Lộ trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước từ nay đến 2020 được đại diện Chính phủ Việt Nam chia sẻ tại các diễn đàn hợp tác đầu tư quốc tế giữa tuần qua. Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam ngày 3/12, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết đến năm 2020, số lượng doanh nghiệp trong khu vực này sẽ giảm còn koangr 300, thay vì hơn 1.200 đơn vị hiện nay. Còn tại Diễn đàn Quan hệ đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) diễn ra 2 ngày sau đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong năm 2014 - 2015 sẽ cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp Nhà nước, số còn lại sẽ được tiến hành trong giai đoạn tiếp theo.
"Trong đó cổ phần hóa 1 tập đoàn kinh tế, 5 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90", người đứng đầu Chính phủ phát biểu. Từ năm 1990, cả nước đã cổ phần hóa được 11.000 doanh nghiệp, đến nay còn gần 1.100 doanh nghiệp Nhà nước.
Trao đổi với VnExpress.net, tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định với lộ trình như trên, đóng góp của khu vực Nhà nước sẽ giảm còn khoảng 20% GDP vào năm 2015. Trước đó, cơ quan này cũng đề xuất phải giảm đóng góp của khu vực quốc doanh trong nền kinh tế, song mức giảm sẽ cần phải "nặng" hơn con số ông Kiên đưa ra.
"Đóng góp của khu vực doanh nghiệp Nhà nước vào GDP chỉ nên ở mức 15-17% vào năm 2015, và xuống dưới 10% vào năm 2020 như hầu hết các nước trên thế giới", báo cáo của Ủy ban kinh tế phát hành cuối tháng 11 cho hay.
Hiện tại, doanh nghiệp Nhà nước đóng góp trên 33% GDP. Tính toán cho thấy, với quy mô nền kinh tế khoảng 176 tỷ USD, đóng góp của khu vực này khoảng 58 tỷ USD. Đến năm 2015, căn cứu mức tăng trưởng kế hoạch 6%, tổng GDP Việt Nam ước lên khoảng 197 tỷ USD. Như vậy, 20% GDP của khu vực doanh nghiệp Nhà nước sẽ tương đương gần 40 tỷ USD, tức giảm 18 tỷ USD so với hiện nay.
Trước đó, nhiều ý kiến đã quan ngại việc khu vực Nhà nước đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. "Khu vực doanh nghiệp Nhà nước có quy mô lớn dẫn đến hiện tượng chèn ép khu vực tư nhân", tiến sĩ Đinh Tuấn Minh - thành viên nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế đánh giá. Ông Preben Hjortlund - Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng bày tỏ sẽ không đáng lo ngại nếu khu vực Nhà nước không được hưởng ưu đãi nhiều hơn các thành phần khác thông qua các khoản vay, tiếp cận đất đai, lợi nhuận thấp...
Thực sự, trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tiến sĩ Đinh Tuấn Minh cũng chỉ ra dù nắm giữ nhiều nguồn lực hơn các khu vực khác nhưng hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế. Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, vị này cho rằng doanh nghiệp Nhà nước phải sử dụng tới 2,2 đồng vốn để tạo ra một đồng doanh thu năm 2009, cao hơn mức trung bình của toàn bộ doanh nghiệp Việt Nam là 1,5 đồng.
Song song với giảm quy mô, các chuyên gia cũng khuyến nghị cần công khai, minh bạch hơn nữa hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, đảm bảo sự công bằng với khối ngoài quốc doanh. "Hiện các doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng được sự mong mỏi về công khai, minh bạch thông tin", ông Kiên nhận định.
Ông cho rằng, thời gian tới khu vực này phải tuân thủ chế độ quản trị hiện đại, tức phải hạch toán đầy đủ như các thành phần kinh tế khác, tách bạch giữa việc kinh doanh với thực hiện các nghĩa vụ được Nhà nước giao.
Trước vấn đề này, phát biểu kết thúc VDPF 2013, Thủ tướng khẳng định sẽ thực hiện công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, tập trung tái cơ cấu để khu vực này thực sự hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Phương Linh