Pháp bước vào cuộc chiến chống Covid-19 với một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất thế giới. Ngân sách dành cho y tế tại nước này nhiều hơn so với hầu hết quốc gia phát triển khác, giúp người dân được điều trị với chi phí thấp hơn, đồng thời khuyến khích họ theo dõi sức khỏe bản thân thông qua bảo hiểm do chính phủ tài trợ. Họ còn sở hữu gấp đôi số giường chăm sóc tích cực so với Italy.
Tổng thống Emmanuel Macron không ngần ngại ca ngợi những ưu điểm của hệ thống y tế Pháp. "Covid-19 cho thấy dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, bất kể thu nhập và nghề nghiệp, không phải gánh nặng hay gây tốn kém, mà là tài sản quý giá khi định mệnh ập đến", ông phát biểu trên truyền hình hồi tháng 3.
Tuy nhiên, với số người nhiễm nCoV tăng gấp đôi sau mỗi 4 ngày vào tháng trước, ngay cả hệ thống y tế tương đối vững chắc của Pháp cũng bị rung chuyển. Nước này hiện ghi nhận gần 118.000 ca nhiễm nCoV, hơn 12.000 người chết và hơn 23.000 trường hợp bình phục.
"Đây là phép thử với hệ thống y tế Pháp", Francois Bricaire, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Học viện Y khoa Quốc gia Pháp, cho hay. "Chúng tôi có lẽ thích nghi tốt hơn Italy trong dịch bệnh này. Những quyết định áp dụng tại thủ đô Paris thường ngay lập tức được ban hành khắp đất nước".
Theo bình luận viên Adam Nossiter của NY Times, trong những tuần đầu của đại dịch, Pháp dường như cho rằng họ có thể thoát khỏi số phận tương tự Italy, nhưng vẫn giữ cảnh giác. Các biện pháp kiểm dịch ban đầu khá hạn chế, bao gồm đóng cửa trường học tại vùng ngoại ô Paris, vùng Brittany phía tây bắc, cấm tụ tập hơn 1.000 người.
Tuy nhiên, đến ngày 11/3, trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV vượt 1.700 và hơn 30 người chết, Tổng thống Macron quyết định đóng cửa toàn bộ trường học. Hai ngày sau, Pháp ngừng hoạt động của các quán bar, nhà hàng và những doanh nghiệp không thiết yếu.
Pháp phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3, khi gần 150 người chết vì Covid-19. Động thái này được đánh giá nhanh chóng hơn Italy, bởi vào thời điểm quốc gia láng giềng của Pháp phong tỏa, họ đã ghi nhận hơn 800 ca tử vong.
"Những bệnh nhân đáng lẽ có thể cứu sống vẫn tử vong, bởi hệ thống y tế của Italy đã quá tải. Còn tại Pháp, chúng tôi vẫn cứu được những bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực", William Dab, cựu giám đốc y tế quốc gia Pháp, cho hay.
Cùng với lệnh phong tỏa, Pháp cũng siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, dốc toàn lực chiến đấu với đại dịch. Quy tắc quan trọng nhất là ở nhà và tránh tiếp xúc xã hội. Người dân chỉ được phép ra ngoài vì những lý do chính đáng, bao gồm đi làm công việc thiết yếu không thể thực hiện tại nhà, mua đồ ăn và nhu yếu phẩm, khám sức khỏe (nếu không thể hoãn hoặc làm từ xa), giải quyết vấn đề gia đình quan trọng.
Bất cứ ai ra khỏi nhà đều phải xuất trình giấy chứng nhận và nêu lý do. Những người phá lệnh sẽ bị phạt 135 euro (gần 150 USD). Người vi phạm lần thứ hai trong vòng 15 ngày tính từ lần đầu sẽ bị phạt 1.500 euro (hơn 1.600 USD). Ai phá luật 4 lần có nguy cơ bị phạt 3.700 euro (hơn 4.000 USD) và tối đa 6 tháng tù.
