Trong hơn một năm qua, khi quan hệ giữa Nga và phương Tây lao dốc vì khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã thành công trong việc duy trì chính sách "môi giới quyền lực", biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc có vai trò quan trọng trong các nỗ lực trung gian hòa giải.
Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp máy bay không người lái (UAV) tự sát Bayraktar TB-2 cho Ukraine, nhưng cũng phản đối châu Âu tăng sức ép với Nga, đồng thời thúc đẩy hợp tác dầu khí với Moskva. Ông Erdogan duy trì quan hệ cá nhân tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev.
Lập trường này khiến Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần bị gọi là "đồng minh rắc rối" của NATO và châu Âu. Nhưng giờ đây, khi đối đầu với nhiệm vụ khó khăn là vực dậy nền kinh tế đất nước đang rơi vào đà suy thoái, ông Erdogan dường như đã chọn ngả về Mỹ và phương Tây để đổi lại những lợi ích nhất định.
Thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan có thể tạo ra những tác động sâu rộng đối với cán cân quyền lực ở châu Âu và cuộc xung đột Ukraine, theo giới quan sát.
Tuần qua, Tổng thống Erdogan đã chào đón Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Istanbul, chấp thuận trả tự do cho 5 chỉ huy Tiểu đoàn Azov bất chấp thỏa thuận trước đó với Nga.
Thượng nghị sĩ Viktor Bondarev, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Thượng viện Nga, hôm 10/7 cho rằng những "quyết định khiêu khích" gần đây của Tổng thống Erdogan cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ "đang dần chuyển từ nước trung lập thành quốc gia không thân thiện". Ông còn tuyên bố quyết định phóng thích 5 chỉ huy Tiểu đoàn Azov là "cú đâm sau lưng" Nga.
Theo thỏa thuận trao đổi tù nhân tháng 9/2022 giữa Nga và Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, sau khi được Nga phóng thích, 5 chỉ huy này được đưa đến Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ ở lại đây "đến khi chiến sự kết thúc". Tuy nhiên, họ được trở về nước sau nỗ lực đàm phán của Tổng thống Zelensky và những người này tuyên bố sẽ sớm quay lại chiến đấu.
Giới phân tích nhận định những động thái hướng về phương Tây gần đây của Tổng thống Erdogan được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, trong đó kinh tế là một động lực lớn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng đáng kể thương mại với Nga khi xung đột Ukraine bùng phát, coi Nga như một nguồn ngoại tệ quan trọng, đồng thời cho phép Điện Kremlin sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong chuỗi cung ứng quân sự của mình. Dữ liệu thương mại cho thấy Nga đã mua hàng chục triệu USD vật liệu cần thiết từ Thổ Nhĩ Kỳ cho quân đội sau khi chiến sự nổ ra.
Dù vậy, thực tế đã cho thấy chỉ riêng dòng tiền từ Nga không thể giải quyết các vấn đề kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và đồng nội tệ đã mất hơn 90% giá trị trong những năm gần đây, theo giới phân tích.
Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần động lực để phát triển sau nhiều năm đối mặt khủng hoảng vì nhiều vấn đề, trong đó có lạm phát cao. Điều này thúc đẩy Tổng thống Erdogan tìm cách xoa dịu mối quan hệ căng thẳng với Washington và các cường quốc châu Âu, từ đó mở ra cánh cửa để hoàn thành thương vụ Mỹ bán chiến đấu cơ F-16 trị giá 20 tỷ USD cho Thổ Nhĩ Kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực kinh tế khủng khiếp. Điều này đòi hỏi chính quyền Tổng thống Erdogan phải bình thường hóa quan hệ với các đối tác thương mại và tài chính của họ", Sinan Ulgen, giám đốc của tổ chức tư vấn Edam, trụ sở tại Istanbul, nhận xét.
Một động lực khác khiến ông Erdogan thay đổi chính sách là sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, áp lực khuấy động cảm tình dân tộc và bài phương Tây vốn là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông đã giảm bớt.
Hôm 10/7, Tổng thống Erdogan đã đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt hơn một năm bế tắc ngoại giao với Mỹ và các đối tác châu Âu.
Những dấu hiệu đột phá quan hệ với Washington tiếp tục xuất hiện vào ngày 11/7 khi cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nhắc lại quan điểm ủng hộ của Nhà Trắng đối với đề xuất bán chiến đấu cơ F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, vài giờ trước cuộc gặp giữa ông Tổng thống Erdogan và Joe Biden.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez, nghị sĩ có ảnh hưởng nhất tại quốc hội Mỹ, người có quan điểm phản đối Thổ Nhĩ Kỳ, hồi đầu tuần cho biết ông hài lòng với quyết định của Tổng thống Erdogan khi đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Menendez và một số lãnh đạo quốc hội khác từng đe dọa sẽ chặn việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu họ không chấp nhận Thụy Điển vào liên minh.
Tuy nhiên, quá trình thiết lập lại mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây đang diễn ra phần lớn theo các điều khoản Erdogan đưa ra. Để đáp ứng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, sửa đổi luật chống khủng bố và dỡ bỏ các hạn chế đối với việc bán vũ khí cho Ankara.
Sau yêu cầu vào phút cuối từ ông Erdogan, Thụy Điển cũng đồng ý hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trong đó có việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực cho công dân nước này.
Giành được ủng hộ của Thụy Điển với nỗ lực gia nhập EU, Tổng thống Erdogan có thể tuyên bố với người dân rằng đây là một chiến thắng vang dội, qua đó làm tăng thêm uy tín của ông ở trong nước, giới chuyên gia nhận định.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã có những gì mình muốn" là tiêu đề được đăng nổi bật trên tờ Sabah, một trong những tờ báo ủng hộ chính phủ.
Động thái "xoay trục" của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là sẽ thử thách mối quan hệ giữa Tổng thống Erdogan với người đồng cấp Nga Putin, một trong những đối tác lâu đời và quan trọng nhất của Ankara. Việc Tổng thống Erdogan gần đây lên tiếng ủng hộ Ukraine được kết nạp vào NATO càng khiến Điện Kremlin bất an.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng dù chuyển hướng sang phương Tây, Tổng thống Erdogan khó có thể thu hẹp mối quan hệ kinh tế đang phát triển giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Tổng thống Erdogan tuần này đã nhắc lại rằng ông muốn Tổng thống Putin thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng tới và không có khả năng cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Điện Kremlin.
Gulru Gezer, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, cho hay việc duy trì thế cân bằng trong quan hệ với phương Tây và Nga không phải điều dễ dàng. "Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn sẽ phải tìm cách củng cố quan hệ với phương Tây mà không từ bỏ Nga", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)