Công việc của tôi là một kỹ sư lập trình phần mềm quốc tế do đó thường xuyên phải đi công tác dài ngày ở Mỹ và chắc chắn là không tránh khỏi việc ăn Tết xứ người.
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu tiên ăn Tết tại Mỹ. Những ngày này ở Mỹ rất lạnh. May mắn thay nơi tôi ở có rất đông cộng đồng người Việt sinh sống nên cũng cảm nhận được không khí Tết rộn ràng, dù mọi người “vừa làm việc vừa ăn Tết“.
Ở đây, người ta cũng gói bánh chưng, nấu các món truyền thống của ngày Tết như thịt kho tàu, xôi gà… Đêm giao thừa có rất nhiều quán hàng tổ chứ tiệc đón giao thừa cho người Việt. Những ngày này thật là may mắn với tôi vì có cơ hội được trải nghiệm Tết Việt ở một đất nước xa lạ và không khí Tết ở đây cũng rất nhộn nhịp, đông đúc.
Chiều 30 Tết, tôi và anh bạn ở cùng phòng rủ nhau ra chợ của người Việt mua đồ về nấu ăn. Ở đây có gần như đầy đủ các nguyên vật liệu để nấu hoàn chỉnh các món Tết, nhưng do là con trai, khả năng nấu nướng còn hạn hẹp nên tôi chỉ mua ít trứng và thịt heo về nấu thịt kho tàu, mua ít cánh gà về nấu cơm gà. Hai anh em còn hào hứng mua nguyên một con cua rất to để dành vào đúng thời khắc giao thừa để thưởng thức nữa chứ.
Trên đường về chúng tôi ghé quán Phở Việt, dù hương vị có khác với ở Việt Nam một chút nhưng cũng đủ để cảm thấy ấm lòng rồi. Do thời gian chênh lệch nhiều nên tối giao thừa giờ Việt Nam là giờ làm việc bình thường của tôi ở bên này. Cảm giác có chút buồn vì tôi không thể gọi về nhà chúc Tết ba mẹ ngay đúng lúc 0 giờ Việt Nam được.
Lúc giờ giao thừa ở Mỹ thì Việt Nam đã là mùng 1 Tết. Đó cũng là khoảnh khắc ý nghĩa nhất khi tôi gọi về chúc mừng năm mới ba mẹ tôi. Được nhận những lời chúc sức khỏe, động viên từ ba mẹ mà lòng tôi thật vui và hạnh phúc. Hai anh em tôi chúc sức khỏe lẫn nhau, còn cùng cụng nhau ly bia chào năm mới làm tôi bỗng dưng thấy thèm bia ở Việt Nam ghê.
Ngày mùng 1, sau khi kết thúc công việc tôi và các đồng nghiệp người Việt cùng cả gia đình sếp tôi là người Mỹ gốc Việt đi ăn uống mừng Tết. Tôi kể cho vợ chồng sếp tôi về ngày Tết Việt Nam những năm gần đây như thế nào và so với Tết Việt trên đất Mỹ thì có khác nhau nhiều không. Họ là những người rất lâu rồi chưa quay trở lại Việt Nam nên khi nghe những chia sẻ của tôi họ rất hứng thú và trong lòng miên man nỗi nhớ quê nhà!
Mùng 2, mùng 3, dù công việc bên này rất bận rộn nhưng cứ chiều về không nấu những món ngày Tết thì chúng tôi cũng cùng nhau đến những khu vui chơi có trang trí cảnh xuân Việt Nam và ăn những món ăn Việt.
Tôi đã đón Tết ở Mỹ như thế đấy, thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Nhưng có lẽ, dù ăn Tết ở đâu đi chăng nữa thì với tôi vẫn không đâu vui bằng Tết ngay tại quê hương mình, ngay tại gia đình nhỏ của mình cả. Tôi nhớ vị Tết như lời bài hát “Xuân quê tôi”.
“Xuân quê tôi có trống lân đùng đùng. Xuân quê tôi có pháo vui rộn rã. Xuân quê tôi gói bánh chưng mặn nồng. Xuân quê tôi với mứt dưa ngọt ngào. Xuân quê tôi có nhánh mai cùng đào. Xuân quê tôi có bé thơ mừng tuổi. Xuân quê tôi có phước bay đầu làng. Xuân quê tôi đám rước vui rộn ràng”.
Người ta vẫn thường nói ngày xuân là ngày những đứa con xa đoàn tụ với cha mẹ sau một năm học hành, làm việc xa nhà. Và với tôi, mỗi dịp xuân đến, điều tôi mong đợi nhất chính là được sum họp với gia đình mình.
Trên đất Mỹ này tôi đã không có cơ hội làm được điều đó. Đón xuân xa mà lòng tôi day dứt vô cùng. Cha mẹ tôi đã mong chờ cả năm để thấy tôi trở về bên cạnh mấy ngày xuân này vậy mà tôi đành lỡ hẹn.
Một lần đón Tết xa quê hương đã giúp tôi thấu hiểu nỗi lòng những người sinh sống và đón Tết ở xứ người. Hy vọng họ cũng sẽ có dịp được trở về quê hương và đón một cái Tết thật sự ý nghĩa.
Ngô Việt Khánh Huy
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |