Rạn nứt tiếp tục lan rộng sau khi ông Trump hôm 28/6 chỉ trích đích danh Phòng Thương mại Mỹ và buông lời bêu riếu Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cùng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hai bước đột phá về thương mại được các thành viên đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh mẽ, theo Washington Post.
"Tôi đang rối tung với những thương vụ tồi tệ mà đáng nhẽ chúng ta phải làm tốt từ trước", tỷ phú New York phát biểu trước đám đông tại một nhà máy bị đóng cửa ở thành phố Manchester, bang New Hampshire. "Tôi có thể đem về các bản giao kèo có lợi hơn. Tại sao người ta lại phản đối điều đó? Tôi muốn nói đến Phòng Thương mại Mỹ. Họ bảo, 'Ồ, Trump muốn ngăn cản thương mại tự do'. Tôi không muốn cản trở thương mại tự do. Tôi yêu thương mại tự do, nhưng tôi muốn làm điều gì đó thật xuất sắc".
Trước đó, Trump liên tục đưa ra những bình luận tiêu cực về các hiệp định thương mại lớn mà giới lãnh đạo đảng Cộng hòa hàng thập kỷ qua luôn cho rằng chúng là công cụ không thể thiếu đối với chủ nghĩa tư bản. Ông không ngần ngại phê phán những người ủng hộ TPP, cáo buộc họ đang "cưỡng bức" nước Mỹ.
Đả kích giá trị cốt lõi của đảng
Đối với Trump, đả kích những công cụ, chính sách kinh tế, thương mại dường như là cách để ông lôi kéo các cử tri bất mãn thuộc tầng lớp lao động, bao gồm cả những người từng bầu cho đảng Dân chủ, cây bút Sean Sullivan và Jenna Johnson từ Washington Post nhận xét. Nhưng các phát ngôn "bạo miệng", gây tranh cãi trên cũng có nguy cơ khiến ông bị những nhà hảo tâm giàu có của đảng Cộng hòa xa lánh. Điều này hoàn toàn bất lợi đối với Trump bởi ông lúc này phải nỗ lực tìm cách gây quỹ cho các hoạt động tranh cử.
Nhiều nhóm kinh doanh, những người mong muốn nới lỏng các giới hạn về thương mại và là đồng minh truyền thống của đảng Cộng hòa, có lẽ đang rất bất mãn với các bình luận của ông Trump và sẽ tìm thời điểm thích hợp để bác bỏ chúng, giới quan sát đánh giá.
"Dù không đứng sau cuộc đua vào Nhà Trắng nhưng chúng tôi vẫn sẽ có tiếng nói quyết liệt trước những chính sách tổng thống của các ứng viên từ cả hai đảng", Scott Reed, chiến lược gia chính trị cấp cao tại Phòng Thương mại, cho hay. Tổ chức này cũng liên tiếp đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Twitter, chỉ trích việc ông Trump đe dọa xé nát các hiệp định thương mại và áp thuế cao.
Trump lâu nay vẫn đổ lỗi cho các hiệp định thương mại quốc tế gây ảnh hưởng tới giới công nhân Mỹ. Nhưng các phát ngôn tuần qua đánh dấu một bước thay đổi lớn về thái độ khi ông thẳng thừng gọi nhóm người ủng hộ thực thi các hiệp định thương mại từ cả hai đảng là "những kẻ chống lại nước Mỹ" hay một liên minh vì "đặc quyền, đặc lợi".
Với hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa, những lời lẽ từ Trump không khác gì một đòn giáng vào hệ tư tưởng cốt lõi đã củng cố chính sách kinh tế bảo thủ của họ suốt nhiều thế hệ, giới phân tích nhận định.
Bên cạnh đó, các bình luận của Trump còn khiến ông phải đương đầu với những cuộc tấn công dồn dập từ đảng Dân chủ cũng như đối thủ, bà Hillary Clinton, cáo buộc nhà tài phiệt New York là kẻ "đạo đức giả".
Ông Trump trước đây có thái độ tích cực trước chính sách xuất khẩu lao động. Ngoài ra, hầu hết các mặt hàng, dòng sản phẩm mang thương hiệu Trump đều được sản xuất tại các quốc gia châu Á.
"Donald Trump đang vận động tranh cử với tư cách một người Cộng hòa phản đối đảng Cộng hòa", David French, phó chủ tịch phụ trách vấn đề quan hệ với chính phủ tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia, nhận xét. Theo ông, những bình luận của Donald Trump về thương mại thật sự gây thất vọng.
Một số lãnh đạo kinh doanh cho rằng công khai chống lại Trump là điều vô cùng khó khăn vì mức độ phủ sóng rộng khắp của ông là một thách thức lớn mà họ có rất ít cơ hội vượt qua.
Trong bài phát biểu hôm 28/6 trước một cơ sở sản xuất bị đóng cửa từ năm 2014, khiến 130 công nhân mất việc làm, Trump tiếp tục ca tụng các chính sách kinh tế bảo hộ mà ông theo đuổi từ những ngày đầu phát động chiến dịch tranh cử cách đây hơn một năm.
Việc Trump lặp đi lặp lại các chỉ trích nhắm vào Phòng Thương mại, nhóm hoạt động hành lang về kinh doanh lớn nhất nước Mỹ, là dấu hiệu cho thấy nhà tài phiệt New York đã tìm được mục tiêu mới. Tại một buổi vận động tổ chức ở bang Maine hôm 29/6, Trump cáo buộc Phòng Thương mại "đang bị kiểm soát bởi những nhóm lợi ích đặc biệt".
Ông cũng không ngừng công kích các hiệp định thương mại lớn cũng như hoạt động cho thuê ngoài, xem đây là nguyên nhân khiến kinh tế trong nước suy yếu. Trump tuyên bố nếu trở thành tổng thống, ông sẽ đàm phán lại các điều khoản của NAFTA và rút Mỹ khỏi TPP. Những lời hứa này bị đánh giá là viển vông, thiếu thực tế và cực kỳ nguy hiểm.
Tuy nhiên, các phát ngôn "hùng hồn" ấy lại mang về cho ông một lượng người ủng hộ đông đảo tại vùng Vành đai Công nghiệp hay những khu vực suy thoái bởi ảnh hưởng từ toàn cầu hóa ở Mỹ. Đồng minh của Trump kỳ vọng chúng sẽ giúp ông giành ưu thế tại hai bang quan trọng Ohio và Pennsylvania.
Mặt khác, những phát ngôn lặp lại của tỷ phú Trump về thương mại còn đóng vai trò như một vũ khí sắc bén nhắm vào đối thủ đảng Dân chủ. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, chồng bà Hillary, là người đặt bút ký kết NAFTA năm 1992.
Giới quan sát cho rằng với việc chỉ trích TPP, ông Trump đang gián tiếp công kích bà Hillary bởi cựu ngoại trưởng Mỹ từng ca ngợi hiệp định này nhưng sau đó lại lên tiếng phản đối nó trong cuộc đua giành vị trí đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống Mỹ với thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.
Nhà tài phiệt New York luôn miệng khẳng định ông không chống lại nguyên tắc thương mại tự do nhưng nhấn mạnh nước Mỹ cần các thỏa thuận "thương mại công bằng" hơn.
Hôm qua, tại một buổi vận động, một người từng làm việc cho nhà máy sản xuất phù hiệu cảnh sát nhưng đã bị phá sản khi chính quyền chuyển hướng sang đặt hàng từ nước ngoài, hỏi Trump rằng: "ông có thể làm gì cho chúng tôi".
"Đầu tiên, câu chuyện của anh là vấn đề đối với hàng nghìn, hàng nghìn công ty trên cả nước", Trump trả lời và hứa rằng ông sẽ nỗ lực chống lại nạn thao túng tiền tệ. Theo ông, nếu tình trạng này còn tiếp diễn, các công ty Mỹ không thể cạnh tranh nổi với những cơ sở đặt tại Trung Quốc hay những nơi có giá thành rẻ khác.
Ông nhấn mạnh dù chi phí sản xuất hàng hóa bên trong nước Mỹ có thể đắt đỏ hơn nhưng người dân sẽ có thêm việc làm và điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Một người khác hỏi Trump ông sẽ đối phó như thế nào với các tập đoàn phản đối những chính sách thương mại mà ông đưa ra.
"Các tập đoàn ư? Tôi không lo lắng về họ", Trump đáp lại, đồng thời khẳng định ông có kế hoạch "cắt giảm nhiều loại thuế kinh doanh" và tạo điều kiện để các công ty có thể tạm thời thu tiền từ nước ngoài về với mức chi phí rẻ hơn.
"Chúng tôi sẽ tạo nên những điều thần kỳ một cách nhanh chóng. Nó sẽ không mất quá nhiều thời gian đâu", ông quả quyết.
Xem thêm: Vì sao truyền thông hờ hững với âm mưu ám sát Donald Trump
Vũ Hoàng