Theo thông cáo ngày 19/11 của Ủy hội sông Mekong (MRC), nguyên nhân hạn hán là do hầu hết các khu vực ở lưu vực sông Mekong không có mưa hoặc mưa ít, gió mùa bắt đầu muộn và kết thúc sớm, hiện tượng El Nino làm nhiệt độ cao bất thường, nước bốc hơi với lượng lớn.
Trong số 4 nước, Thái Lan và Campuchia có thể bị hạn hán nghiêm trọng nhất, so với Lào và Việt Nam. Tại đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam, không có chỉ số về hạn hán nhưng xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến nông nghiệp. Tình hình sẽ được cải thiện từ tuần thứ hai của tháng 1/2020, khi lượng mưa dự kiến tăng lên.

Tình trạng hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam vào giữa năm 2019. Ảnh: TS.
"Năm nay thời tiết khô hạn kéo dài có thể tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp và mùa vụ. Nếu hạn hán vẫn tiếp tục, tình trạng thiếu nước tiêu dùng có thể xảy ra", Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, Giám đốc Trung tâm Quản lý lũ lụt và hạn hán khu vực của Ban Thư ký MRC, nói.
Hạn hán trong năm 2019 đã khiến mực nước sông Mekong xuống mức thấp nhất trong gần 60 năm qua. Hầu hết các khu vực ở lưu vực có lưu lượng dòng chảy rất thấp kể từ tháng 6.
Hội đồng MRC, cơ quan quản trị cấp bộ trưởng của MRC, tuần tới sẽ có cuộc họp thường niên tại Phnompenh, Campuchia, bàn về hạn hán. MRC và Trung tâm Hợp tác tài nguyên nước Lan Thương của Trung Quốc sẽ chuẩn bị nghiên cứu chung về hạn hán, hướng tới tăng cường chia sẻ thông tin và dữ liệu, cải thiện liên lạc và phối hợp vận hành hồ chứa.