Từ hơn 25 triệu năm trước, Ấn Độ, từng là một đảo riêng biệt trên Ấn Độ Dương, đã có xu hướng va chạm với mảng lục địa châu Á. Tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa hiện ở mức khoảng 4 cm mỗi năm. Tiến trình này tạo nên dãy núi hùng vĩ nhất thế giới Himalaya, nhưng đi kèm với nó là cả những trận động đất có sức mạnh kinh hoàng.
Chuyên gia đã cảnh báo với những người dân sống ở thung lũng Kathmandu về nguy cơ động đất suốt nhiều thập kỷ. Vì thế, trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra hôm 25/4 vừa qua tại Nepal khiến hơn 3.200 người thiệt mạng được coi là một thảm hoạ "có thể biết trước", theo New York Times.
Những số liệu đo đạc bởi cơ quan địa lý trong vùng cho thấy có nguy cơ xảy ra chấn động mạnh. Chấn động này khiến những công trình xây dựng vốn đã thiếu chắc chắn ở Nepal không thể trụ vững.
GeoHazards International (GI), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Menlo Park, California, Mỹ, nhằm giúp đỡ những người nghèo sống tại các vùng dễ bị ảnh hưởng như Nepal chuẩn bị đối phó với thảm họa, đã lưu ý rằng những trận động đất như vậy có khả năng xảy ra theo chu kỳ khoảng 75 năm một lần tại khu vực này.
"Với tốc độ tăng dân số khoảng 6,5% mỗi năm và là nơi có mật độ dân cư thành phố cao nhất thế giới, 1,5 triệu dân sống tại thung lũng Kathmandu sẽ đối mặt với mối hiểm họa rõ ràng và không ngừng gia tăng về nguy cơ xảy ra động đất", báo cáo vừa được đưa ra tháng này của GI cảnh báo.
Năm 1934, trận động đất mạnh 8,1 độ Richter xảy ra ở phía đông Nepal, cách núi Everest khoảng 10 km về phía nam, cũng đã cướp đi sinh mạng của khoảng 10.000 người.
Theo Brian Tucker, chủ tịch kiêm người sáng lập của tổ chức GI, nếu trận động đất năm 1934 xảy ra tại thời điểm hiện tại, số người thiệt mạng sẽ lên tới khoảng 40.000 người bởi làn sóng di cư đến các thành phố lớn rất cao. Thêm vào đó, các toà nhà yếu ớt, thiếu vững chắc tại đây chắc chắn sẽ sụp đổ.
Trận động đất tại phía tây bắc thung lũng Kathmandu xảy ra khá nông, chỉ khoảng 14,4 km dưới mặt đất, tạo nên những rung chấn rất mạnh ở bề mặt. Tuy nhiên, trận động đất này sản sinh ra ít năng lượng hơn so với cơn địa chấn năm 1934.
Cả thành phố trượt dài ba mét
Roger Bilham, giáo sư về khoa học địa chất tại trường đại học Colorado, người đang nghiên cứu về lịch sử của những trận động đất xảy ra tại Nepal, cho biết những rung chấn trong một đến hai phút đã "kéo cả thành phố Kathmandu trượt về phía nam khoảng ba mét".
Kathmandu và thung lũng bao quanh nằm trên một lòng hồ cạn nước cổ đại. Điều này khiến những ảnh hưởng do động đất gây ra càng trở nên trầm trọng hơn.
"Đất ở đây rất yếu, vì thế nó góp phần khuếch đại rung chấn", giáo sư Tucker cho hay.
Một số chuyên gia cho rằng cơn địa chấn hôm 25/4 là khởi đầu cho một trận động đất khác còn lớn hơn. Nhưng ông Bilham đã bác bỏ suy đoán trên.
Kathmandu không phải là nơi duy nhất mà các nhà khoa học dự đoán sẽ xảy ra những trận động đất cường độ lớn. Tiến sĩ Tucker nhận định một số nơi khác trên thế giới như Tehran, Haiti, Lima, Peru và Padang, Indonesia, là những nơi dễ xảy ra các trận động đất tương tự.
Tại những địa điểm này, các đứt gãy kiến tạo rất phức tạp. Thêm vào đó, tiêu chuẩn an toàn xây dựng thấp cùng công tác chuẩn bị đối phó với thảm họa còn yếu kém là nguyên nhân khiến thiệt hại có thể gia tăng nếu động đất xảy ra.
Trọng Nghĩa