Lao động nhập cư gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo mới ước tính toàn cầu về lao động di cư của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2019 ghi nhận số dân nhập cư chiếm gần 5% lực lượng lao động toàn cầu. Trong vòng hai năm 2017-2019, lực lượng tăng trưởng đến 3% từ 164 lên đến 169 triệu người. Tỷ lệ lao động nhập cư thanh niên độ tuổi 15-24 cũng tăng gần 2%, tương đương 3,2 triệu người. Đến năm 2019, con số này đã đạt mức 16,8 triệu người. Các số liệu trên phần nào thể hiện việc lao động nhập cư trên toàn thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu trong những năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nhiều bộ phận này lại thường làm những công việc tạm thời, bán thời gian, không có hợp đồng chính thức hoặc chỉ làm việc thời hạn rất ngắn. Theo đó, họ không thuộc diện hưởng các quyền lợi của người lao động chính thức tại các quốc gia họ nhập cư. Ngoài ra họ còn phải đối mặt với tỷ lệ sa thải cao và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ.
Đại dịch Covid-19 ập đến đã làm gia tăng những nguy cơ trên, nhất là các lao động nữ nhập cư. So với lao động nam, nữ giới thường bị đánh giá thấp về mặt thể lực. Ở một số lĩnh vực, công việc, họ không thể đảm đương hoặc không đủ sức hoàn thành dẫn đến mức lương thấp, kỹ năng không được chú trọng đào tạo, kéo theo việc bị hạn chế tiếp cận với các gói hoặc tổ chức bảo trợ xã hội, cũng ít lựa chọn hơn đối với các dịch vụ hỗ trợ.
"Đại dịch bùng phát và kéo dài trong hai năm qua đã phơi bày tình trạng bấp bênh của nhóm lao động nhập cư trên toàn thế giới. Họ thường là đối tượng bị các doanh nghiệp nhắm đến và cho thôi việc đầu tiên. Đây cũng là nhóm gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận điều trị tại các quốc gia họ đang làm việc. Đồng thời, họ còn thường bị loại khỏi các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng từ Covid-19 của các quốc gia", bà Manuela Tomei, Giám đốc Ban Điều kiện lao động và Bình đẳng của ILO cho biết.
Quốc gia phát triển hút nhân lực
Mặt khác, báo cáo của ILO vừa công bố mới đây cũng cho thấy hơn 2/3 lao động nhập cư quốc tế tập trung ở các nước có thu nhập cao, chiếm khoảng 63,3% tổng số. Cụ thể, trong số 169 triệu lao động di cư toàn cầu, có đến 63,8 triệu người, chiếm khoảng 37,7%, đang sống và làm việc tại khu vực châu Âu và Trung Á. Khoảng 43,3 triệu người, tương đương 25,6%, nhập cư tại các nước thuộc châu Mỹ.
Các quốc gia Ả Rập và châu Á - Thái Bình Dương mỗi nước có khoảng 24 triệu lao động nhập cư, tương ứng với 28,5% tổng số. Trong khi châu Phi chỉ có khoảng 13,7 triệu người thuộc nhóm này, chiếm 8,1%. Lao động nhập cư nam giới chiếm đến 99 triệu người, trong khi nữ giới chiếm khoảng 70 triệu người.
So với phái mạnh, nữ giới thường gặp nhiều trở ngại về kinh tế - xã hội hơn khi là lao động di cư. Họ có nhiều khả năng di cư cùng với các thành viên trong gia đình vì những lý do khác nhau thay vì chỉ mong muốn tìm việc làm ở một quốc gia khác. Đối tượng này còn có nguy cơ bị phân biệt đối xử về mặt giới tính trong việc làm, gây khó khăn cho việc hòa hợp giữa công việc và cuộc sống gia đình ở nước ngoài.
Thanh niên có xu hướng ra nước ngoài tìm việc
Tỷ lệ thanh niên thuộc nhóm lao động nhập cư trên thế giới đã tăng từ 8,3% lên 10% trong hai năm 2017-2019. Sự gia tăng này có thể liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp cao ở lứa tuổi thanh niên tại nhiều nước đang phát triển. Phần lớn lao động nhập cư (86,5%) vẫn ở độ tuổi trưởng thành 25-64 tuổi.
Ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ tuyển dụng cao
Ở nhiều khu vực trên thế giới, nhóm người lao động nhập cư chiếm tỷ lệ khá lớn và giữ nhiều vai trò quan trọng. Họ được ghi nhận có nhiều đóng góp quan trọng cho xã hội và nền kinh tế của quốc gia họ đang sống và làm việc, đồng thời giữ các vị trí thiết yếu trong những lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, dịch vụ, nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Theo báo cáo của ILO, 66,2% lao động nhập cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Ngành công nghiệp chiếm 26,7% và nông nghiệp là 7,1%. Song lại có sự khác biệt đáng kể về giới tính nhân lực giữa các ngành này. Cụ thể, tỷ lệ nữ giới di cư cao hơn nam giới ở các ngành dịch vụ. Điều này có thể giải thích một phần do nhu cầu lao động ngày càng tăng đối với nhân viên chăm sóc, bao gồm cả công việc y tế và giúp việc gia đình. Trong khi nam giới lao động nhập cư chủ yếu tập trung nhiều hơn ở ngành công nghiệp và nông nghiệp, nhóm ngành đòi hỏi thể lực và chuyên môn cao.
Qua sự chênh lệch về khu vực cũng như giới tính nhân lực thể hiện rõ rệt trong báo cáo trên, bà Rafael Diez de Medina, Trưởng phòng Thống kê kiêm Giám đốc Cục Thống kê ILO đã đưa ra nhận định rằng các chính sách liên quan đến nhóm lao động nhập cư sẽ chỉ có hiệu quả nếu chúng dựa trên bằng chứng thống kê mạnh mẽ.
Theo bà, báo cáo này của ILO đã đưa ra các ước tính đúng đắn, dựa trên các phương pháp mạnh mẽ và dữ liệu đáng tin cậy, tích hợp các nguồn bổ sung hài hòa. Bên cạnh đó, bà cũng khẳng định rằng những chính sách hỗ trợ nhóm lao động nhập cư trên toàn thế giới có thể giúp các quốc gia phản ứng với sự thay đổi trong cung - cầu lao động; đồng thời kích thích sự đổi mới và phát triển bền vững, cũng như việc chuyển giao và cập nhật các kỹ năng cho cả hai giới thuộc nhóm lao động quan trọng này.
Thái Nghiên (Theo ILO)
Với chủ đề "Đột phá vì một Việt Nam hùng cường", Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là sự kiện gặp gỡ, đối thoại công tư quy mô quốc gia với những giải pháp đột phá cho những ngành trọng điểm, tạo lực đẩy cho sự hồi phục tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn đối mặt nhiều thách thức sau dịch bệnh. Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và có sự tham gia của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, Diễn đàn là lời hiệu triệu, tập hợp của cả hai khu vực công – tư để để phát triển nền kinh tế có sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư vượt khó do dịch bệnh, tạo sức bật cho giai đoạn mới.