Cách biệt cộng đồng cũng là quy tắc quan trọng. Người dân cần giữ khoảng cách ít nhất một mét so với người gần nhất, bao gồm cả lúc xếp hàng. Giới chức cũng kêu gọi người dân thực hiện khuyến cáo y tế ban hành từ đầu đại dịch, như ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay, thường xuyên rửa tay, không bắt tay.
Khoảng 100.000 cảnh sát và hiến binh được huy động để thực hiện các biện pháp kiểm soát. Rào chắn dựng khắp nơi để giám sát dòng xe. Quân đội được triển khai để đưa người ốm tới bệnh viện, hỗ trợ dịch vụ y tế tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề.
Thói quen của người dân cũng được điều chỉnh. Năm 2011, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu cấm che mặt nơi công cộng, xuất phát từ vấn đề văn hóa và lo ngại an ninh. Tuy nhiên, thành phố Sceaux, phía nam Paris, hôm 8/4 ban lệnh bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng. Người vi phạm đối mặt mức phạt 38 euro (41 USD). Thành phố Nice dự kiến cũng áp đặt quy định tương tự vào tuần tới.
Trước tình trạng nhiều người vẫn tập thể dục ngoài đường hoặc tụ tập gần chợ, giới chức Pháp hôm 7/4 quyết định siết chặt lệnh phong tỏa tại thủ đô Paris, bằng cách cấm các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời từ 10h đến 19h hàng ngày, nhằm ngăn nCoV lây lan.
Bình luận viên Nossiter nhận xét loạt biện pháp chống dịch của Pháp bớt cực đoan so với Trung Quốc, nhanh nhạy hơn Italy và có tổ chức hơn nhiều so với Mỹ. Hôm 5/4, họ đạt được một trong những thành quả đầu tiên, khi số ca tử vong mới được báo cáo là 357, thấp hơn con số 441 người vào ngày trước đó và thấp nhất trong vòng một tuần.
Hôm qua, Pháp lần đầu tiên báo cáo sự sụt giảm số bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU), giảm 82 người so với một ngày trước đó, xuống còn 7.066 người. Số ca tử vong mới được ghi nhận là 412, thấp hơn so với 541 người vào hôm trước.
"Chúng ta đang trong quá trình kìm hãm dịch bệnh nhờ việc thực hiện các biện pháp hạn chế. Chiến lược áp dụng trên toàn quốc bắt đầu gặt thành quả. Chỉ khi cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể đánh bại dịch bệnh. Những dấu hiệu tích cực đầu tiên vào tối nay là nhờ thiện chí của mọi người. Xin cảm ơn các bạn", Giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Quốc gia Pháp Jerome Salomon hôm 9/4 cho biết.
Jean-Michel Molina, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện St Louis, Paris, cho biết nỗi lo sợ lớn nhất của đội ngũ nhân viên y tế là khả năng chăm sóc có hạn trong các phòng ICU. Ông đánh giá việc phối hợp xử lý đại dịch tại Pháp diễn ra khá tốt và tập trung, hướng đến mục tiêu ngăn chặn lây nhiễm, tạo điều kiện cho hệ thống y tế đủ thời gian chuẩn bị giường ICU.
Dù đạt một số thành công nhất định, chính phủ Pháp dường như không hề chủ quan. Trong cuộc họp báo tối 7/4, Salomon cho biết dịch bệnh "dù đang chậm lại một chút, nhưng Pháp vẫn đang trong giai đoạn gia tăng và chưa đạt đỉnh dịch". Ông hy vọng đường cong trên đồ thị số liệu sẽ được làm phẳng trong những ngày tới, nhưng nhấn mạnh đỉnh dịch "sẽ ở mức rất cao".
Tổng thống Macron cũng dự kiến kéo dài lệnh phong tỏa, vốn sẽ hết hạn vào ngày 15/4, đồng thời phát biểu trước toàn quốc vào ngày 13/4 để nêu những quyết định mới trong cuộc chiến chống Covid-19.
"Các biện pháp phòng dịch đang được áp dụng là cơ hội cuối cùng để chúng tôi chứng minh rằng một quốc gia dân chủ cũng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng như thế này", Dab, cựu giám đốc y tế quốc gia Pháp, nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, The Local, New Yorker, AFP)