Năm ngoái, khi Yao Li, người Trung Quốc, ứng tuyển vào một đại học ở Malaysia, tất cả những gì cô cần nộp là bằng tốt nghiệp đại học, bảng điểm và chứng chỉ tiếng Anh. 20 giờ sau đó, cô được nhận vào chương trình thạc sĩ. Quy trình ứng tuyển ít cạnh tranh là một điểm thu hút lớn của du học Malaysia.
"Khi hầu hết trường đóng đơn tuyển sinh thạc sĩ vào tháng 9, các đại học ở Malaysia vẫn mở. Họ còn không yêu cầu tôi phải có thư giới thiệu", Yao nói.
Cô gái 24 tuổi này là một trong nhiều người trẻ Trung Quốc chọn các đại học ở Đông Nam Á, chủ yếu là Malaysia, Thái Lan và Philippines, để học lên cao trong những năm gần đây. Lý do là chi phí rẻ và ít cạnh tranh hơn so với việc ứng tuyển vào các đại học ở phương Tây.
New Oriental, một công ty giáo dục tư nhân lớn ở Trung Quốc, ước tính năm nay có khoảng 100.000 người trẻ nước này du học Đông Nam Á. Còn theo Xiaohongsu, một nền tảng mạng xã hội tương tự Instagram của Trung Quốc, lượt tìm kiếm về du học Malaysia đã vượt qua một số nước không nói tiếng Anh như Pháp và Đức. Các con số này đều tăng mạnh so với trước.
Các chuyên gia cho rằng mối quan hệ kinh tế và văn hóa gần gũi giữa Trung Quốc và Đông Nam Á đang giúp các nước ASEAN có lợi thế trước các điểm đến du học truyền thống.
Catherine Zhu, cố vấn tuyển sinh của một công ty du học tại Bắc Kinh, cho biết hầu hết yêu cầu tuyển sinh của các đại học ở Đông Nam Á, ngay cả những trường có thứ hạng quốc tế cao, đều thân thiện hơn.
"Những đại học hàng đầu Đông Nam Á đưa ra ưu đãi rất tốt cho sinh viên Trung Quốc, yêu cầu thấp hơn về thành tích học tập. Một số nơi chào đón cả sinh viên tốt nghiệp trường nghề", bà nói.
Cũng Zhu, du học Malaysia và các nước Đông Nam Á khác thường chỉ tốn khoảng 80.000 nhân dân tệ (11.000 USD) mỗi năm, trong khi học phí tại Hong Kong, Anh - những điểm nóng du học - cao gấp gần bốn lần, lên tới 300.000 nhân dân tệ (khoảng 41.000 USD).
Áp lực về việc làm trong nước được cho là lý do khiến nhiều người trẻ Trung Quốc chọn học tiếp cao học ở nước ngoài. Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết năm 2022, tỷ lệ nộp hồ sơ du học tăng 23,4% so với một năm trước đó.
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từ 16-24 tuổi ở Trung Quốc lên đến hơn 20% hồi tháng 4 năm nay, sau đó tiếp tục tăng trong nửa đầu năm. Con số cao kỷ lục 11,58 triệu cử nhân gia nhập thị trường lao động mùa hè qua càng khiến gia tăng áp lực về việc làm.
Sang Mingze, người đứng đầu Hiệp hội dịch vụ du học Bắc Kinh, nhận xét những người trẻ Trung Quốc chọn du học ở Đông Nam Á, đặc biệt là bậc sau đại học, khá giống nhau. Họ đều là những người không hài lòng với cuôc sống hiện tại nhưng lại có ngân sách hạn hẹp. Do vậy, du học ở khu vực này là lựa chọn phù hợp.
Phương Anh (Theo SCMP)