Chiều 10/1, ông Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết địa phương đã đề nghị tổ chức công đoàn, ngành lao động và Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai tuyên truyền, vận động công nhân ngoại tỉnh ở lại đón Tết Nhâm Dần.
Việc này xuất phát từ thực tế tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, doanh nghiệp lo ngại người lao động di chuyển sẽ nhiễm bệnh, cách ly điều trị ảnh hưởng đến sản xuất. Ngoài ra, do việc làm, thu nhập giảm, năm nay nhiều người chọn phương án không về quê.
"Tinh thần là khuyến khích người lao động ở lại. Nếu công nhân chọn về quê tỉnh sẽ tạo điều kiện, yêu cầu các nhà xe tuân thủ biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn khi đi lại", ông Hùng nói.
Chính quyền tỉnh trích ngân sách 20 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng so với năm ngoái để cùng với tổ chức công đoàn giúp đỡ người lao động đón Tết ở Đồng Nai. Liên đoàn lao động tỉnh dành 260 tỷ đồng, trong đó 240 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ cho 800.000 lao động, mỗi người nhận 300.000 đồng.
Ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, cho biết năm nay các cấp công đoàn sẽ không tặng vé xe hay tổ chức các chuyến xe đưa công nhân về quê như mọi năm. Thay vào đó, tỉnh tập trung mọi nguồn lực giúp đỡ người lao động đón Tết xa quê; ưu tiên trường hợp khó khăn, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, mất việc làm trong dịp Tết, mắc Covid-19... sống ở các khu nhà trọ.
Ngoài ra, chính quyền Đồng Nai cũng đề nghị ngành lao động, tổ chức công đoàn tăng cường giám sát việc chi trả lương, thưởng Tết ở các doanh nghiệp để người lao động an tâm.
Đồng Nai là địa phương đầu tiên ở phía Nam có khu công nghiệp tập trung. Đến nay toàn tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động làm việc trong các nhà máy, gần 60% là lao động ngoại tỉnh.
Cùng với Đồng Nai, năm nay các tỉnh, thành phía Nam ghi nhận lượng lớn công nhân ở lại ăn Tết. Tại Bình Dương, khảo sát của các cấp công đoàn tỉnh, hơn nửa triệu công nhân chọn ở lại vì e ngại dịch còn phức tạp, số khác bị giảm, mất thu nhập do ngừng việc kéo dài. Chính quyền và công đoàn dự kiến dành hơn 200 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 640.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Lê Tuyết