Trong khi những quả bom dẫn đường bằng laser từ trên không trung trút xuống xe tăng của quân đội Iraq, các máy bay trinh sát giám sát mọi di biến động của đối phương trên chiến trường, còn các máy bay ném bom tàng hình tiến sâu vào nội địa để không kích, qua mặt tất cả các hệ thống radar phòng không. Đó chính là những gì đã diễn ra trong những ngày đầu tiên của chiến dịch Bão táp Sa mạc cách đây 25 năm, hành động quân sự mở đầu cho một kỷ nguyên mới của chiến tranh hiện đại, theo Scout.com.
Theo các nhà sử học và chuyên gia phân tích quân sự, chiến dịch Bão táp Sa mạc giữa liên quân 30 nước do Mỹ dẫn đầu chống lại hành động xâm lược Kuwait của quân đội Iraq dưới thời Tổng thống Saddam Hussein là một bước ngoặt lớn trong quá trình tiến hóa của chiến tranh hiện đại, với sự ra đời của những loại vũ khí, công nghệ chưa từng có.
Chiến dịch Bão táp Sa mạc là màn ra mắt của công nghệ tàng hình, dẫn đường bằng GPS, hệ thống cảnh báo tên lửa, các radar trinh sát tiên tiến hơn gắn trên máy bay, và một lượng lớn bom dẫn đường bằng laser có độ chính xác cao, theo tướng Paul Johnson, phụ tá cấp cao của phó tham mưu trưởng phụ trách kế hoạch chiến lược và trang bị của không quân Mỹ.
"Ngay từ đầu, chúng tôi đã cho rằng chiến dịch này sẽ trở thành bước chuyển mình cho nghệ thuật tác chiến trên không", ông nói.
Cuộc tập kích đường không kéo dài 5-6 tuần này mở đầu bằng những đợt tấn công tên lửa hành trình và những cuộc tập kích mạo hiểm của trực thăng MH-53 Pave Low và AH-64 Apache vào sau phòng tuyến địch để hạ gục các đài radar cảnh báo sớm của quân đội Iraq.
Mục đích của hoạt động này là nhằm hủy diệt hoàn toàn các trạm radar phòng không của Iraq, tạo ra một hành lang trên không để các chiến đấu cơ có thể tự do tiến vào tấn công các mục tiêu quân đội Iraq trên mặt đất.
"Đây là buổi bình minh của công nghệ dẫn đường bằng GPS, được trang bị trên trực thăng MH-53 Pave Low. Bởi vậy trực thăng này đã lãnh nhiệm vụ dẫn đường cho Apache tiến sâu vào lãnh thổ Iraq để truy tìm các trạm radar cảnh báo sớm. Hiện nay, ai dùng smartphone cũng có công nghệ này, nhưng vào đầu thập niên 1990, đó quả là một cuộc cách mạng", tướng Johnson nói.
Viên tướng này cho biết mục tiêu hàng đầu của chiến dịch tập kích đường không là những khẩu pháo của Iraq có khả năng bắn đạn hóa học, tiếp sau đó là các hệ thống phòng không, đội hình quân sự, xe thiết giáp và các vị trí chỉ huy, kiểm soát.
Vũ khí phát huy hiệu quả nhất trong chiến dịch này chính là bom dẫn đường bằng GPS (JDAM), loại bom chưa từng được sử dụng trước đây. Công nghệ dẫn đường bằng GPS đã cải thiện đáng kể khả năng xác định mục tiêu của phi công để có thể thực hiện những đòn đánh chính xác nhất.
Công nghệ GPS chứng tỏ được giá trị của mình trên chiến trường sa mạc bằng phẳng ở Iraq, nơi không có các dãy núi hay các đặc điểm địa hình nổi bật làm mốc dẫn đường cho phi công. Nếu không có công nghệ dẫn đường này, các phi công rất dễ bị lạc mục tiêu giữa sa mạc hoang vu không đường sá, sông suối hay bất cứ điểm cao nào.
Các vũ khí dẫn đường bằng laser cũng cho phép không quân Mỹ trút một lượng lớn bom, tên lửa vào các mục tiêu được chỉ thị bằng tia laser, nâng cao đáng kể độ chính xác và hiệu quả của chiến dịch, đồng thời giảm thiểu thiệt hại ngoài dự tính.
"Mặc dù vũ khí laser đã được sử dụng từ trước, nhưng đến chiến dịch này, chúng tôi đã sử dụng bom dẫn đường bằng laser với tần suất chưa từng có", ông Johnson lý giải.
