Thành ủy Hải Phòng phối hợp với Ban kinh tế Trung Ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sáng 2/8.
Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định, Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2019 là động lực quan trọng cho sự phát triển của thành phố.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn. Đến nay, 3 trong 7 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết gần đạt, hoặc hoàn thành.
Cụ thể, kinh tế thành phố liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hai con số, bất chấp giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19. GRDP từng năm trong giai đoạn 2019-2023 đạt 12,6% mỗi năm, gấp 2,44 lần bình quân cả nước (5,16%), gấp 1,74 lần giai đoạn 2014-2018.
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của Hải Phòng đạt 191,21 triệu đồng một người, tương đương 7.826,12 USD mỗi người, gấp 1,83 lần năm 2018 và bằng 1,87 lần so với cả nước, đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.
Năm 2023, năng suất lao động thành phố theo giá hiện hành đạt 392,1 triệu đồng một lao động, cao gấp gần 2 lần bình quân chung cả nước (199,3 triệu đồng/lao động), gấp hơn 2 lần so với năm 2018 (190,86 triệu đồng/lao động). Trong khi quy mô kinh tế không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai trong Vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại với ngành công nghiệp phát triển nhanh, theo hướng gia tăng giá trị và mức độ thông minh, hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Nhờ đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2019-2023 đạt hơn 480 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 6,96% một năm, gấp 1,88 lần bình quân chung cả nước (3,71%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 103.688,59 tỷ đồng, gấp 1,4 lần năm 2018.
Đáng chú ý, tỷ trọng thu ngân sách nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn có xu hướng tăng, từ 33,45% năm 2018 lên 41,93% năm 2023. Lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, sự dịch chuyển này mang tính tích cực, có xu hướng bền vững hơn, tăng sự chủ động và khả năng cân đối nguồn lực của thành phố trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết.
Nhờ nội lực mạnh mẽ, kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố được đầu tư, theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần thực hiện tốt vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc.
Tính chung giai đoạn 2019-2023, thành phố Hải Phòng đã xây mới được 19,67 km đường quốc lộ, 28,78 km đường tỉnh lộ, 55,49 km huyện lộ, 137,04 km đường đô thị, hàng loạt cây cầu, cảng biển có vai trò liên kết vùng, khu vực.
Thành phố cũng được Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. "Ngoài Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng, hiện chưa có địa phương nào được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để góp phần phát triển khu vực Bắc Bộ", ông Lê Anh Quân nói.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là quyết định quan trọng, tạo điều kiện cho thành phố định hướng toàn diện, mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố; tạo ra xung lực mới đưa Hải Phòng phát triển ngang tầm với các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Với sự hậu thuẫn của chính sách, Hải Phòng trở thành điểm sáng thu hút vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2019-2023 của thành phố đạt 813.065 tỷ đồng, chiếm 5,42% vốn đầu tư cả nước, gấp 2,5 lần năm giai đoạn 2014-2018, tăng trưởng bình quân 11,64% một năm.
Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút FDI toàn quốc. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước cũng chọn thành phố là nơi để đầu tư công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế.
Đặc biệt, trình độ công nghệ của kinh tế thành phố có nhiều cải thiện, hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ cao của thành phố luôn được đẩy mạnh.Hải Phòng xếp vị trí thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và TP HCM; vị trí thứ 2 trong 11 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), đạt 52,32 điểm.
Hiện nay, Hải Phòng tập trung chỉ đạo xây dựng khu kinh tế mới - khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000 ha , mục tiêu đến năm 2030, khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng trở thành một động lực chủ đạo của nền kinh tế thành phố.
Các đề án thành lập thành phố thuộc thành phố Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, đưa huyện An Dương lên quận, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện An Dương để mở rộng quận Hồng Bàng và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 cũng đã hoàn thiện để trình cấp trên xem xét.
Công tác cải cách hành chính đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2019 - 2023, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của thành phố đã có những chuyển biến mạnh mẽ, liên tục đạt vị trí xếp hạng cao. Năm 2021 là năm đầu tiên Hải Phòng vươn lên vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố và thứ 2 trong 11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2022 và 2023, PCI Hải Phòng đều xếp vị trí thứ 3 cả nước và thứ 2 trong11 trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) của thành phố luôn duy trì là một trong 5 địa phương dẫn đầu cả nước kể từ 2012, năm đầu tiên Bộ Nội vụ thực hiện đo lường, đánh giá chỉ số này. Năm 2021, Hải Phòng lần đầu tiên bứt phá lên ngôi vị quán quân chỉ số cải cách hành chính với kết quả 91,8%.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của người dân Hải Phòng cũng được nâng cao. Nhiều lễ hội được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm bản sắc văn hóa Hải Phòng như lễ hội Chọi trâu, lễ hội Làng cá Cát Bà, lễ hội Nữ tướng Lê Chân, lễ hội Hoa Phượng Đỏ...
Năm 2023, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà đã được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với các giá trị thẩm mỹ và địa chất, địa mạo nổi bật toàn cầu.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước và Vùng đồng bằng sông Hồng. Nhờ nguồn lực mạnh, địa phương có dành ưu tiên ngân sách để tăng chất lượng lĩnh vực y tế, hỗ trợ ngành giáo dục...
Nghị quyết 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, động lực phát triển của Vùng Bắc Bộ và của cả nước, có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững.
Lê Tân