Đây là ba nước nhanh chóng phản ứng với Covid-19 và gặt hái thành quả. Vào thời điểm Áo ban lệnh phong tỏa hồi giữa tháng 3, số ca nhiễm nCoV tại nước này cứ ba ngày lại tăng gấp đôi. Giờ đây, ca nhiễm mới đang giảm dần từng ngày và thời gian để tổng số bệnh nhân tăng gấp đôi là hai tuần rưỡi.
"Áo đã hành động nhanh, dứt khoát hơn các quốc gia khác và ngăn chặn được điều tồi tệ nhất. Tình hình này cũng giúp chúng tôi có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhanh chóng hơn", Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, trong bối cảnh nước này cùng Đan Mạch và Czech chuẩn bị nới lỏng những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mà họ áp dụng gần một tháng qua nhằm ngăn nCoV lây lan.
Theo bình luận viên Katrin Bennhold của NY Times, các chính phủ châu Âu đang khao khát mang lại niềm hy vọng cho công dân của họ, đồng thời tái khởi động nền kinh tế trì trệ vì đại dịch. Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo các nước có nguy cơ đối mặt làn sóng nhiễm và tử vong vì nCoV thứ hai.
Mối đe dọa từ Covid-19 khiến nhiều nước chần chừ công bố thời gian biểu cụ thể của các chính sách. Ủy ban châu Âu cũng từ bỏ kế hoạch đưa ra lộ trình chấm dứt những biện pháp hạn chế, sau khi một số nước nhấn mạnh động thái như vậy sẽ gửi đi thông điệp nguy hiểm tại thời điểm hàng triệu người đang được yêu cầu ở nhà.
Hans Kluge, giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 8/4 cảnh báo rằng bất chấp "những tín hiệu tích cực", vẫn còn quá sớm để rút lại các biện pháp kiểm dịch.
"Bây giờ chưa phải lúc nới lỏng các biện pháp, mà là thời điểm để chúng ta một lần nữa tăng gấp đôi, gấp ba những nỗ lực tập thể nhằm hướng tới ngăn chặn đại dịch, với toàn bộ sự hỗ trợ của xã hội", ông phát biểu trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, bình luận viên Bennhold giải thích thông điệp từ lãnh đạo các nước như Áo và Đan Mạch về giai đoạn tiếp theo của đại dịch không phải là trở lại cuộc sống bình thường, mà là học cách "sống chung với lũ", có thể trong thời gian dài.
"Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm", Thủ tướng Kurz cho biết khi công bố "từng bước hồi sinh nền kinh tế". Trong khi đó, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen so sánh tình huống hiện nay như đi trên dây. "Nếu đứng yên có thể ngã, nếu đi quá nhanh sai lầm có nguy cơ xảy ra. Chúng tôi chưa biết khi nào mới trở lại được mặt phẳng vững chắc", bà nói.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng thế giới chỉ nên hy vọng trở lại cuộc sống bình thường sau khi có vaccine phòng nCoV. "Dịch bệnh sẽ không biến mất cho đến khi chúng ta có vaccine hiệu quả, hy vọng là sau 12 tháng nữa", Walter Schachermayer, giáo sư tại Đại học Vienna, nhận định.
Theo chuyên gia này, ý tưởng về việc khả năng miễn dịch phát triển đủ nhanh, giúp gỡ bỏ các biện pháp cách biệt cộng đồng trước khi có vaccine, "hoàn toàn là ảo tưởng". "Nguy cơ về làn sóng thứ hai lúc nào cũng thường trực", Schachermayer nói.
Ông còn lưu ý rằng sau khi cúm Tây Ban Nha bùng phát lần đầu vào năm 1918, làn sóng thứ hai của đại dịch đã giết chết hàng triệu người trong một năm. Những dấu hiệu về làn sóng thứ hai của Covid-19 cũng đã xuất hiện tại một số quốc gia Đông Á gần đây tăng cường hoạt động kinh doanh.
