Ngày 13/8, UBND Đồng Nai cho biết, địa phương sẽ đưa người dân 8 tỉnh đang sống, làm việc tại Đồng Nai về quê, gồm Đăk Lăk, Quảng Trị, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Cà Mau và Bạc Liêu. Việc này được thực hiện sau khi tỉnh nhận công văn của các địa phương này.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai được giao làm đầu mối, phối hợp với ngành chức năng các tỉnh để có phương án hỗ trợ phù hợp. Người dân có nhu cầu về quê sẽ đăng ký ở địa phương xã, phường nơi mình cư trú.
Các nhóm được ưu tiên gồm: người già, trẻ em, phụ nữ mang thai; phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; người có bệnh nền; người đi khám, chữa bệnh, người thăm thân nhân, công tác bị mắc kẹt; lao động tự do, lao động mất việc và lao động đang ở trong các vùng giãn cách, cách ly y tế nhưng chưa có nơi cư trú ổn định.
Trước đó, cuối tháng 7, Đồng Nai đã đưa gần 3.000 công nhân về Đăk Lăk và Ninh Thuận. Tỉnh hiện có 1,2 triệu lao động, trong đó khoảng 600.000 công nhân trong 32 Khu công nghiệp. Hiện còn khoảng 84.000 lao động làm việc theo phương án "ba tại chỗ" - ăn ở sản xuất tại nhà máy.
Song song với việc chở công nhân về tỉnh, Đồng Nai đang triển khai đưa người ở 3 huyện, thành phố "vùng đỏ" gồm Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch về quê ở các huyện "vùng xanh", "vùng vàng" như: Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ...
Ngoài ra, tỉnh yêu cầu các địa phương tính toán, cần thiết thì trưng dụng các khu nhà xưởng của các công ty đang ngưng sản xuất để giãn cách mật độ công nhân trong nhà trọ. "Đây là bài toán khó, nhưng không thể không làm. Phải giãn mật độ công nhân trong các khu nhà trọ sớm chừng nào tốt chừng đó để cứu người. Nếu không làm được việc này thì số ca bệnh sẽ còn tiếp tục tăng cao", ông Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nói.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đồng Nai, đến sáng 13/8, tỉnh ghi nhận 12.131 ca nhiễm (90 ca tử vong). Trong số đó TP Biên Hòa chiếm gần một nửa với 5.271 ca, tiếp đến là huyện Vĩnh Cửu 2.542 ca, Nhơn Trạch 2.214 ca...
Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đồng Nai nhận định nguyên nhân số ca Covid-19 tăng cao thời gian gần đây là do tỉnh tăng cường xét nghiệm trên diện rộng. Ngoài ra, một số công ty thực hiện "3 tại chỗ" khi có ca dương tính đã tự ý cho công nhân về nhà trọ hoặc công nhân trốn ra khỏi công ty về nhà trọ, tạo ra các ổ lây nhiễm mới.
"Tại các khu nhà trọ chật hẹp đông công nhân khi xuất hiện ca dương tính rất dễ lây cho nhiều người. Nhiều khu nhà trọ ghi nhận hàng trăm ca, thậm chí vài trăm ca nên việc giãn cách là vô cùng quan trọng", bác sĩ Bình nói.
Ngành y tế Đồng Nai dự báo thời gian tới, số ca lây nhiễm tiếp tục tăng, có thể 1.000 đến 2.000 ca dương tính mỗi ngày. Số ca ghi nhận đến cuối tháng 8 có thể 20.000 đến 25.000 ca. Khó khăn lớn nhất của Đồng Nai vẫn là thiếu nguồn nhân lực, trang thiết bị chống dịch.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế tại Đồng Nai đề xuất cần tập trung xét nghiệm diện rộng trên quy mô toàn tỉnh với số lượng khoảng 2 triệu người. Bên cạnh đó, địa phương cần chuẩn bị các khu cách ly F0 không triệu chứng và bệnh viện dã chiến với quy mô 25.000 giường.
Phước Tuấn