Hàng nghìn người ủng hộ cựu tổng thống Jair Bolsonaro ngày 8/1 xông vào các tòa nhà quan trọng bậc nhất Brazil gồm quốc hội, dinh Tổng thống và Tòa án Tối cao để yêu cầu giới chức xem xét lại "cuộc bầu cử tổng thống gian lận". Họ đốt thảm, đập phá đồ đạc và lục lọi các văn phòng làm việc của nghị sĩ, quan chức.
Cảnh sát thủ đô mất khoảng vài tiếng để đẩy lùi đám đông khỏi các tòa nhà, song vụ bạo loạn đã gây thiệt hại nghiêm trọng trong những cơ quan biểu tượng cho quyền lực nhà nước của Brazil, cũng như làm rung chuyển dư luận nước này và thế giới.
Cuộc bạo loạn được coi là bước leo thang mới nhất trong làn sóng biểu tình phản đối Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người vừa nhậm chức vào ngày 1/1. Khủng hoảng chính trị đã nhen nhóm từ hai tháng cuối năm ngoái, khi ông Bolsonaro không nhận thua trước đối thủ Lula da Silva trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 30/10/2022.
Trong phát biểu hiếm hoi sau đó về kết quả bỏ phiếu, ông Bolsonaro đổ lỗi cho hệ thống chính trị về thất bại của mình, kêu gọi người dân định đoạt vận mệnh đất nước và thuyết phục quân đội can thiệp.
"Các lực lượng vũ trang đều đoàn kết và trung thành với người dân. Nhân dân sẽ quyết định các lực lượng vũ trang cần hành động ra sao", ông nói trước tư dinh vào đầu tháng 12/2022. Đến cuối tháng 12, ông lên đường sang Mỹ, chỉ hai ngày trước khi ông Lula da Silva nhậm chức.
Ở trong nước, những người ủng hộ ông Bolsonaro vẫn tin rằng bầu cử tổng thống xảy ra gian lận. Đây là cáo buộc mà Bolsonaro liên tục đưa ra trong vài năm qua, chỉ trích "giới tinh hoa chính trị" nước này tìm cách giành quyền lực từ người dân, dù ông không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào về vi phạm bầu cử.
Trên thực tế, đảng Tự do (PL) của cựu tổng thống Brazil đã bị cơ quan tổ chức bầu cử liên bang bác đơn khiếu nại, kèm theo mức phạt 4,4 triệu USD với cáo buộc đảng cánh hữu gây rối loạn "với dụng ý xấu".
Tuy nhiên, những người ủng hộ Bolsonaro vẫn liên tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối kết quả bầu cử suốt hai tháng qua, tập trung ở các thành phố lớn. Họ dựng trại trước các căn cứ quân sự, gây sức ép để quân đội can thiệp.
Thông điệp kêu gọi quân đội đảo chính đã xuất hiện trong cuộc bạo loạn ngày 8/1. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy người biểu tình sau khi xông vào tòa nhà quốc hội đã treo tấm biểu ngữ khổ lớn: "Quân đội. Can thiệp".
Sau khi Tổng thống Lula da Silva nhậm chức, các thông điệp kêu gọi biểu tình đã được phát tán trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đến sáng 8/1, đám đông tham gia cuộc tuần hành ôn hòa tại Quảng trường Tam Quyền, trước tòa nhà Quốc hội Brazil, Tòa án Tối cao và dinh Tổng thống.
"Cảnh sát địa phương ban đầu điều phối và giám sát đám đông hoàn toàn ôn hòa. Một lúc sau, cuộc tuần hành đột ngột mất kiểm soát và đám đông tràn vào quốc hội", Carlos de Souza, phóng viên tờ Correio Braziliense của Brazil, thuật lại diễn biến ở quảng trường.
Cảnh sát thủ đô đã huy động lực lượng tăng viện tìm cách giải tán đám đông bằng đạn cao su, bình xịt hơi cay và lựu đạn cay, trong khi hai trực thăng quần thảo trên bầu trời. Quân đội Brazil sau đó được yêu cầu hỗ trợ giành lại kiểm soát các tòa nhà bằng biện pháp không gây sát thương.
Bộ trưởng Tư pháp Brazil Flavio Dino vào cuối năm 2022, trong giai đoạn chờ hoàn tất chuyển giao quyền lực giữa hai chính quyền, đã cảnh báo về nguy cơ bất ổn từ những người biểu tình cực đoan phản đối kết quả bầu cử.
Mối lo ngại an ninh càng lớn hơn sau khi cảnh sát phát hiện một quả bom tự chế trong xe chở nhiên liệu gần sân bay thủ đô. Nghi phạm được xác định là một người đàn ông 54 tuổi, thành viên trại biểu tình ở Brasilia, nơi được đánh giá là trại biểu tình cực đoan nhất của lực lượng cánh hữu. Người này sau khi bị bắt đã thừa nhận muốn tạo hỗn loạn xã hội để ép quân đội trực tiếp can thiệp vào chính trị.
"Những khu trại này, tự nhận là nơi tập trung 'người yêu nước', thực chất đã trở thành lò ấp khủng bố. Chúng ta sẽ không khoan hồng cho khủng bố, lẫn bất kỳ ai ủng hộ và tài trợ cho chúng", Dino nhấn mạnh.
Tổng thống Lula da Silva ngày 8/1 công khai lên án người tiền nhiệm "châm ngòi" cuộc bạo loạn bằng những tuyên bố sai sự thật suốt thời gian qua. "Ông ấy đã liên tục công kích cả ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp). Ông ấy phải chịu trách nhiệm cho sự kiện lần này", Tổng thống Brazil tuyên bố.
Trong khi đó, ông Bolsonaro bác bỏ những cáo buộc từ chính quyền đương nhiệm, cho rằng phát biểu của Tổng thống Lula da Silva là "vô căn cứ". Ông chỉ trích những thành phần quá khích gây nên cuộc bạo loạn, song khẳng định biểu tình ôn hòa là một phần không thể thiếu của mô hình dân chủ ở Brazil.
Trong ngày lên đường sang Mỹ, ông Bolsonaro đã gửi thông điệp đến những người ủng hộ mình, kêu gọi họ chấp nhận chính quyền mới vì Brazil là quốc gia theo mô hình dân chủ và kết quả bầu cử cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lời kêu gọi của cựu tổng thống đã quá muộn. Tâm lý hoài nghi kết quả bầu cử đã ăn sâu vào bộ phận cử tri cánh hữu tại Brazil. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn sau khi ông Bolsonaro sang Mỹ. Hàng nghìn người trong trại biểu tình ở Brasilia thậm chí vẫn tin rằng ông Bolsonaro đã đạt được thỏa thuận với quân đội nhằm bí mật ngăn ông Lula da Silva nắm quyền.
"Chúng tôi cần tái lập trật tự sau cuộc bầu cử gian lận. Tôi ở đây để làm nên lịch sử, để bảo vệ tương lai các con tôi", Lima, 27 tuổi, một người biểu tình cánh hữu tham gia sự kiện ngày 8/1, tuyên bố.
Tổng thống Brazil đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp, có hiệu lực đến ngày 31/1, cho phép chính quyền liên bang áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" để tái lập trật tự trị an cho thủ đô. Cơ quan điều tra chưa công bố kết luận sơ bộ liệu vụ bạo loạn có được lên kế hoạch từ trước hay không và cá nhân, tổ chức nào cần chịu trách nhiệm.
Khi Tổng thống Lula da Silva phát biểu nhậm chức vào ngày 1/1, ông đã tuyên bố sứ mệnh lớn nhất của chính quyền mới sẽ là củng cố đoàn kết cho Brazil, quốc gia lớn nhất khu vực Mỹ Latin. Nhưng vụ bạo loạn ở Quảng trường Tam Quyền giữa thủ đô Brasilia đã cho thấy sứ mệnh mà ông theo đuổi trong đang đối diện thách thức rất lớn, theo bình luận viên Bryan Harris và Michael Pooler của Financial Times.
Thanh Danh (Theo Finacial Times, AFP, BBC)