Agetg)
Một số cuốn thuộc Tủ sách Tô Hoài mới được tái bản.
Bên cạnh nghiệp văn, viết báo được coi là nghề tay trái của Tô Hoài. Thời Tô Hoài làm tổng biên tập báo Người Hà Nội, tờ báo có số lượng in khá lớn, thường xuyên có loạt phóng sự được dư luận thủ đô quan tâm. Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến từng là cấp dưới của Tô Hoài nhận xét: "Ông (Tô Hoài) là một tay báo chuyên nghiệp với đầy đủ phẩm chất nghiêm cẩn và lãng mạn. Thời sung sức, Tô Hoài viết báo khó có ai theo kịp. Nhiều năm, các trang báo Tết ngập tràn ký và truyện của ông". Nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể lại ông cũng như nhiều đồng nghiệp khác nhận được nhiều bài học tác nghiệp khi được làm việc cùng Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài qua đời ngày 6/7, hưởng thọ 95 tuổi. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920, trong một gia đình thợ thủ công ở huyện Thanh Oai, Hà Đông, Hà Nội. Ông lớn lên ở làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Tô Hoài nổi tiếng với sự nghiệp văn chương đồ sộ. Ông được đánh giá là "có năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc khá phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ...". Tác phẩm nổi tiếng nhất của Tô Hoài là Dế Mèn phiêu lưu ký - cuốn sách dành cho thiếu nhi từng được dịch ra rất nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Lam Thu