Bốn ngày trước, cựu thủ tướng Anh David Cameron ăn trưa cùng vài người bạn, trong đó có Andrew Mitchell, người từng làm chủ nhiệm văn phòng trong nội các của ông và hiện giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách Phát triển quốc tế của Bộ Ngoại giao Anh.
Trong bữa trưa, ông Cameron không tiết lộ bất cứ điều gì về việc ông sẽ quay lại làm việc trong chính phủ sau 7 năm, dù khao khát trở lại chính trường của ông vẫn được thể hiện rõ ràng qua các cuộc trò chuyện, một người biết về những nội dung được thảo luận trong bữa trưa hôm đó nói.
Phố Downing ngày 13/11 bất ngờ thông báo ông Cameron được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, trở thành cựu thủ tướng đầu tiên trở lại nội các Anh trong hơn 50 năm qua và là người đứng đầu chính phủ thứ ba trở thành lãnh đạo Bộ Ngoại giao Anh kể từ năm 1900, sau Arthur Balfour và Alec Douglas-Home.
Một người phát ngôn cho biết Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã tiếp cận và đề nghị ông Cameron đảm nhận vai trò này, dù từ chối cho biết thời điểm chính xác. Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết cựu thủ tướng Cameron được liên hệ hôm 8/11, vài ngày trước bữa trưa với Mitchell.
Một quan chức Anh nói rằng cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ William Hague đóng vai trò trung gian trong nỗ lực đưa ông Cameron quay lại chính phủ. Hague từng là ngoại trưởng trong chính quyền của ông Cameron và hiện là cố vấn chính trị của ông Sunak.
"Hague đã tham gia vào tất cả chuyện này", một người bạn của Cameron nói.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X ngày 13/11, ông Cameron cho biết ông đã "vui vẻ chấp nhận" khi Thủ tướng Sunak đề nghị ông trở thành Ngoại trưởng Anh.
"Tôi có thể không đồng ý với một số quyết định cá nhân của Rishi Sunak, nhưng với tôi, ông ấy là Thủ tướng đang thể hiện khả năng lãnh đạo gương mẫu trong thời điểm khó khăn. Tôi muốn giúp ông ấy mang lại an ninh và thịnh vượng cho đất nước", ông cho hay.
Sau thời gian làm cố vấn chính phủ dưới thời thủ tướng John Major, ông David Cameron vươn lên thành lãnh đạo đảng Bảo thủ năm 2005. Ông giành nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử năm 2010 nhưng không hội đủ đa số phiếu ủng hộ để thành lập chính phủ, nên đã quyết định liên minh với đảng Dân chủ Tự do.
Chiến thắng của ông đã giúp đảng Bảo thủ quay lại nắm quyền sau 13 năm quyền lực nằm trong tay phe đối lập. Bước vào Phố Downing khi 43 tuổi, ông trở thành một trong những thủ tướng trẻ nhất lịch sử Anh.
Ông đã nỗ lực theo đuổi "chủ nghĩa bảo thủ từ bi" trong tham vọng thúc đẩy sự ủng hộ của dư luận với đảng Bảo thủ. Với nhiều người, chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về Brexit là những dấu ấn nổi bật nhất của Cameron.
Chính phủ Anh dưới sự lãnh đạo của ông đã cắt giảm mạnh phúc lợi xã hội và các chi tiêu công trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe sau hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Cam kết của ông về tổ chức trưng cầu dân ý để Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã trở thành nguyên nhân khiến chính phủ của ông sụp đổ. Phe muốn Anh ở lại EU của ông Cameron năm 2016 bị đánh bại khi giành 48% phiếu bầu, thua 4% so với phe ủng hộ Brexit, khiến ông từ chức năm 2016. Năm 2020, Anh rời EU sau cuộc "ly hôn" hỗn loạn và nhiều tranh cãi.
Sau khi rời Phố Downing, Cameron dành phần lớn thời gian trong những năm tiếp theo tại khu nhà vườn xa xỉ trị giá hơn 30.000 USD, nơi ông viết hồi ký. Cuốn sách đó được nhiều người ca ngợi vì sự trung thực, khi ông viết về những sai lầm trong quá trình Brexit.
Bạn bè của cựu thủ tướng Anh chia sẻ không giống như bạn thân George Osborne, cựu bộ trưởng tài chính hiện làm biên tập viên của Evening Standard và chủ tịch Bảo tàng Anh, ông Cameron chưa từng thực sự thích làm việc trong lĩnh vực tư nhân.
Ông đã cố tìm niềm vui ngoài chính trị bằng cách nhận lời làm chủ tịch tổ chức từ thiện Alzheimer’s Research UK và giảng viên Đại học New York ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, hay công việc cố vấn đầy tranh cãi cho công ty dịch vụ tài chính Greensill Capital. Ông cũng trở thành chủ tịch hội đồng bảo trợ tại Dịch vụ Công dân Quốc gia, tổ chức mà ông thành lập khi còn đương chức để theo đuổi ý tưởng về "xã hội lớn".
Tuy nhiên, Cameron không thực sự cảm thấy phù hợp với những công việc này, theo Osborne. Một người bạn khác nói rằng ông Cameron luôn giữ "động lực chính trị" trong mình và nhiều lần nói về việc trở lại chính phủ trong vai trò ngoại trưởng.
