Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc Tưởng Siêu Lương ngày 13/2 trở thành quan chức cấp cao nhất của tỉnh này bị cách chức kể từ khi dịch viêm phổi corona (Covid-19) khởi phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Thay thế vị trí của ông là thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng, quan chức được đánh giá là đồng minh thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chỉ hai ngày trước đó, Trương Tấn, bí thư đảng ủy Ủy ban Y tế Hồ Bắc và Lưu Anh Tư, chủ tịch ủy ban này, cũng phải rời ghế. Đường Chí Hồng, trưởng phòng y tế thành phố Hoàng Cương thuộc tỉnh Hồ Bắc, bị cách chức hồi cuối tháng một vì không nắm được tình hình dịch Covid-19 tại địa phương.
Những động thái của Bắc Kinh đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đại lục đã có tới 59.805 ca nhiễm nCoV và 1.367 người chết. Số liệu tăng mạnh sau khi tỉnh Hồ Bắc chuyển sang cách tính mới, đưa các ca được chẩn đoán lâm sàng nhiễm virus vào số lượng ca nhiễm mới. Việc này khiến số trường hợp dương tính với nCoV tại Hồ Bắc tăng 14.840 ca chỉ sau một ngày, lớn gấp 10 lần mức tăng hôm trước, lên mức 48.206 ca.
Việc "thay máu" bộ máy lãnh đạo tỉnh Hồ Bắc được coi là bước tiếp theo của Bắc Kinh nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ của công chúng về cách chính quyền xử lý cuộc khủng hoảng y tế do nCoV. Biện pháp này dường như cũng nằm trong nỗ lực ổn định nền kinh tế.
"Bắc Kinh đang ngày càng mất kiên nhẫn", một nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề tiết lộ. "Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã kết thúc. Người dân bắt đầu quay lại công việc tại những nơi như Quảng Đông và Thượng Hải, những động lực chính của nền kinh tế. Nếu Hồ Bắc không thể ngăn chặn dịch bệnh, kế hoạch phát triển của Trung Quốc năm nay sẽ bị đe dọa".
Người này cho hay chính quyền trung ương muốn những quan chức đáng tin cậy tiếp quản Hồ Bắc để đánh giá chính xác hơn về thực trạng dịch Covid-19, từ đó xoay chuyển tình thế.
"Việc loại bỏ các quan chức y tế hàng đầu của Hồ Bắc chỉ là bước khởi đầu. Họ trực tiếp chịu trách nhiệm xử lý dịch bệnh và rõ ràng đã thất bại, nhưng không phải những người duy nhất", nguồn tin nói thêm.
Vương Hạ Thắng, phó chủ tịch Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, được chỉ định đảm nhiệm vai trò của cả ông Trương và bà Lưu sau khi hai người này bị cách chức. Những dấu hiệu rõ rệt về cuộc cải tổ xuất hiện từ tuần trước, khi ông Vương trở thành ủy viên Ủy ban Thường vụ Hồ Bắc, cơ quan đưa ra những quyết định quan trọng tại địa phương.
Tổng thư ký Ủy ban Chính pháp Trung ương Trần Nhất Tâm, một quan chức có tầm ảnh hưởng lớn khác tại Bắc Kinh, cũng được cử tới Hồ Bắc để điều phối hoạt động ứng phó dịch Covid-19.
Cơn thịnh nộ của người dân với chính quyền trở nên dữ dội sau cái chết của Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, một trong những người đầu tiên cảnh báo về nCoV. Anh từng bị giới chức thành phố triệu tập và buộc ký biên bản với nội dung "phát tán thông tin sai lệch làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội".
Bắc Kinh dường như vô cùng lo lắng trước sự ra đi của Lý, thể hiện qua việc nhanh chóng cử nhóm điều tra hàng đầu từ Ủy ban Giám sát Quốc gia, siêu cơ quan chống tham nhũng của đất nước, tới Hồ Bắc. Nhiệm vụ của họ là tìm hiểu quá trình điều trị cho bác sĩ 34 tuổi, báo hiệu nhiều quan chức hàng đầu của Hồ Bắc có thể phải rời ghế.
Trong cuộc phỏng vấn với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hồi cuối tháng một, thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng dường như ám chỉ Bắc Kinh ít nhất cũng chịu một phần trách nhiệm về những thiếu sót trong công tác ứng phó dịch Covid-19.
"Là chính quyền địa phương, chúng tôi không được phép tiết lộ thông tin liên quan đến tình trạng lây nhiễm trừ khi được ủy quyền, điều mà nhiều người không nhận thức được trong giai đoạn đầu", ông Chu cho hay, đồng thời thừa nhận cách xử lý khủng hoảng của ông "chưa đủ tốt" và "sẵn sàng từ chức, miễn nó giúp ngăn chặn sự lây lan của virus".
Trần Nhất Tâm, quan chức phụ trách dịch bệnh tại Hồ Bắc hiện nay, hôm 8/2 thành lập một nhóm trên mạng xã hội WeChat với giới chức Vũ Hán để trực tiếp chỉ đạo những việc ông muốn thực hiện, Ủy ban Chính pháp Trung ương cho biết.
"Tiếp nhận tất cả bệnh nhân nguy kịch là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất. Đó là điểm mấu chốt, đồng thời là mệnh lệnh nghiêm ngặt. Không có chỗ cho việc thỏa thuận, không được trì hoãn và biện minh", ông Trần nói.
Wang Jiangyu, chuyên gia tại Đại học Thành phố Hong Kong, đánh giá cuộc khủng hoảng mà Trung Quốc đang đối mặt đã thu hút sự chú ý của dư luận vào cách bộ máy nhà nước vận hành và để lộ "rất nhiều lỗ hổng".
Trong một bài đăng trên Twitter, Zhang Lifan, chuyên gia chính trị tại Bắc Kinh, dự đoán cuộc cải tổ ở Hồ Bắc và việc loại bỏ các quan chức sẽ còn tiếp diễn. "Họ là những con dê tế thần. Đây mới chỉ là bắt đầu", Zhang nhận định.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)