Phương án đóng một phần nút giao nêu trên song song với tổ chức lại các hướng đi đang được ngành giao thông thành phố nghiên cứu, nhằm đẩy nhanh thi công các đốt hầm kín, trụ cầu... ở khu vực này. Đây là các hạng mục thuộc công trình nút giao An Phú, TP Thủ Đức, đang được triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng.
Theo phương án sơ bộ, xe từ đường Mai Chí Thọ hướng về hầm sông Sài Gòn thay vì rẽ trái qua Đồng Văn Cống vào cảng Cát Lái như hiện nay sẽ đi thêm gần 500 m, quay đầu ở tuyến D1 về lại nút giao. Các vị trí quay đầu, nhánh rẽ... đường Mai Chí Thọ đang được cải tạo để tổ chức giao thông trước khi thi công các đốt hầm kín. Đoạn hầm này dự kiến hoàn thành vào tháng 9 nếu phương án đóng một phần giao lộ trên được thông qua cuối tháng 4.
An Phú là nút giao lớn nhất TP HCM, kết nối các trục giao thông lớn gồm cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đây cũng là cửa ngõ ra vào Cát Lái - cảng lớn nhất nước về sản lượng hàng hoá nên tập trung nhiều xe container qua lại, bình quân hơn 20.000 lượt mỗi ngày.
Tài xế Văn Bình, 40 tuổi, hay chở hàng qua khu vực trên, nói nút giao An Phú vốn là điểm thường xuyên kẹt xe, gần đây thêm căng thẳng khi một số đoạn rào chắn công trường làm thu hẹp mặt đường. Buổi chiều và cuối tuần, lưu lượng xe tăng cao khiến ùn ứ kéo dài hàng trăm mét ở các đường dẫn cao tốc, Mai Chí Thọ, Lương Định Của... chờ qua nút giao. Các tuyến này cho xe chạy hai chiều, nhiều làn đường. Do vậy, khi hết đèn đỏ dòng xe từ các hướng đan xen nhau đi thẳng, rẽ trái, phải, hoặc quay đầu rất vất vả.
"Xe máy, ôtô 4-7 chỗ đi làn đường phía trong nên dễ thoát, còn xe container phải xếp hàng dài, nhiều thời điểm hơn 30 phút mới đi được vài trăm mét qua nút giao An Phú", tài xế Bình nói, thêm rằng khi đóng một phần giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống ở khu vực này khó tránh khỏi ùn tắc vì xe phải đi vòng để quay đầu vào Cát Lái. Trong khi ở hướng ngược lại, xe từ đường Đồng Văn Cống khi về hầm sông Sài Gòn cũng phải chạy ngược đến nút giao An Phú để quay đầu, nguy cơ tăng thêm áp lực giao thông ở khu vực này.
Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh, doanh nghiệp có 40 đầu xe container cũng lo ngại tình trạng ùn tắc ảnh hưởng xe vào cảng Cát Lái bởi hiện nay, đường Đồng Văn Cống là hướng chính dẫn vào nơi này. Trường hợp kẹt xe tăng cao, thời gian vận chuyển dài hơn còn phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp. "Nếu áp dụng phương án trên, việc thi công cần đẩy nhanh, tránh tình trạng nhiều công trình sau khi rào chắn nhưng làm ì ạch, ảnh hưởng đi lại người dân, thiệt hại cho đơn vị vận tải", ông nói.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM, cho rằng nếu đóng một phần nút giao theo phương án trên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hướng đi thẳng đường Mai Chí Thọ, nhưng gây khó khăn cho xe rẽ qua tuyến Đồng Văn Cống. Tuy đồng thuận đây là giải pháp cần thiết để xây dựng hầm kín, đẩy nhanh tiến độ thi công, nhưng ông cho rằng trước khi triển khai cần lấy ý kiến các đơn vị liên quan, như chính quyền địa phương, Ban An toàn giao thông, hiệp hội vận tải... nhằm xây dựng phương án phù hợp nhất.
Trong khi đó, đại diện Sở Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đang họp bàn, chạy mô phỏng theo các kịch bản khác nhau để tính toán phương án tối ưu, hài hoà giữa biện pháp thi công và tổ chức giao thông ở khu vực. Việc điều chỉnh cũng không chỉ cục bộ ở nút giao nêu trên, mà triển khai rộng ở các khu vực xung quanh. Sở sẽ kết hợp các lực lượng liên quan nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa với các lộ trình khác phù hợp, hạn chế xe dồn những điểm đang có áp lực giao thông lớn để hạn chế ùn tắc.
"Ngoài ra, khi tổ chức lại giao thông các đơn vị sẽ theo dõi sát, có lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời điều chỉnh, xử lý lập tức khi có bất cập", đại diện Sở Giao thông Vận tải nói.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (chủ đầu tư), cho biết dự án nút giao An Phú hiện bước vào giai đoạn thi công quan trọng. Nhiều hạng mục chính đòi hỏi không gian, tiến độ gấp rút để bám sát kế hoạch chung. Mục tiêu là hoàn thành sớm nhất công trình giúp giảm ùn tắc cho khu vực.
Trước đó, trong điều kiện vừa tập trung thi công vừa hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đi lại của người dân, các đơn vị phải triển khai lần lượt từng hạng mục. Việc này tốn nhiều thời gian nên phương án chiếm dụng một phần nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống được tính đến nhằm triển khai nhanh một số hạng mục lớn.
"Theo cách này, thời gian thi công sẽ rút ngắn khoảng 3-4 tháng. Trong đó, phần hầm chui qua nút giao dự kiến hoàn thành vào tháng 9 năm nay, hai cầu vượt sẽ xong vào tháng 6/2025", ông Phúc nói, đồng thời cho rằng việc phân luồng, tổ chức lại giao thông sẽ được tính toán rất kỹ, nhưng vẫn khó tránh khỏi ảnh hưởng đi lại của người dân. Do vậy, ngành giao thông thành phố mong nhận được sự chia sẻ để đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm này.
Khởi công cuối năm 2022, dự án nút giao An Phú quy mô ba tầng, gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Trên cao, nút giao có hai cầu vượt kết nối các tuyến Mai Chí Thọ, Lương Định Của với đường dẫn cao tốc.
Riêng giao lộ Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống, ngoài hầm chui kéo dài qua đây, hai cầu vượt được xây dựng kết nối các tuyến này với nhau. Cầu Giồng Ông Tố hiện hữu trên tuyến Đồng Văn Cống cũng có hai nhánh được xây thêm bên cạnh để tăng diện tích. Theo kế hoạch, toàn bộ dự án nút giao An Phú sẽ hoàn thành năm 2025, ngoài giảm ùn tắc sẽ tăng kết nối TP HCM với khu vực Đông Nam Bộ.
Gia Minh