Đó là lý do chính phủ của Thủ tướng Kurz tuyên bố ý định nới lỏng hạn chế, những vẫn khẳng định tình hình cần được giám sát liên tục. "Chúng tôi sẽ theo dõi số ca nhiễm mới vô cùng chặt chẽ và ngay lập tức kéo phanh khẩn cấp nếu cần thiết", Kurz cho hay.
Ngay cả giới chức Italy, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19, cũng bắt đầu thảo luận về "giai đoạn hai" từ tháng sau.
"Đây là một kết quả phi thường", Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza phát biểu trên truyền hình hôm 7/4, sau khi số liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ nhiễm nCoV tại nước này đã giảm từ một người lây cho khoảng ba người xuống một người lây cho một người. "Các biện pháp đã có hiệu quả. Cuối cùng chúng tôi cũng có thể bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai".
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết lệnh cấm tất cả công việc không thiết yếu có thể được gỡ sau lễ Phục sinh, mặc dù ông đã kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 26/4. "Sau khi kiểm soát được đường cong trên đồ thị, chúng tôi sẽ hướng tới trạng thái bình thường kiểu mới và tái thiết nền kinh tế", ông nói.
Tuy nhiên, chưa rõ "trạng thái bình thường kiểu mới" sẽ như thế nào, có thể bao gồm việc bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian công cộng kín, theo dõi các ca nghi nhiễm qua ứng dụng trên điện thoại. Những mô hình đầu tiên của việc "sống chung với lũ" sẽ sớm được áp dụng tại Áo, Đan Mạch và Czech.
Tại Áo, những cửa hàng buôn bán nhỏ được phép nối lại hoạt động từ ngày 14/4, sau đó là các doanh nghiệp khác vào cuối tháng. Nhà hàng và những dịch vụ đòi hỏi tiếp xúc gần giữa mọi người, như phòng gym và tiệm làm tóc, có thể phải tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 5 hoặc tháng 6.
Việc dần nối lại hoạt động kinh tế đi kèm với những quy tắc nghiêm ngặt mới, đòi hỏi người dân phải che mũi và miệng trong các cửa hàng, trên phương tiện giao thông công cộng, và cách biệt cộng đồng thêm nhiều tháng. Các chuyến đi nước ngoài vẫn bị cấm và hầu hết trường học có thể đóng cửa đến mùa thu.
Tại Đan Mạch, nơi số ca tử vong mới vì nCoV giảm dần từ tuần trước, các trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học dự kiến mở cửa trở lại vào ngày 15/4, nhưng tùy thuộc vào độ ổn định của số ca nhiễm mới. Biên giới, cũng như hoạt động kinh doanh nhà hàng, vẫn phải đóng cửa. Chính phủ còn cấm tụ tập đông người đến tháng 8.
Thủ tướng Czech Andrej Babis cũng tuyên bố nới lỏng hạn chế đi lại ở nước này từ ngày 9/4. Tuy nhiên, ông quyết định kéo dài tình trạng khẩn cấp quốc gia đến cuối tháng 4. Người nước ngoài vẫn bị "cấm cửa", nhưng những công dân có việc cần ra nước ngoài sẽ được cấp phép. Các cửa hàng nhỏ dự kiến mở lại vào ngày 9/4.
"Hiện nay, chúng tôi có thể quản lý đại dịch khá tốt, không để nó kiểm soát ngược lại", Bộ trưởng Y tế Czech Adam Vojech cho hay.
Mặc dù vậy, sự thật rằng các quốc gia tiên phong "sống chung với lũ" ở châu Âu chọn những con đường khác nhau dường như cho thấy việc này không có lộ trình rõ ràng nào. "Chúng ra đang đứng giữa miền đất xa lạ và cần phải tìm ra phương hướng", giáo sư Elisabeth Puchhammer-Stockl, trưởng khoa virus học tại Đại học Y Vienna, nhận xét.
"Chỉ có một điều chắc chắn là chúng ta vẫn sống giữa đại dịch. Chủng virus này chưa biến mất", bà nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)