Sắc hoa Côn Minh. Ảnh tác giả cung cấp. |
Hôm đó là ngày kỉ niệm 33 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khơme Đỏ, hình như cũng là ngày một người bạn Hàn Quốc chuẩn bị về nước ăn Tết, thế là chúng tôi đến cái phòng mà tôi thường gọi theo thân mật là “phòng quốc tế” với hai mục đích: Chia vui ngày giải phóng cùng người bạn Campuchia đồng thời là chia tay người bạn Hàn về nước.
Thầy quản lí thấy chúng tôi bàn tán xôn xao mà không đóng cửa phòng, liền đi vào phòng và nói: "Các em, khóa cửa cẩn thận, chúng ta ăn Tết, kẻ trộm cũng phải ăn Tết”. Cứ nghe câu nói đó là tôi và mọi người đều háo hức hẳn lên “về quê ăn Tết”. So với những bạn du học sinh ở châu Âu hay châu Mỹ, chúng tôi lưu học ở Trung Quốc may mắn hơn nhiều vì được nghỉ Tết, do đó có cơ hội về Việt Nam ăn Tết. Nhưng những ngày cận Tết ở Trung Quốc cũng làm những ai xa quê như tôi cũng cảm thấy nhớ Việt Nam.
Nhìn mọi người xếp hàng dài dằng dặc để mua vé tàu về quê ăn Tết, tôi lại nhớ những câu chuyện mà ngày xưa nghe mọi người kể về thời kì bao cấp, khi mà nền kinh tế chưa được phát triển như hôm nay, tuy chỉ là một thoáng suy tư nhưng cũng là những kí ức sôi động của ngày Tết cổ truyền đang đến rất gần. Mọi người đã có một năm hối hả vì công việc và cuộc sống tất bật thường ngày, Tết đến là hối hả cho gia đình, cho sự sum họp. Do đó, nếu xếp hàng không mua được vé tàu về Tết, đi bộ hàng trăm cây số về chung vui gia đình là chuyện không lạ.
Gửi bài dự thi tại đây Bấm vào đây để xem thể lệ |
Nghĩ đến chuyện tàu xe lại làm tôi thêm đau đầu, chặng đường về quê ăn Tết không phải ngắn ngủi, cũng vì suy thoái kinh tế mà đâu phải ai cũng có tiền mua vé máy bay thẳng về quê ăn Tết. Tôi cũng vậy, cũng vì tiết kiệm cho gia đình và bản thân do đó tôi chọn cả ba loại hình giao thông cơ bản để về quê. Đầu tiên, đi xe mấy trăm cây số để đến biên giới Việt - Trung, sau rồi đi tàu về Hà Nội, cuối cùng là đáp chuyến bay giá rẻ cuối ngày về thành phố Hồ Chí Minh. Cũng có lúc tàu xe lỡ chuyến, phải đợi chờ ở bến xe, bến tàu, sân bay, nhưng chính những khoảng thời gian đó đã cho tôi thêm cơ hội để tìm hiểu và cảm nhận không khí Tết đến rộn ràng của hai nước láng giềng.
Thành phố mà tôi ở và học tập cách biên giới Việt Nam không phải là muôn xa ngàn dặm, nhưng chỉ mấy trăm km thôi cũng đã cho tôi sự khác nhau của hai nền văn hóa, hai dân tộc. Cũng chỉ chừng đó xa cách cũng đã cho tôi thấy sự quan tâm của kiều bào người Việt ta ở nước ngoài mới quan trọng làm sao, nó đã làm xua tan nỗi niềm nhớ quê da diết của những đứa con vì nhu cầu học tập phải xa quê hương như chúng tôi.
Kì nghỉ Tết ở Trung Quốc so với Việt Nam thường dài hơn nghỉ tới hết rằm tháng giêng. Người Trung Quốc ăn hai cái Tết, trong đó Tết Nguyên Đán gọi là Tết lớn, còn Tết Nguyên Tiêu là Tết nhỏ. Thường là phải ăn xong hai cái Tết đó thì công việc kinh doanh, học tập, việc làm mới trở lại bình thường.
Tết ở Trung Quốc không khác gì ở Việt Nam cho lắm, cũng có những cái bánh tổ để cúng lên tổ tiên ông bà, pháo ở Trung Quốc nói cấm thì cũng không phải, nhưng chỉ được đốt trong sự hạn chế. Sự thiệt hại về tài sản và con người mà tình trạng đốt pháo gây ra đã phần nào làm cho phong tục đốt pháo càng trở nên được hạn chế ở các đô thị lớn, và cũng là nhờ sự thành công trong việc nghiêm cấm đốt pháo ở Việt Nam đáng để Trung Quốc học hỏi.
Người dân Trung Quốc cũng rất chú trọng bữa ăn tất niên chiều 30 Tết, ông bà, cha mẹ, con cháu xum vầy đánh giá những việc đã làm được, và những việc cần phải phấn đấu trong năm mới. Tiếp sau đó là mọi con mắt sẽ đều hường về màn hình tivi để xem chương trình “xuân vãn”, cũng như ở Việt Nam mọi người coi “Gặp nhau cuối năm”.
Đào ở Trung Quốc rất nhiều nhưng người dân không có thú chơi hoa Tết như ở Việt Nam, cũng có lẽ là công nghiệp hóa đã làm cho những cành hoa giả trở nên thực dụng hơn so với cành hoa thật ? Trong khi đó, ở Việt Nam những cành đào, cành mai luôn là điểm nhấn sắc màu xuân của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Đó là sự giao thoa khí xuân của hai miền nam bắc. Nhìn vào nồi hấp há cảo sôi sùng sục tôi lại nhớ đến bánh chưng, bánh tét ở quê nhà, nơi mà có lẽ không khí Tết cũng đã đến rất gần.
Cũng đón một cái Tết cổ truyền, cũng những phong tục tập quán mang đậm chất phương đông, hướng về cội nguồn dân tộc nhưng Tết của Việt Nam và Trung Quốc đều mang hương vị riêng của nó, và cũng chính vì thế mà không thể trực diện mà so sánh so được. Nhưng đã là người con đất Việt thì có dù đi xa đến đâu, công việc bận đến mấy cũng không quên ngày lễ truyền thống dân tộc và phải phát huy, kế tục những phong tục hay những cử chỉ đẹp của dân tộc cho con cháu và bạn bè năm châu học hỏi, để cái Tết Việt Nam càng thêm ý nghĩa.
Sự phát triển kinh tế là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống con người, nhưng sự phát triển vượt bậc về kinh tế để kèm theo đó là những phong tục tập quán ngàn đời của cha ông bị lãng quên, đó là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên,nếu mỗi chúng ta biết gìn giữ và phát huy thì không gì có thể mai một đi những phong tục Tết truyền thống ngàn đời của dân tộc.
Lưu Nhân