Tại Phúc Thanh, Phúc Kiến, vào một buổi chiều gần đây, các công nhân thay thế một tấm biển nhỏ ghi "Phòng khám sốt" bằng tấm khác lớn hơn. Những người xung quanh chăm chú bầy cây cảnh trang trí trước mặt tiền nhằm tạo điểm nhấn.
Đây là cơ sở mới được thiết lập để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Phúc Thanh. Hôm đó, một phái đoàn quan chức chính phủ và các nhà báo, phóng viên từ các cơ quan thông tấn nhà nước sẽ tới thăm phòng khám. Với giới chức Trung Quốc, xây một trung tâm điều trị 200 giường trong vài ngày là chưa đủ mà họ còn cần phải quảng bá điều này.
Trên khắp Trung Quốc, từ tâm dịch Vũ Hán đến Cáp Nhĩ Tân ở phía bắc, Thâm Quyến ở phía nam, Thành Đô ở phía tây hay Ôn Châu ở phía đông, những cơ sở y tế được xây dựng thần tốc liên tục mọc lên để đáp ứng nơi điều trị cho gần 60.000 ca nhiễm virus nCoV.
Nhà chức trách đã biến các sân vận động, phòng tập thể hình xung quanh Vũ Hán thành các khu cách ly tạm và điều hàng nghìn y bác sĩ quân đội tới hỗ trợ. Theo giới quan sát, mục đích lập nên các cơ sở cách ly rõ ràng là nhằm ngăn chặn virus lây lan. Nhưng mặt khác, ẩn sau chúng cũng có một động cơ chính trị. Các lãnh đạo đảng ở Bắc Kinh cần cho công chúng, những người đang ngày càng hoang mang, giận dữ vì dịch bệnh chưa được kiểm soát, thấy rằng họ vẫn tích cực hành động.
"Chính quyền trung ương đang nỗ lực để những phản ứng của họ được nhìn thấy", Taisu Zhang, giáo sư tại Trường luật Yale, chuyên gia về chính trị đương đại Trung Quốc, bình luận.
Hai bệnh viện dã chiến được dựng lên ở Vũ Hán trong hơn hai tuần với 2.600 giường bệnh đóng vai trò như bằng chứng cho thấy quyết tâm chống Covid-19 của chính quyền. Quá trình xây dựng hai bệnh viện còn được phát trực tiếp 24/24 và nhận được vô số lời khen ngợi trên các kênh truyền hình nhà nước.
Báo People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi Hỏa Thần Sơn, bệnh viện dã chiến đầu tiên được xây ở Vũ Hán, là một "phép màu". Hàng chục bệnh viện khác đang tiếp tục được xây dựng từ đầu hoặc cải tạo từ những cơ sở y tế hiện có.
Tại tỉnh Phúc Kiến, nằm kẹp giữa các vùng bị dịch bệnh hoành hành nặng nề nhất ngoài tỉnh Hồ Bắc, hai cơ sở điều trị Covid-19 vừa hoàn thành, một ở Phúc Thanh, một ở Phúc Điền.
Thời điểm báo Washington Post tới thăm, cơ sở ở Phúc Điền đang trong quá trình xây dựng nhưng các công nhân tại đây khẳng định nó sẽ được hoàn thành sau vài ngày.
Những ngày gần đây, cơ sở ở Phúc Thanh đang đi vào công đoạn cuối, chuẩn bị bàn giao. Hệ thống điện nước sẵn sàng kết nối, camera cũng đã lắp đặt.
Eric Toner, chuyên gia về dịch bệnh tại Trung tâm An ninh Sức khỏe Johns Hopkins, nhận định tốc độ xây dựng các cơ sở y tế của Trung Quốc thực sự ấn tượng, song chúng không thể được gọi là "bệnh viện".
"Chúng giống trung tâm đánh giá và điều trị cho những người bị nghi nhiễm virus nCoV hơn", ông nói. "Dường như chỉ những người thực sự bệnh nặng mới được gửi tới các bệnh viện chuẩn".
Theo giới quan sát, với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các cán bộ của ông, bên cạnh dập dịch, việc làm thế nào để thể hiện rằng họ đang tích cực hành động cũng là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
"Dịch bệnh lần này là thứ tất cả mọi người có thể nhìn thấy và ảnh hưởng đến phúc lợi của mọi người dân", giáo sư Zhang nhận xét.
Cơn khủng hoảng đã khiến ngành y tế Trung Quốc phải oằn mình chống trả và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế đến mức một số chuyên gia cho rằng nó có thể mang đến những tác động kinh khủng hơn cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Trước những chỉ trích gia tăng ở trong nước về cách chính phủ phản ứng với khủng hoảng, đặc biệt là sau cái chết của bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng, người đầu tiên cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chính quyền trung ương đang có xu hướng quy trách nhiệm cho giới chức địa phương.
Các quan chức địa phương thỉnh thoảng cũng phản kháng. Thị trưởng Vũ Hán Chu Tiên Vượng bị cáo buộc không kịp thời công bố thông tin về virus. "Là một quan chức địa phương, sau khi nhận được thông tin kiểu này, tôi vẫn phải chờ bên trên cho phép rồi mới công bố", Chu cuối tháng trước nói trên truyền hình, nhấn mạnh ông bị giới hạn hành động bởi các quy định của bộ máy.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu những bài học về sự bùng phát dịch Covid-19 có đủ sức làm thay đổi hệ thống chính trị ở Trung Quốc vốn đang ngày càng tập trung quyền lực vào tay Chủ tịch Tập, người lên lãnh đạo đất nước từ nằm 2012, hay không. Tất cả còn phụ thuộc vào việc trách nhiệm được quy cho ai.
Nhiều nhà bình luận đã đặt câu hỏi liệu cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán có thể là "giọt nước làm tràn ly" hay không trong bối cảnh công chúng Trung Quốc đã cho thấy họ vô cùng bất bình sau khi anh qua đời. Cảm giác rằng chính quyền không hành động vì người dân khiến công chúng không khỏi cảm thấy giận dữ.
Nhưng theo giới quan sát, nếu chính quyền Trung Quốc có thể kiểm soát dịch bệnh nhanh chóng, nó sẽ trở thành bàn đạp giúp Chủ tịch Tập củng cố hơn nữa quyền lực.
Chính quyền trung ương khi đó cũng có lý do để biện minh cho những chính sách cứng rắn mà họ thực thi trong những năm gần đây, Dali Yang, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, đánh giá.
"Với danh nghĩa 'bảo vệ sự ổn định xã hội', họ đã thu thập thông tin của người dân và gia tăng các hoạt động giám sát. Những công nghệ, thiết bị và hoạt động phục vụ cho mục đích đó bỗng nhiên lại trở nên phù hợp khi dịch bệnh bùng phát", Yang cho hay, đề cập tới công nghệ giám sát hiện đại của Trung Quốc thông qua camera nhận dạng khuôn mặt hay điện thoại di động.
Giới chức Trung Quốc đã sử dụng những công nghệ trên nhằm giám sát người dân và phát hiện ra những ai đến từ vùng dịch để có biện pháp xử lý phù hợp, chẳng hạn buộc họ phải cách ly.
"Thực tế, thông điệp từ các lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc hiện nay đều xoay quanh những mối rủi ro về dịch bệnh gia tăng, qua đó, họ có thể mở rộng khái niệm về an ninh quốc gia để bao gồm tất cả mọi thứ, kể cả y tế", Yang bình luận.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)