24 giờ sau vụ bạo loạn làm rung chuyển thủ đô Brasilia của Brazil, các phóng viên Guardian tới thăm dinh Tổng thống và nhà Quốc hội, hai trong số ba tòa nhà bị hàng nghìn người biểu tình xông vào đập phá ngày 8/1.
Cuộc bạo loạn bị lực lượng an ninh dập tắt trong vài tiếng, nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho những cơ quan biểu tượng cho quyền lực nhà nước của Brazil, với cảnh tượng bên trong tan hoang "không thể tưởng tượng nổi".
Dinh Planalto, nơi làm việc của Tổng thống Brazil, và tòa nhà quốc hội đều là những viên ngọc kiến trúc, mang tầm nhìn quy hoạch đô thị hiện đại của Brazil trong tương lai. Nhưng vụ bạo loạn khiến hai tòa nhà "như vừa hứng chịu một thảm họa tự nhiên". Kính cửa sổ bị đập phá tan tành, đá cuội tại lối vào cũng bị xới tung.
"Chai lọ, mảnh kính và các đầu đạn cao su ở khắp nơi", một nhân viên dọn dẹp cho biết.
Trên tầng hai Dinh Planalto, đám đông đã vẽ thêm bộ ria mép màu xanh lên chân dung Công tước xứ Caxias, thủ tướng Brazil từ thế kỷ 19. Một kiệt tác trị giá hàng triệu USD của danh họa Emiliano Di Cavalcanti đã bị đâm 7 nhát.
Đám đông không xông vào được văn phòng của Tổng thống Lula, nhưng các phòng khác bị phá hoại nặng nề. Ghế bị ném khỏi cửa sổ, những kẻ bạo loạn thậm chí còn châm lửa đốt ghế sofa.
Ngay cả phòng họp báo trong tòa nhà cũng không thoát khỏi "cơn thịnh nộ" của hàng nghìn người biểu tình. Họ thậm chí còn tiểu tiện trong phòng họp báo trong tòa nhà.
"Toàn bộ nơi này bốc mùi bia và nước tiểu", một nhân viên vệ sinh kể lại thời điểm các quan chức trở lại tòa nhà và phát hiện cảnh tượng "không thể tưởng tượng nổi".
Tại nhà quốc hội, hành lang dẫn vào văn phòng của Chủ tịch Thượng viện Rodrigo Pacheco giống "một ngân hàng bị đột kích". Sàn nhà phủ đầy mảnh kính, một chiếc máy X-quang nằm lăn lóc, dây điện vương vãi. Hai chiếc máy tính trên bàn bị đập nát, lộ cả linh kiện bên trong.
Trong bảo tàng Thượng viện, những kẻ gây bạo loạn đã đập phá các tác phẩm mang giá trị lịch sử hàng trăm năm của Brazil, phớt lờ các tấm biển đề chữ "vui lòng không chạm vào các tác phẩm nghệ thuật". Họ còn rạch dao trên chân dung các cựu chủ tịch Thượng viện.
Bên ngoài tòa nhà, người biểu tình để lại các "tác phẩm nghệ thuật" của riêng họ, sơn vẽ những bức graffiti nguệch ngoạc, mang thông điệp yêu cầu quân đội ủng hộ Bolsonaro đảo chính.
Tòa nhà thứ ba bị xâm hại là Tòa án Tối cao. Lực lượng cảnh sát, nhân viên pháp y đang tìm kiếm dấu vân tay, manh mối, thậm chí có thể là bẫy mìn do những người biểu tình để lại.
Nhóm phóng viên không được phép vào trong tòa nhà này, nhưng những vết sơn màu trắng ở mặt tiền phần nào cho thấy cảnh hỗn loạn bên trong. "Tôi đã đến, tôi thắng", một khẩu hiệu có đoạn. "Các người thua rồi, lũ khốn".
Khi các phóng viên đến gần, một thành viên đội xử lý bom đã yêu cầu họ lùi lại. Đơn vị này đang tiêu hủy một thiết bị nổ tự chế, cách lối vào tòa nhà chỉ vài mét.
Vài phút sau, một tiếng nổ chói tai vang lên tại Quảng trường Tam quyền, nơi được coi là biểu tượng của sự hòa hợp chính trị giữa các nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp của Brazil.
"Thật đau lòng", một quân cảnh ở đó nói, cho biết một số đồng đội của anh đã bị thương trong vụ bạo loạn. "Hãy hy vọng những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước".
Đức Trung (Theo Guardian)