Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin trận động đất xảy ra khoảng 14h50 hôm nay (18h50 giờ Hà Nội), có thể cảm thấy chấn động dọc theo bờ biển phía tây Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực tây bắc Marmara.
Cơ quan Kiểm soát Thảm họa và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết trận động đất mạnh khoảng 6,6 độ, tâm chấn nằm ở độ sâu 16 km, cách bờ biển tỉnh Izmir, phía tây nước này khoảng 17 km. Trong khi đó, Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo cường độ động đất là 7, độ sâu tâm chấn là 10 km, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ 33,5 km và nằm gần đảo Samos của Hy Lạp.
Giới chức Samos, hòn đảo với dân số khoảng 45.000 người, cảnh báo nguy cơ sóng cao và khuyến cáo dân chúng tránh xa các khu vực ven biển. "Đây là trận động đất rất lớn và khó xảy ra địa chấn lớn hơn", Efthymios Lekkas, người đứng đầu tổ chức chuyên lập kế hoạch đối phó động đất của Hy Lạp, nói trên kênh Skai TV.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ít nhất 20 tòa nhà tại Izmir bị sập trong trận động đất và một số người đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các tuyến phố ở Izmir bị ngập do nước biển dâng. Thành phố Istanbul, nơi cảm nhận được rung chuyển từ trận động đất, chưa ghi nhận thông tin tiêu cực nào, thống đốc Ali Yerlikaya cho biết.
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã điện đàm sau vụ động đất. "Các ngoại trưởng nhấn mạnh hai nước sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp cần thiết", Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ra thông cáo cho hay. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ankara và Athens xoay quanh quyền khai thác dầu khí ở phía đông Địa Trung Hải chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm tại một trong những khu vực xảy ra động đất mạnh nhất thế giới. Trận động đất mạnh 7,4 độ ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999 khiến 17.000 người thiệt mạng, bao gồm 1.000 dân Istanbul. Trận động đất năm 2011 tại tỉnh Van, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng khiến hơn 600 người chết.
* Tiếp tục cập nhật
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)