Một em trong số đó giải thích với cả lớp rằng Mekong là con sông chảy vào Việt Nam, hình thành sông Cửu Long. Không riêng các em nhỏ miền Tây, hàng chục nông dân tôi từng phỏng vấn ở Bạc Liêu, Cà Mau hay An Giang không biết nhiều về dòng sông chảy qua trước cửa nhà mình. Họ không biết dải đồng bằng mênh mông gia đình mình mưu sinh từ bao đời nằm ở đuôi con sông dài thứ bảy châu Á, chảy qua sáu quốc gia. Họ càng không biết điều gì sắp xảy tới với sông Tiền, sông Hậu, sông Cần Thơ…
Thời sự về Mekong dường như ngoài tầm với của những ngư dân ngụp lặn quanh năm trên dòng nước ngọt phù sa. Trong khi, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đồng bằng Sông Cửu Long giờ đã có 265 điểm sạt lở bờ sông và bờ biển. 265 điểm với tổng chiều dài 450km.
Hội nghị Thượng đỉnh sông Mekong vừa diễn ra ở Siem Reap, Campuchia. Tại đây những nhà nghiên cứu môi trường cảnh báo rằng thủy điện sẽ phá hoại lưu vực con sông, tác động nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế xã hội.
Cảnh báo này không hề mới. Báo cáo về lượng phù sa do Ủy ban Sông Mekong thực hiện năm nay viết: “Lượng phù sa ước tính sẽ giảm 67% đến 97% trong các kịch bản phát triển từ năm 2020 đến 2040. Mất phù sa có thể gây hệ quả nghiêm trọng đến sự trù phú của dòng sông, ảnh hưởng đến địa mạo và sự vững chắc của đất tại ĐBSCL”.
Với những thủy điện trên cả dòng phụ và dòng chính được xây, kịch bản phù sa được nghiên cứu dự đoán sẽ chỉ còn một phần ba so với 10 năm về trước. Và đến năm 2040, lượng phù sa mà đồng bằng mất đi sẽ là 97%.
Hình thái của đồng bằng bị đe dọa. Sự trù phú đang cấu thành cuộc sống của những em học sinh tôi hỏi khó mà nguyên vẹn. Những vụ sạt lở liên tiếp. Nhà trôi. Nước sông không còn giàu phù sa. Đồng lúa không còn háo hức với con nước đổ về đã mất đi dưỡng chất. Chúng xảy ra chậm rãi, bào mòn, tàn phá nghiêm trọng sinh kế người dân ở An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp. Người ta đã lên tiếng về sự biến mất của chợ nổi. Điều vô cùng khó hình dung với những ai từng đi qua đồng bằng.
Đợt đại hạn 2016 để lại một vết thương sâu cho những nông dân đồng bằng. Toàn bộ tỉnh Bến Tre bị xâm nhập mặn trầm trọng. Người dân khát nước sạch. Hơn hai trăm nghìn hecta lúa, hàng trăm nghìn hecta vườn trái cây bị thiệt hại.
Thủy điện, nguyên tố quan trọng gây ra biến đổi lớn trên sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khu vực. Nhiều thủy điện quan trọng trên dòng chính của sông Mekong đã được xây dựng, sắp đi vào hoạt động.
Tại Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế tuần qua ở Siem Reap, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng ĐBSCL do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người.
Số phận của ĐBSCL phụ thuộc chuỗi dài những tác động lớn từ thượng nguồn Mekong đến nhiều quốc gia lân cận, và đến tận con kênh tấp vô sát hiên nhà của ngư dân trong xóm nhỏ. Những bè nuôi cá tra, những cánh đồng xanh mướt hay vườn trái cây trù phú đều đã trở thành diễn viên chính trong bức tranh tương lai bất định.
Năm 2016, những ngư dân ở Thái Lan tôi gặp hiểu rằng họ mất mùa vì nước ở thượng nguồn đổ xuống thất thường quá nhanh do điều chỉnh từ đập thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc). Nhưng những nông dân ở Đồng Tháp tôi gặp chưa bao giờ có cơ hội được hiểu điều gì đang và sẽ diễn ra với cuộc đời họ, khi phải chung sống với những đập thủy điện mới ra đời.
Họ không biết rằng dòng nước hiền hòa ấy không tự nhiên kéo đất sạt lở và nhấn chìm nhà cửa. Họ bảo, nghe phong thanh đài nói Trung Quốc xả nước cứu hạn cho Việt Nam.
Những đứa trẻ sẽ làm chủ đồng bằng đang bị lỡ thông tin từ chính quyền và cộng đồng. Thông tin có thể giúp chúng lường trước, đối phó với một tương lai khát nước và đói cá trên dòng Cửu Long trù phú và nhiệt thành.
Sự ứng phó mà chính phủ đề cập sẽ phải bắt đầu từ đâu? Liệu có sự tham gia của những nông dân đồng bằng lem luốc đang lội bùn và vô hướng mưu sinh trong nhiều năm tới?
Khải Đơn