Lại thêm một cái Tết đón xuân nơi xứ người. Dẫu đã trải qua năm lần như thế nhưng lòng vẫn buồn bâng khuâng nhớ cái không khí náo nhiệt nơi quê nhà, nhớ cảm giác hạnh phúc sum vầy mỗi xuân sang. Có ai đã từng lênh đênh đời viễn xứ mới biết cảm giác nhớ thương Tết rưng rưng đến nhường nào!
Khi những tờ lịch cũ dần vơi, ngày tiễn đưa ông Táo cận kề, tôi ngồi lặng người bên cửa sổ mà lòng chợt nhớ má, nhớ nhà, nhớ quê khôn nguôi. Không biết giờ này ở nhà mọi người đã làm gì chưa, anh hai có quét dọn vườn tược không, chị ba có sên mứt dừa mứt bí như ngày xưa? Rồi thằng út giờ không biết lớn đến chừng nào rồi có biết lặt lá mai phụ má không?
Tôi nhớ hồi còn ở nhà cứ đầu tháng Chạp là má tôi lại rục rịch chuẩn bị đón Tết rồi. Nhà đông con nên má giao cho mỗi đứa mỗi việc khỏi tị nạnh nhau vậy mà cứ hễ làm là lại cãi nhau um sùm. Mặc dù tối mắt tối mũi đến tận ngày ba mươi nhưng cứ nhớ tới đó là tôi thấy hạnh phúc lắm. Cái không khí Tết nó cứ len lỏi vào từng góc ký ức của tôi. Còn bây giờ xuân cứ đến cứ đi tôi biết má mong đến héo hắt nhưng tôi mãi vẫn chưa thể về, khoảng khách nửa vòng trái đất sao mà nó xa xôi cách trở đến thế.
Ở xứ Mỹ này Tết vẫn phải đi làm như bình thường, không có quét mạng nhện trên trần, không có đánh bóng lư đồng, không có nghe mùi thơm hăng của củ kiệu phơi nắng. Hồi mới qua Mỹ, Tết tôi cứ năm lì trong phòng khóc rưng rức. Còn giờ cũng chớm quen tôi tập cho mình cách chấp nhận hoàn cảnh.
Gần Tết, ngày đi làm, xế chiều tan sở tôi ghé vô siêu thị bán đồ ăn châu Á thấy mọi người sắm Tết cũng đông vui lắm. Bánh tét, bánh chưng, củ kiệu ngâm cũng khá đầy đủ chẳng thiếu gì nhưng về ăn nó cứ nhạt nhạt không hiểu vì sao. Nhiều lúc bấm bụng mua nhành mai chưng để nhớ chút nắng ấm của quê hương mà nó cứ tơi tả nhưng tôi tự nhủ lòng thôi có còn hơn không.
Chỉ có điều mắc cười là khi tôi cúng đêm ba mươi, mời ông bà về ăn Tết với mình, lúc lầm rầm khấn bái thì bên ngoài nắng hửng vàng cả góc sân còn chồng thì ngơ ngác chẳng hiểu tôi đang làm gì. Mấy đứa nhỏ trong nhà nhìn tôi lạ lẫm khi phát cho mỗi đứa phong bao lì xì đỏ thắm nhưng con nít mà thấy được tặng tiền là vui như Tết, mặc dù tôi có giải thích nhưng chúng không hiểu nhiều lắm cứ gật đầu lấy lệ.
Gọi điện về chúc Tết cả nhà nghe má khoe năm nay nhà mình ăn Tết lớn vì có thêm nàng dâu mới. Thịt kho, bánh tét, bánh bông lan, khô cá lóc... ê hề đủ cả "chỉ thiếu bây thôi".
Nói đến đó thì giọng má nghèn nghẹn tôi sợ má khóc nên nói vài câu qua quýt rồi cúp máy. Không muốn khóc mà nước mắt cứ rớt mãi không thôi, trong đầu tôi hiện lên những hình ảnh lúc còn ở nhà thế nào phía trước cổng má cũng để hai chậu vạn thọ nè, bàn thờ có bình hoa huệ, trên bàn sẽ có nhành mai chặt ngoài vườn đem vô, hộp mứt sẽ có mứt dừa, mứt me, mứt tắc nè chắc chắn không thể thiếu.
Nhà tôi ăn Tết lúc nào cũng sớm nhất xóm, từ đầu tháng chạp thăm thẳm đã chộn rộn cửa nhà mấy đứa con miệng thì than cực mà mặt mày thì hớn hở. Mấy đứa hàng xóm nhìn mấy dây phơi cá khô, mấy mâm mứt ngọt ngào với ánh mắt thèm thuồng ước ao không giấu diếm. Thấy vậy nên chúng tôi đứa nào cũng vênh mặt lên cười tươi rói chạy qua chạy lại mà mặt mày ngây ngất chỉ sợ Tết không làm gì mới buồn thôi.
Nhớ bữa nấu bánh tét ngoài vườn mới vui làm sao, cả xóm xúm xít ngồi chơi bài cào, chơi lô tô, chơi thi kể chuyện ma suốt đêm không ngủ. Tiếng củi khô cháy lép bép hòa lẫn tiếng cười giòn tan của lũ trẻ mà bây giờ trong giấc mơ chập chờn thấy lại tôi vẫn nhớ như in từng âm thanh ấy.
Không có gì hạnh phúc bằng ngày mùng một mặc áo đẹp, đeo cái bóp nhỏ xinh đứng nhấp nhổm coi có đứa nào ra không để khoe vì má nói mùng một không được qua nhà người ta xông đất. Tụi con nít vì thế mà cứ đứng trước cửa nhà nói vọng qua nhốn nháo, đến quá trưa thì được chở đi chúc Tết từng nhà.
Cứ thế mùng một, mùng hai nối đuôi nhau trôi cái vèo cho đến ngày mùng bốn bị bắt vô học bài là thấy Tết tàn mất tiêu rồi. Mãi về sau này khi lớn thêm tí nữa tôi không thích những ngày Tết chính mà tôi chỉ thích những ngày giáp Tết bởi bức tranh đó sống động và đầy những dư vị ngọt ngào.
Những ngày Tết ở Mỹ trời lạnh chạy xe trên đường thấy vắng vẻ nhớ cành mai đượm nắng nơi quê nhà, nhớ ngọn lửa hồng bên bếp reo vui, nhớ những ngày đi hái lộc đầu năm, nhớ tiếng chúc tụng yên vui, nhớ cái Tết ấm nồng quê hương. Hẹn lòng năm sau nhất định sẽ quay trở về nhà ăn Tết. Xuân ơi chờ ta nhé!
Huỳnh Thị Ngọc Hân
Cuộc thi "Xuân Bốn phương" do VnExpress phối hợp với nhà tài trợ Lenovo tổ chức từ ngày 9/2 đến 8/3/2015. Các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài có thể gửi bài dự thi để chia sẻ cảm xúc về mùa xuân, cảm nhận Tết Việt xa quê hương và cách đón Tết của cộng đồng ở các nước khác nhau. Bài dự thi được thể hiện dưới dạng bài viết, thơ, nhạc, ảnh, video, kèm chú thích bằng tiếng Việt có dấu. Có 4 giải tuần dành cho 4 bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất trong từng tuần. Hai giải chung cuộc dành cho bài dự thi nhận được lượng "Like" Facebook nhiều nhất sau 4 tuần và bài dự thi xuất sắc do Ban giám khảo lựa chọn. Chi tiết thể lệ và giải thưởng. Gửi bài dự thi tại đây. |