Nicky Morgan, đồng minh của David Cameron, cho biết cựu thủ tướng có thể đã coi vị trí ngoại trưởng là cơ hội để viết cái kết khác cho sự nghiệp chính trị. "Khi phải từ chức, bạn không thể rời đi theo ý mình. Nếu bạn quay lại, bạn sẽ có cơ hội để kết thúc mọi việc theo cách khác hơn một chút", bà nói.
Dù vậy, hồi tháng 2/2020, ông đã từ chối lời đề nghị của cựu thủ tướng Boris Johnson để lãnh đạo quá trình chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow. Lý do là ông không muốn làm việc với Johnson và chánh văn phòng thủ tướng Dominic Cummings.
Song công việc tại công ty dịch vụ tài chính Greensill đã khiến ông trở thành tâm điểm chú ý của truyền thông, sau khi có thông tin rằng ông đã vận động hành lang các bộ trưởng để cấp cho công ty quyền tiếp cận gói vay hỗ trợ Covid-19 năm 2021, một năm trước khi công ty đóng cửa.
Cuộc điều tra của ủy ban Bộ Tài chính kết luận ông Cameron đã "thiếu suy xét" khi gửi hàng chục tin nhắn để thuyết phục các chính trị gia, trong đó có cả ông Sunak, người khi đó là Bộ trưởng Tài chính.
"Xin lỗi vì làm phiền ông lần nữa, nhưng tôi không thể có lý do để phản đối tài trợ cho chuỗi cung ứng và doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách này. Ông có thể xem xét và thúc đẩy nó không?", ông Cameron gửi tin nhắn cho Sunak hồi tháng 4/2021.
Ông Cameron phần lớn không can thiệp vào vấn đề nội chính sau khi rời nhiệm sở, dù tháng trước ông gây chú ý khi công khai chỉ trích quyết định hủy bỏ nhánh phía bắc của tuyến đường sắt cao tốc HS2 mà Thủ tướng Sunak đưa ra. Theo ông, quyết định này sẽ làm tăng thêm chỉ trích rằng đất nước đang đi sai hướng.
Tham vọng đường sắt cao tốc dang dở của Anh
Tuy nhiên, các đồng minh nói rằng ông Cameron vẫn ủng hộ Thủ tướng Sunak và đảng Bảo thủ trong các vấn đề khác. Văn phòng Thủ tướng Sunak khẳng định ông Cameron là "người có uy tín trên trường quốc tế" và có nhiều kinh nghiệm để đảm nhận vai trò Ngoại trưởng.
Kể từ khi trở thành Thủ tướng Anh cách đây hơn một năm, ông Sunak đã cố gắng bình ổn chính phủ sau nhiều rối ren. Chính sách kinh tế của người tiền nhiệm Liz Truss đã khiến đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD và lạm phát ở mức hai con số.
Đảng Bảo thủ cầm quyền của ông cũng đang vật lộn để phục hồi sau những hỗn loạn trong nhiệm kỳ cựu thủ tướng Johnson, người rời nhiệm sở với những vụ bê bối gây phẫn nộ trong công chúng.
Việc sa thải Suella Braverman, người thuộc phe cánh hữu của đảng, và bổ nhiệm Cameron, người theo chủ nghĩa ôn hòa, để lãnh đạo Bộ Ngoại giao là nỗ lực để khôi phục đảng Bảo thủ sau những hỗn loạn trước cuộc bầu cử năm tới, theo giới quan sát. Nhiều nguồn tin thân cận với Braverman cho biết bà có ý định tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ nếu ông Sunak thua trong cuộc bầu cử sắp tới.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng động thái đưa ông Cameron trở lại chính phủ có thể là canh bạc nhiều may rủi của Thủ tướng Sunak.
"Đó là bước đi táo bạo. Chúng ta đã thấy ông Sunak đang nỗ lực thay đổi câu chuyện về nhiệm kỳ thủ tướng của mình trong những tháng gần đây", Catherine Haddon, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Viện Chính phủ ở Anh, nói.
"Ông Sunak có thể đang cố tìm kiếm những người có thể đại diện cho một chính phủ vận hành suôn sẻ hơn, song có vẻ ông ấy không thể tìm được những người đủ nhạy cảm trong đảng của mình", Toby Helm, biên tập viên của The Observer, nói.
Nhà phân tích này thêm rằng cựu thủ tướng Cameron có thể trở thành Ngoại trưởng có năng lực và thu hút với một số người, song "tôi nghĩ hình ảnh về ông ấy hay ấn tượng mà việc bổ nhiệm mang lại có phần u ám".
Song nhiều người khác ca ngợi quyết định bổ nhiệm của Thủ tướng Sunak và Bộ trưởng Giao thông Mark Harper, người từng làm việc dưới thời ông Cameron, là một trong số đó.
"Với những thách thức chúng tôi phải đối mặt về xung đột Ukraine hay những gì đang diễn ra ở Trung Đông, tôi nghĩ chọn một người thực sự có kinh nghiệm làm Ngoại trưởng là động thái tuyệt vời", ông Harper nói.
Thanh Tâm (Theo Guardian, ABC News, CNN)