Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ngày 22/8 trở về thủ đô Bangkok sau 15 năm lưu vong, được đại gia đình và nhiều người ủng hộ chào đón. Ông sau đó bị Tòa án Tối cao tuyên 8 năm tù, liên quan những vụ án về lạm quyền, ra lệnh bất hợp pháp cho một ngân hàng phát hành khoản vay nước ngoài và nắm giữ cổ phần trái phép thông qua người ủy nhiệm.
Ông Thaksin sống chủ yếu ở Dubai trong quãng thời gian lưu vong. Cựu thủ tướng từng cho biết động lực khiến ông quay về Thái Lan là để dành thời gian bên con cháu. Ông Thaksin có một con trai và hai con gái, đều sống ở Thái Lan. Paetongtarn, con gái út của ông Thaksin, đã sinh con thứ hai hồi tháng 5.
"Tôi đã được tự do đi bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng phải chịu án tù xa gia đình. Nếu trở về và phải ngồi trong một nhà tù nhỏ hơn, điều đó không thành vấn đề", ông từng nói.
Hôm 22/8, Paetongtarn, con gái ông Thaksin, đăng bức ảnh ông chụp cùng vợ chồng ba người con và 7 cháu trong phòng phòng chờ VIP của sân bay, sau khi ông về nước.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu có điều gì đặc biệt trong thời điểm về nước của cựu thủ tướng Thái Lan hay không. Thaksin đã vài lần hoãn kế hoạch hồi hương và ông cuối cùng trở về vài tiếng trước khi quốc hội Thái Lan bỏ phiếu bầu thủ tướng. Người được chọn dẫn dắt đất nước là tài phiệt bất động sản Srettha Thavisin từ đảng Pheu Thai do gia đình Thaksin sáng lập.
Hôm 21/8, một ngày trước cuộc bỏ phiếu, Pheu Thai thông báo liên kết với 10 đảng, trong đó có hai đảng liên quan đến quân đội, để thành lập chính phủ.
Giới chuyên gia cho rằng thời điểm ông Thaksin quay về là dấu hiệu cho thấy có một thỏa thuận ngầm, trong đó ông Thaksin sẽ được bảo đảm an toàn, giảm nhẹ bản án hoặc khoan hồng còn các đảng có liên hệ với quân đội vẫn là thành viên của chính phủ. Tuy nhiên, Pheu Thai bác bỏ ông Thaksin có liên quan đến vấn đề lập chính phủ.
Napon Jatusripitak, nhà nghiên cứu khoa học chính trị, chuyên gia tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, đánh giá số phận của ông Thaksin và đảng Pheu Thai gắn liền với nhau. Quyết định trở lại của ông Thaksin vào thời điểm hiện tại dường như cho thấy "ông đã nhận được đảm bảo rằng mình sẽ không phải chấp hành đầy đủ án tù", Napon nói.
Thaksin là một cựu sĩ quan cảnh sát, trở thành ông trùm viễn thông trước khi tham gia chính trường. Ông được bầu làm thủ tướng Thái Lan lần đầu tiên vào năm 2001 và tiếp tục xây dựng cơ sở cử tri trung thành ở các vùng nông thôn phía bắc và đông bắc đất nước.
Những chính sách của ông, như chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân và chương trình quỹ làng nhằm kích thích hoạt động kinh tế ở khu vực nông thôn, đã giúp nâng cao đáng kể cuộc sống người dân. Trong nhiều năm, ông là gương mặt không thể đánh bại trong các cuộc bỏ phiếu.
Tuy nhiên, Thaksin bị giới quân sự - bảo hoàng phản đối mạnh mẽ, cáo buộc ông tham nhũng và lợi dụng đất nước vì lợi ích cá nhân. Mâu thuẫn giữa hai bên đã dẫn đến việc quân đội hai lần đảo chính, trong khi các đảng chính trị liên kết với ông Thaksin liên tục bị giải tán, các cuộc biểu tình kéo dài trên đường phố làm tê liệt thủ đô Bangkok.
Tân thủ tướng Thái Lan Srettha từng nói rằng ông không thể tưởng tượng được cảnh làm việc trong cùng một chính phủ với phe thân quân đội. Tuy nhiên, ông nói với báo giới hôm 21/8 rằng ba tháng bế tắc chính trị tại Thái Lan đã khiến ông "phải quên đi những gì đã nói".
Báo Thái Lan Bangkok Post gọi đây là "cái giá để thành lập chính phủ". Nhà phân tích chính trị Thái Lan Verapat Pariyawong nhận định mặc dù liên minh mới này có thể gây sốc cho công chúng, đối với các chính trị gia, đây là "chính trị thực dụng cơ bản". "Đã đến lúc họ chung tay vì lợi ích chung của chính họ", ông nói.
Cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tại sân bay ở Bangkok hôm 22/8. Ảnh: AFP
Giới chính trị bảo thủ Thái Lan cảm thấy bị đe dọa bởi sức ảnh hưởng ngày càng tăng của đảng Move Forward trẻ trung, theo chủ nghĩa cải cách, lực lượng chính trị đã giành được nhiều ghế nhất trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5 với lời hứa hẹn về những thay đổi lớn trong cơ cấu quyền lực ở Thái Lan.
Move Forward cam kết cải cách luật về tội khi quân, loại bỏ quân đội khỏi chính trường và giảm thiểu ảnh hưởng của các doanh nghiệp lớn đối với chính trị. Tuy nhiên, họ đã bị Thượng viện do chính quyền quân sự bổ nhiệm ngăn cản lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử.
