Tính đến 12/4, Tây Ban Nha mất 350 người trên một triệu dân số vì Covid-19, con số này ở Italy là 322, Bỉ 314, Pháp 202 và Anh 145, theo Đại học Johns Hopkins. Trong khi đó, Romania mất 15 người, Cộng hòa Czech 12, Ba Lan 5 và Slovakia 0,4.
Lý do cho sự trái ngược này là các quốc gia nghèo hơn ở Trung và Đông Âu ý thức được rằng hệ thống chăm sóc sức khỏe tương đối yếu của họ sẽ bị Covid-19 lấn át. Vì vậy, họ ra quyết định cách biệt cộng đồng và hạn chế di chuyển nhanh chóng hơn.
Các chuyên gia y tế công cộng cho rằng tốc độ và sự quyết đoán của họ đã đóng vai trò rất quan trọng vì khu vực này có dân số già hơn và ít bác sĩ hơn so với Tây Âu. Các bệnh viện không đủ trang thiết bị để đối phó với "cơn lũ" bệnh nhân nặng.
Ngoài ra, nCoV cũng xuất hiện tại Đông Âu muộn hơn vì khu vực này đón ít lưu lượng khách xuyên lục địa hơn so với Tây Âu. Khi nCoV đang lây lan, người Đức vẫn tổ chức lễ hội Carnival, người Italy đổ xô đến các trận bóng đá còn người Anh vẫn đến các buổi biểu diễn ca nhạc. Tại Mỹ, nhiều người đổ về các bãi biển Vùng Duyên hải Vịnh Mexico trong kỳ nghỉ xuân. Những hoạt động này sau đó được chứng minh là "sự kiện siêu lây nhiễm".
Anh không phong tỏa toàn quốc cho đến ngày 24/3, sau khi đã ghi nhận hơn 8.000 ca nhiễm và 422 ca tử vong. Ngược lại, Cộng hòa Czech đóng cửa trường học và biên giới vào ngày 12/3, chưa đầy hai tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại nước này. Vào thời điểm đó, họ mới báo cáo khoảng 100 ca nhiễm.
Cùng ngày, Slovakia tuyên bố tình trạng khẩn cấp, 6 ngày sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Hôm sau, Ba Lan đóng cửa biên giới, quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm, khi ghi nhận 17 ca nhiễm sau 9 ngày dịch bùng phát.
"Chúng tôi chắc chắn rằng hệ thống bệnh viện không đủ sức chống đỡ", Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtěch nói. "Chúng tôi phải ứng phó sớm".
Vào ngày thủ đô Prague của Cộng hòa Czech phong tỏa, Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với người dân rằng họ có thể tiếp tục tham dự các sự kiện thể thao lớn. Hai ngày trước đó, Tổng thống Mỹ Trump nói "chúng tôi đã chuẩn bị và chúng tôi đang xử lý rất tốt. Virus rồi sẽ biến mất. Hãy bình tĩnh".
Tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo ngày 2/3 khoe thành phố có hệ thống y tế tốt nhất thế giới, cho rằng "tình hình tại đây sẽ không trở nên tồi tệ như các nước khác". Đến ngày 20/3, bang New York mới yêu cầu người dân ở nhà, khi thành phố New York đã ghi nhận 15.000 ca nhiễm, ba tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên.
Ở Tây Âu và Mỹ, "người ta tin rằng các xã hội sở hữu công nghệ cao và hệ thống y tế tốt có thể đối phó bất cứ điều gì. Điều đó tạo ra ảo tưởng rằng họ sẽ có thời gian và công cụ để chống lại đại dịch bất ngờ", Sławomir Dębski, giám đốc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan, trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Warsaw, nói
Các quốc gia Đông Âu sẵn sàng áp đặt các biện pháp giám sát mạnh tay. Ba Lan yêu cầu người nghi nhiễm nCoV tải ứng dụng để báo cáo nơi họ ở. Cảnh sát đến kiểm tra những người bị nghi vi phạm quy định cách ly, dựa vào dữ liệu định vị. Slovakia phê duyệt đạo luật cho phép chính phủ thu được dữ liệu cá nhân từ dịch vụ viễn thông để phục vụ mục đích truy dấu chuỗi lây nhiễm. Bắc Macedonia, quốc gia vùng Balkan, đang thực hiện lệnh giới nghiêm theo độ tuổi. Người trên 67 tuổi bị thu hồi thẻ giao thông công cộng miễn phí và không được phép rời nhà sau buổi trưa.
Tây Âu vẫn còn đang tranh luận về các ứng dụng như vậy do lo ngại về quyền riêng tư. Tuy nhiên, một số nhà dịch tễ học cho rằng chúng là các biện pháp cần thiết để hạn chế lây nhiễm.
Các quốc gia đã ban lệnh phong tỏa sớm hơn giờ đang dần khởi động lại cuộc sống bình thường. Họ chọn phương án "sống chung với lũ", nới lỏng phần nào hạn chế nhưng phải đảm bảo không để nCoV lây lan vượt quá mức bệnh viện có thể xử lý. Tuy nhiên, giới chức y tế cảnh báo số ca nhiễm mới có thể tăng mạnh trở lại, khiến chính quyền lại phải áp "vòng kiềm tỏa".
Đầu tuần trước, Cộng hòa Czech bắt đầu nới lỏng phong tỏa, cho phép các cửa hàng và sân tennis mở trở lại. Nhưng các lãnh đạo Czech cho biết họ có thể đóng cửa một phần biên giới trong hai năm để tránh "làn sóng lây nhiễm thứ hai". Biện pháp này sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại trong EU.
Ba Lan bắt đầu nới phong tỏa trong tuần này. Slovakia có thể sớm ra động thái tương tự. Các nhà máy sản xuất xe hơi của nước này đã mở cửa trở lại vào tuần trước.
Không quốc gia nào trong số này ban đầu chuẩn bị đầy đủ để xử lý khủng hoảng, các nhân viên y tế đã phàn nàn trên mạng xã hội về nguồn vật tư ít ỏi. Tuy nhiên, họ đã tránh được tình cảnh hỗn loạn đang diễn ra tại các bệnh viện ở New York, Pháp và Tây Ban Nha.
Dębski nhắc đến tiểu thuyết "Dịch hạch" của Albert Camus như một ví dụ về cách thế giới phương Tây mất cảnh giác trước đại dịch. Nhân vật chính của truyện không còn lo sợ về dịch hạch vì tự tin vào tiến bộ công nghệ.
"Cuối cùng thì hóa ra niềm tin vào tiến bộ của chính mình sẽ không bảo vệ bạn trước một căn bệnh mới", Dębski nói.
Phương Vũ (Theo WSJ)