Khi cuộc xung đột đã bước sang năm thứ hai, cả Moskva và Kiev đến nay đều chưa thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời Ukraine. Theo giới chuyên gia, thành bại của cuộc phản công mà chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky đang ấp ủ phụ thuộc rất nhiều vào việc nước này có thể ngăn chiến đấu cơ Nga oanh tạc quân đội và cơ sở hạ tầng hay không.
"Ngăn chặn máy bay Nga tự do hoạt động trên bầu trời là điều kiện tiên quyết đối với Ukraine nếu họ muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến", Ian Williams, học giả từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington, lưu ý.
Các tài liệu bị rò rỉ gần đây của Lầu Năm Góc cảnh báo chiến đấu cơ Nga sẽ dễ dàng xâm nhập không phận Ukraine trong vài tháng tới, khi Kiev cạn tên lửa phòng không S-300 và Buk, những vũ khí có khả năng tấn công mục tiêu ở độ cao 6.000 m.
Giới chức tại Washington cho hay họ đã tìm cách khắc phục vấn đề bằng cách cung cấp cho Kiev những hệ thống phòng không cũ hơn do Mỹ sản xuất, thu mua tên lửa thời Liên Xô từ nhiều nước và hướng dẫn binh sĩ Ukraine khai hỏa tên lửa tiết kiệm hơn.
Mỹ đang hợp tác với 7 quốc gia, trong đó có Thụy Điển và Tây Ban Nha, để cung cấp hệ thống phòng không I-HAWK cho Ukraine. Washington còn cải hoán tên lửa chống hạm Sea Sparrow để sử dụng cho các tổ hợp Buk thời Liên Xô của Kiev.
I-HAWK là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung do công ty Raytheon của Mỹ thiết kế và đưa vào trang bị trong quân đội nước này từ năm 1960. Một tổ hợp phòng không cơ bản thường gồm 4 đài radar, 6 bệ phóng với tổng cộng 18 quả tên lửa cùng một số thành phần hỗ trợ khác.
Trong khi đó, Sea Sparrow là hệ thống phòng không và chống tên lửa tầm ngắn trang bị trên tàu chiến Mỹ, chủ yếu nhằm mục đích đánh chặn tên lửa diệt hạm. Hệ thống này được phát triển vào đầu những năm 1960.
Một số tổ hợp phòng không Ukraine đang được "chắp vá" với những bộ phận đến từ nhiều hệ thống khác nhau, William LaPlante, giám đốc phụ trách thu mua của Lầu Năm Góc, phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ hôm 3/5.
Mỹ, Na Uy và Đan Mạch cũng đang gửi tên lửa không đối không AMRAAM để chuyển sang sử dụng cho các bệ phóng phòng không NASAM của Ukraine, theo các tài liệu mật bị rò rỉ.
AMRAAM là mẫu tên lửa đối không tầm trung, một trong những vũ khí đối không chính của tiêm kích Mỹ và đồng minh. Nhà sản xuất Raytheon cho biết dòng AMRAAM đang trong biên chế của Mỹ và gần 40 quốc gia trên thế giới.
Một quan chức Mỹ cho biết hệ thống phòng không Patriot mà Washington cung cấp cho Kiev cùng một số thiết bị quân sự khác chưa được tung ra tham chiến, nhằm dự trữ nguồn lực cho chiến dịch phản công của Ukraine.
Bất chấp những nỗ lực của đồng minh nhằm đảm bảo nguồn cung tên lửa phòng không, Ukraine vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sự cũng như lực lượng quân sự trước các cuộc tập kích của Nga. "Nếu kho tên lửa phòng không Ukraine không được bổ sung đủ, nỗ lực này sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết", CSIS đánh giá trong một báo cáo mới đây.
Trong khi đó, Nga có thể phóng tên lửa từ các địa điểm nằm ngoài tầm hỏa lực phòng không Ukraine, từ lãnh thổ của mình hay tàu chiến trên Biển Đen, tạo thêm thách thức cho Kiev.
Theo ước tính từ phương Tây, Moskva đã mất hơn 70 chiến đấu cơ trong cuộc xung đột. Tuy nhiên, hầu hết lực lượng không quân Nga vẫn nguyên vẹn và Moskva có kho dự trữ lớn bom không điều khiển mà họ có thể thả xuống Ukraine bất cứ lúc nào nếu hệ thống phòng không của Kiev trở nên lỏng lẻo.
Ukraine bước vào cuộc chiến với một trong những mạng lưới phòng không mạnh nhất thế giới, nhờ kế thừa nhiều khí tài thời Liên Xô. Chúng gồm hơn 30 tiểu đoàn tên lửa tầm xa S-300, bên cạnh cách khẩu đội Buk M1 và Tor hay những hệ thống tên lửa cũ hơn như Osa và S-125, Vasily Kashin, chuyên gia tại Trường Kinh tế Cao cấp Moskva, cho hay.
Tuy nhiên, những đợt tập kích liên tục của Nga trong hơn một năm chiến sự đã bào mòn năng lực phòng không của Ukraine, khiến họ dần cạn các tên lửa từ thời Liên Xô mà không có nguồn bù đắp phù hợp.
"Lực lượng vũ trang Ukraine sắp hết tên lửa cho hệ thống S-300 và Buk", Andrii Ryzhenko, cựu hạm trưởng hải quân Ukraine hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng, tổ chức tư vấn ở Kiev, cho hay. "Đây là lý do họ liên tục yêu cầu các hệ thống phòng không từ phương Tây".
Để hỗ trợ lực lượng phòng không, không quân Ukraine đã thực hiện khoảng 10 đợt xuất kích mỗi ngày bất chấp nguy cơ bị lực lượng Nga bắn hạ. Hoạt động của họ chủ yếu tập trung ở miền đông và miền nam Ukraine, theo các phi công và quan chức nước này.
Các biên đội chiến đấu cơ Ukraine thường xuyên phóng tên lửa diệt radar do Mỹ sản xuất vào các hệ thống phòng không Nga, tạo điều kiện cho các máy bay khác tấn công bộ binh đối phương.
"Đây là hoạt động rất nguy hiểm", phi công chiến đấu Ukraine với mật danh Juice nhấn mạnh. "Chúng tôi không thể chiến đấu tay đôi với họ, nhưng vẫn có thể kháng cự, giữ vững phòng tuyến. Chúng tôi cố gắng chiến đấu bằng tất cả những gì mình có".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)