Ngoài JDAM và bom dẫn đường bằng laser, không quân Mỹ còn sử dụng tên lửa Maverick, bom xuyên phá Mk 84 900 kg và bom 226 kg Mk82, cùng với các loại bom chùm. Tên lửa Maverick sử dụng cơ chế dẫn đường chính xác quang điện tử đã trở thành ác mộng đối với các loại xe tăng, xe bọc thép của Iraq thời kỳ đó.
Giám sát chiến trường theo thời gian thực
Để hỗ trợ cho các chiến dịch tập kích đường không, không quân Mỹ đưa vào sử dụng Hệ thống Radar Tấn công Mục tiêu Trinh sát Chung (JSTARS), giúp cho các lực lượng tấn công lần đầu tiên có cái nhìn toàn cảnh nhất từ trên bầu trời.
Dưới mặt đất, lực lượng lục quân sử dụng Thiết bị Chỉ thị Mục tiêu Di động và Radar Khẩu độ Tổng hợp (SAR), giúp các chỉ huy có cái nhìn cụ thể về các hoạt động đang diễn ra trên thực địa.
"Các công nghệ này cho phép chúng tôi giám sát chiến trường bất kể ngày đêm và thời tiết, có thể phát hiện di biến động của các đội hình bộ binh địch. Có lần quân đội Iraq tìm cách hành quân quy mô lớn từ làng Khafji vào nửa đêm vì họ tin rằng chúng tôi không thể nhìn thấy. Nhưng chúng tôi đã phát hiện ra", Johnson nói.
Bằng các công nghệ giám sát này, các chỉ huy Mỹ có thể huy động tối đa sức mạnh không quân trên chiến trường để tấn công vào đội hình hành quân của Iraq. "Công nghệ này lần đầu tiên cho phép các chỉ huy nắm diễn biến chiến trường theo thời gian thực và huy động lực lượng ứng phó gần như ngay lập tức".
Chiến dịch này cũng đánh dấu bước chuyển mình đáng kể của chiến lược tấn công trên không, khi một máy bay chiến đấu có thể tiêu diệt chính xác nhiều mục tiêu thay vì sử dụng những quả bom thông thường để ném một cách mò mẫm xuống một khu vực đã định.
"Chúng tôi bắt đầu phải thay đổi các phương thức tính toán của mình. Từ xưa, cách tính toán của các tướng không quân luôn là phải sử dụng bao nhiêu máy bay để có thể diệt được một mục tiêu. Bởi vậy mà cường kích A-10 luôn phải mang theo rất nhiều bom, với hy vọng một trong số chúng sẽ đánh trúng mục tiêu. Còn đến cuối thập niên 1990, câu hỏi đặt ra là một máy bay có thể diệt được bao nhiêu mục tiêu", Johnson cho biết.
Việc sử dụng phổ biến các loại vũ khí chính xác cũng cho ra đời chiến lược "tác chiến dựa trên hiệu quả", nhằm không kích các mục tiêu cụ thể mà không cần phải phá hủy cơ sở hạ tầng xung quanh. Như vậy, mục tiêu sẽ được giới hạn thành các trung tâm chỉ huy kiểm soát, các đội hình hành quân hay xe thiết giáp, tuyến hậu cần và các mục tiêu chiến thuật, chiến lược khác. Các chuyên gia mô tả nó là phương thức tác chiến "vòng chiến lược", với trung tâm chỉ huy kiểm soát nằm ở vòng trong cùng, còn các lực lượng, phương tiện khác nằm ở vòng ngoài.
Chiến lược vạch ra là sử dụng vũ khí chính xác để cắt đứt đường dây liên lạc và tiếp tế giữa trung tâm chỉ huy ở vòng trong với các lực lượng khác ở vòng ngoài, khiến các đơn vị cơ động của đối phương hoàn toàn bị tê liệt và bị tiêu diệt.
Chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong Bão táp Sa mạc, gây thiệt hại rất lớn cho quân đội Iraq, đánh dấu sự thay đổi lịch sử của nghệ thuật tác chiến đường không. Chiến lược tương tự đã được Mỹ áp dụng hơn 10 năm sau, khi phát động các cuộc tấn công vào Iraq để lật đổ Tổng thống Hussein năm 2003.
"Có thời chúng tôi cho rằng sẽ phải lần lượt phá vỡ từng lớp phòng ngự của đối phương từ ngoài vào trong như việc bóc một củ hành. Chiến dịch Bão táp Sa mạc đã chứng minh tư duy đó là không đúng. Quả bom đầu tiên chạm mặt đất đã rơi trúng ngay vào vòng trong cùng của địch", tướng Johnson nhấn mạnh.
Trí Dũng