Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua gây xôn xao dư luận khi đưa ra đề xuất "hoãn bầu cử cho đến khi người dân có thể bỏ phiếu đúng cách, an toàn và đáng tin cậy". Lý do ông đưa ra là hình thức bỏ phiếu qua thư, vốn được nhiều bang khuyến khích để chống Covid-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gian lận, có thể biến cuộc bầu cử 2020 thành "nỗi xấu hổ lớn đối với nước Mỹ".
Theo bình luận viên Alexander Burns của NY Times, Trump hiểu rõ rằng không tổng thống Mỹ nào đủ thẩm quyền hoãn bầu cử liên bang. Hiến pháp Mỹ ấn định thời gian bầu cử từ thế kỷ 19, cũng như ngày kết thúc không thể thay đổi của nhiệm kỳ tổng thống. Chỉ có quốc hội mới có quyền quyết định về thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử.
Bởi vậy, Burns cho rằng đây chỉ là một chiêu "tung hỏa mù" của Trump, bởi ông biết rõ đề xuất này sẽ không bao giờ được phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện chấp thuận. Ngay cả Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Cộng hòa ở Thượng viện, cũng khẳng định sẽ không thay đổi ngày bầu cử.
William Weld, cựu thống đốc bang Massachusetts thuộc đảng Cộng hòa, cho rằng đoạn tweet của Trump là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ đang bối rối và thiếu tự tin trước thực trạng đất nước mà ông đang lãnh đạo, đặc biệt là khi Covid-19 đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế nghiêm trọng.
"Quá nhiều người đã chết và nền kinh tế đang rơi tự do, nhưng phản ứng của ông ấy là gì? Hoãn bầu cử. Đó là dấu hiệu của tâm lý không muốn đối diện với thực tế", Weld nói.
Đề xuất được Trump đưa ra ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ báo cáo kinh tế nước này giảm 32,9% trong quý hai, mức sụt giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1947 trong bối cảnh Covid-19 gây thiệt hại nghiêm trọng. Đây được cho là đòn giáng mạnh mẽ vào nỗ lực tái tranh cử của Trump, khi "vũ khí" đắc lực giúp ông lấy lòng cử tri chịu tổn hại nặng nề.
Bình luận viên Burns cho rằng giữa lúc cơn suy thoái kinh tế bủa vây hàng triệu người Mỹ, bất cứ tổng thống nào cũng phải gánh vác nhiệm vụ lãnh đạo chính quyền và đưa ra phản ứng mạnh mẽ với khủng hoảng.
Nhưng thay vào đó, Trump đã vắng mặt trong các cuộc thảo luận khôi phục kinh tế tuần này, ngay cả khi một khoản trợ cấp thất nghiệp quan trọng sắp hết hạn. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cũng cảnh báo quá trình phục hồi của Mỹ đang bị chậm trễ.
Trên lĩnh vực y tế, thay vì thể hiện sự lãnh đạo rõ ràng và nhất quán về an toàn cộng đồng, trong bối cảnh hơn 155.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19, Trump lại đưa ra những thông điệp thiếu nhất quán và thiếu căn cứ khoa học.
Ông vẫn quảng bá cho hydroxychloroquine, thuốc sốt rét chưa được chứng minh hiệu quả chống Covid-19, đồng thời yêu cầu nhanh chóng mở cửa lại trường học và doanh nghiệp, ngay cả khi ông tuyên bố khó có thể tổ chức một cuộc bầu cử an toàn.
Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ không ngay lập tức kêu gọi ngăn chặn ý tưởng hoãn bầu cử của Trump, hoặc một lần nữa nỗ lực thúc đẩy xem xét bãi nhiệm Tổng thống. Các lãnh đạo phe Dân chủ đều bày tỏ phẫn nộ, nhưng hầu hết đồng tình rằng phản ứng của Trump chỉ nên được coi là "sự cùng đường", thay vì ý định thay đổi ngày bầu cử thực sự.
Đáp lại dòng tweet của Trump, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ đơn giản dẫn lại quy định trong hiến pháp rằng quốc hội, không phải tổng thống, mới có quyền ấn định ngày bầu cử quốc gia. Nghị sĩ Dân chủ Zoe Lofgren, chủ tịch ủy ban giám sát bầu cử của quốc hội, cũng ám chỉ phát ngôn của Trump chỉ là biểu hiện của việc ông không thể kiểm soát được nCoV.
"Chỉ quốc hội mới có thể thay đổi ngày bầu cử. Bất chấp mọi tình huống, chúng tôi sẽ không cân nhắc làm như vậy để cứu vãn phản ứng bất lực và tùy hứng của Tổng thống với đại dịch, hoặc khiến mọi người tin vào những lời nói dối và thông tin sai lệch mà ông ấy truyền bá về cách người Mỹ có thể bỏ phiếu an toàn", Lofgren cho hay.
Sau bài đăng của Trump, một số thành viên đảng Cộng hòa né tránh câu hỏi của các phóng viên, trong khi nhiều người thẳng thừng bác bỏ ý tưởng của Tổng thống. "Cuộc bầu cử chắc chắn sẽ diễn ra ở New Hampshire vào ngày 3/11. Hết", Chris Sununu, thống đốc New Hampshire, viết trên Twitter.
"Kể từ năm 1845, chúng ta đã luôn tổ chức bầu cử vào ngày thứ ba đầu tiên sau ngày 1/11 hàng năm và năm nay cũng vậy", thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio cho biết. Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại hạ viện và là một trong những đồng minh trung thành nhất của Trump trong quốc hội, cũng có chung quan điểm.
Tuy nhiên, một số đồng minh của Trump vẫn không trực tiếp phản bác Tổng thống. Trong một phiên điều trần tại thượng viện, khi được hỏi liệu ông có tin việc tổng thống hoãn bầu cử là hợp pháp hay không, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đáp rằng ông "sẽ không đưa ra nhận xét pháp lý về vấn đề", mà đây là việc của Bộ Tư pháp.
Theo bình luận viên Burns, bài đăng của Trump về bầu cử cho thấy sự đơn độc của ông trong chính quyền cũng như công chúng. "Ngoài việc không vạch ra được phản ứng toàn quốc đáng tin cậy nhằm đối phó Covid-19, ông ấy cũng không làm tròn nhiệm vụ lâu nay của một Tổng thống là xoa dịu đất nước trong những thời khắc đáng lo sợ và đau buồn", Burns nêu ý kiến.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến lên tiếng bênh vực Trump. JR Romano, chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Connecticut, cho rằng bang này đã hai lần điều chỉnh kế hoạch bỏ phiếu sơ bộ vì Covid-19, nên đề xuất hoãn ngày bầu cử liên bang vì đại dịch là có thể hiểu được.
Ông cũng cho rằng những sai sót trong hình thức bỏ phiếu qua thư có thể khiến một số cử tri Connecticut bị tước quyền bầu cử hợp pháp. "Đề xuất của Tổng thống không khác là mấy so với những gì phe Dân chủ từng đưa ra. Để đảm bảo phiếu bầu của ai cũng được tính, hệ thống thu thập phiếu bầu phải trong sạch. Trong tình hình hiện nay, khi nhiều bang hối hả áp dụng phương thức này, sự trong sạch đó sẽ không được đảm bảo", Romano nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)