Khu vực đoàn công tác của UBND Đồng Nai khảo sát giáp ranh giữa hai tỉnh thuộc huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và Đồng Phú (Bình Phước), vị trí xây cầu theo đề xuất của tỉnh Bình Phước nhằm kết nối tỉnh lộ 753 và 761. Hiện suối Mã Đà vào mùa khô, nước cạn, người dân có thể đi xe máy qua lại giữa hai tỉnh. Đây cũng còn dấu tích cầu Mã Đà cũ đã sập trước năm 1975.

Ông Hồ Văn Hà, Phó chủ tịch UBND Đồng Nai (áo xanh chỉ bản đồ) dẫn đầu đoàn khảo sát vị trí xây cầu Mã Đà, sáng 13/3. Ảnh: Phước Tuấn
Ngoài tìm vị trí xây cầu, đoàn cũng khảo sát 4 km đường đất và 36 km đường nhựa nằm trên trục ĐT 761 được Bình Phước đề xuất nâng cấp thành quốc lộ 13C và một số vị trí phía tỉnh Bình Phước. Đây là hướng tuyến mà Bình Phước cho rằng ngắn và nhanh nhất kết nối khu vực Tây Nguyên qua tỉnh này về sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.
Động thái nói trên được chính quyền Đồng Nai thực hiện sau khi Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh và Bình Phước sớm thống nhất phương án mở rộng đường ĐT 753 và khôi phục cầu Mã Đà kết nối hai tỉnh, để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng.
Trước đó Bình Phước nhiều lần đề xuất làm đường giao thương hai tỉnh, kết nối sân bay và cảng biển, rút ngắn 60 km so với đi đường hiện tại. Tuy nhiên phía Đồng Nai không đồng ý do lo ngại đường xuyên qua rừng sẽ ảnh hưởng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Phương án xây cầu Mã Đà, đường xuyên khu sinh quyển được tỉnh Bình Phước đề xuất. Đồ họa: Khánh Hoàng
Lần gần đây nhất, hôm 13/2, Bình Phước tiếp tục kiến nghị mở đường theo phương án trước đây. Tuyến bắt đầu từ thành phố Đồng Xoài, đi theo tỉnh lộ 753, qua cầu Mã Đà sang địa phận Đồng Nai, theo các đường địa phương đến Vành đai 4 đoạn qua TP Biên Hòa (Đồng Nai) với tổng chiều dài 76 km.
Tổng mức đầu tư dự án khôi phục cầu Mã Đà khoảng 5.130 tỷ đồng. Trong đó cầu quy mô tối thiểu 4 làn xe, đồng bộ các dự án đang triển khai trên các tuyến như: nâng cấp mở rộng đường 753 dài 17 km, mặt đường rộng 19 m; nâng cấp đường 761, 767 với chiều dài khoảng 46 km, mặt đường 19 m; đầu tư khoảng 2 km cầu cạn, tường chống ồn và hàng rào khoảng 2 km mỗi bên...

Vị trí khu vực dự kiến xây cầu Mã Đà kết nối hai tỉnh. Ảnh: Phước Tuấn
Theo chính quyền Bình Phước, qua khảo sát thực tế chỉ có khoảng 2 km rừng tự nhiên và 29 km còn lại là rừng trồng (chủ yếu là cây keo lai). Do đó, khi xây dựng có thể nghiên cứu làm đường trên cao, cầu cạn, rào chắn chống ồn, hầm lộ thiên tương tự đường Hồ Chí Minh qua rừng quốc gia Bạch Mã, Cúc Phương để giảm tác động Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai.
Phước Tuấn