Move Forward cũng tạo ra mối đe dọa đối với Pheu Thai. Hồi tháng 5, đảng non trẻ này đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi vượt trội về số phiếu so với Pheu Thai và thậm chí còn giành được ghế ở thành trì của gia đình Thaksin, Chiang Mai.
Thực tế, Move Forward và Pheu Thai có quan điểm chung về nhiều vấn đề. Tuy nhiên, hai bên có khác biệt về một vấn đề lớn là luật khi quân, quy định bất cứ ai "phỉ báng, lăng mạ, đe dọa vua, hoàng hậu, người thừa kế hoặc quan nhiếp chính" sẽ bị phạt tù 3-15 năm. Move Forward cam kết cải cách luật này, trong khi Pheu Thai khẳng định sẽ không thay đổi.
Cơ cấu Thượng viện và Hạ viện Thái Lan. Đồ họa: AFP
Verapat cho biết với cú bắt tay giữa Pheu Thai và phe thân quân đội, Thái Lan có thể chuyển sang một kỷ nguyên mới, thoát khỏi tình trạng chia rẽ đã kéo dài suốt hai thập kỷ qua nhưng lại "hướng tới một cuộc đối đầu mới giữa phe bảo thủ với đảng Move Forward". Quyết định lập liên minh của Pheu Thai cũng có thể khiến người ủng hộ đảng này thất vọng.
"Ông Thaksin phải quay trở về để lấy lại uy tín cho đảng", Paul Chambers, chuyên gia về chính trị tại Đại học Naresuan, Thái Lan, nhận định.
Dù sống lưu vong, ông Thaksin vẫn hoạt động tích cực trên chính trường trong nước. Cựu thủ tướng Thái Lan thường thực hiện các cuộc gọi video tới những buổi mít tinh với những người ủng hộ hay các đảng được ông hậu thuẫn.
Theo các thành viên đảng Pheu Thai, họ vẫn cần ảnh hưởng và lời khuyên từ tỷ phú 74 tuổi để dẫn dắt đất nước. Các chính sách của ông vẫn được ưa chuộng ở Thái Lan, đặc biệt là chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và giải ngân khoản vay cho nông dân khi ông làm thủ tướng từ năm 2001 đến 2006.
"Chúng tôi vẫn yêu ông ấy", Chuda Suradee, 70 tuổi, người ủng hộ cựu thủ tướng Thaksin có mặt tại sân bay Bangkok lúc 2h sáng 22/8, cho biết. "Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc".
"Khi ông ấy làm thủ tướng, mọi thứ đều tốt, chúng tôi có thể sống thịnh vượng. Ông ấy đã làm mọi thứ cho dân thường", Pakop Phuekthai, 57 tuổi, nói.
Vài tiếng sau khi trở về Thái Lan, ông Thaksin đã bị đưa vào Nhà tù Tạm giam Bangkok, nằm ở quận Chatuchak phía bắc Bangkok, thuộc khu phức hợp nhà tù Klong Prem.
Ayuth Sintoppant, lãnh đạo Cục Cải huấn Thái Lan, ngày 22/8 cho biết các bác sĩ đã khám cho Thaksin và phát hiện ông gặp vấn đề về huyết áp, phổi, tim và cột sống. Theo quy định dành cho tù nhân lớn tuổi mắc bệnh, ông Thaksin được đưa vào một phòng riêng ở Khu 7, khu trung tâm y tế của nhà tù, để được theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Phòng giam ông Thaksin có quạt điện nhưng không có điều hòa, có phòng bác sĩ ở liền kề.
Cảnh sát Thái Lan sau đó cho biết ông Thaksin đã được chuyển đến bệnh viện vì gặp vấn đề sức khỏe trong đêm đầu tiên bị giam. "Nhà tù nhận thấy không có đủ bác sĩ, thiết bị y tế để chăm sóc bệnh nhân. Do đó, ông ấy đã được chuyển đến bệnh viện cảnh sát", Trợ lý cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan Prachuab Wongsuk thông báo.
Mạng xã hội Thái Lan lan truyền thông tin ông Thaksin ở phòng VIP trên tầng 14 bệnh viện, nhìn ra sân golf ở trung tâm thành phố Bangkok. Bệnh viện sau đó bác bỏ thông tin này, khẳng định nơi đây thường xuyên tiếp nhận tù nhân.
Giới chuyên gia đánh giá ông Thaksin hoàn toàn đủ điều kiện xin ân xá. Cơ hội này được cho là một phần nguyên nhân thôi thúc ông trở về. Vua Thái Lan có quyền ân xá cho bất kỳ tội danh nào.
Không rõ ông Thaksin hay gia đình đã nộp đơn xin ân xá hay chưa nhưng về lý thuyết, họ có thể làm vậy ngay từ ngày đầu tiên cựu thủ tướng ở tù. Phó giám đốc Cục Cải huấn Sithi Suthiwong cho biết khi đơn được nộp, một ủy ban của Cục Cải huấn sẽ xem xét nó sau đó gửi lên Bộ Tư pháp và Thủ tướng trước khi đệ trình lên Quốc vương.
Quá trình này có thể mất "khoảng một đến hai tháng, nếu đủ tài liệu", Suthiwong nói.
Vũ Hoàng (Theo Bangkok Post, Thai PBS World)