Các đề xuất đầu tiên về Euro 7 được đưa ra bởi nhóm tư vấn về tiêu chuẩn khí thải phương tiện giao thông của EU vào tháng 10/2020, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA). Nếu dòng động cơ đốt trong bị khai tử vào năm 2026, tức sẽ sớm hơn 4 năm so với thời điểm mà Anh đã quyết định sẽ dừng bán ôtô động cơ xăng, dầu.
ACEA tin rằng các kịch bản hạn chế mức khí thải cùng những điều kiện thử nghiệm mới, có thể tạo ra kết quả thực tế với tình huống rất giống việc cấm ôtô động cơ đốt trong, gồm cả xe hybrid.
Đứng trước Euro 7, từ những dòng xe cỡ nhỏ, giá cả phải chăng, đến xe hiệu suất cao và những loại xe khác đều bị đe dọa.
Cũng theo các đề xuất, dòng xe động cơ đốt trong tương lai có thể phải lắp một ống xả "siêu xúc tác khí thải" đa cấp. Ngoài ra, ôtô cũng có thể phải trang bị hệ thống chẩn đoán nhằm giám sát động cơ để đảm bảo thiết bị hoạt động đúng theo các quy định khí thải trong tổng quãng đường 241.000 km.
ACEA tin rằng những thiết bị như trên không thể sử dụng trên các mẫu xe cỡ nhỏ và rất khó tích hợp trên kết cấu xe hơi hiện nay. Điều này cũng có nghĩa ôtô động cơ đốt trong sẽ trở nên đắt hơn.
Các giải pháp kỹ thuật được thiết kế để đạt các mức phát thải siêu thấp đối với nitơ oxit (NOx), kết hợp với những hạn mức rất nghiêm ngặt đối với nitơ đi-oxit (NO2) và amoniac (NH3), sẽ rất tốn kém và cực kỳ phức tạp, như ACEA từng nói khi thảo luận về ý tưởng sử dụng bộ "siêu xúc tác".
Từ đầu năm nay, tiêu chuẩn Euro 6d (cho động cơ diesel) bắt buộc các phương tiện phát thải không quá 80 mg/km, trên thử nghiệm cũng như trong điều kiện thực tế. Mức này không bao gồm biên độ sai số trên các đơn vị đo lượng khí thải di động, ước tính tối đa là 34,4 mg/km .
Trong khi đó, một tài liệu cho thấy Euro 7 sẽ đẩy mức NOx giảm xuống còn 30 miligam/km (tiêu chuẩn phát thải trong không khí mg/km). Theo tiêu chuẩn ngày nay, mức này còn thấp hơn biên độ sai số thấp nhất được thấy trên các hệ thống đo khí thải di động.
Mỹ Anh (theo Autocar)