"Iran là đối thủ có tiềm lực, họ sở hữu khả năng tấn công và đe dọa mạng sống người Mỹ. Chúng tôi đang xem xét bổ sung các hệ thống phòng thủ tới khu vực, trong đó có thể bao gồm lá chắn tên lửa", Bộ trưởng Lục quân Mỹ Ryan McCarthy nói với các phóng viên hôm 15/1.
Phát biểu được đưa ra sau vụ Iran rạng sáng 8/1 phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ lính Mỹ đồn trú tại Iraq để đáp trả vụ không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani. Giới chuyên gia cho rằng cuộc tấn công này và vụ tập kích nhà máy dầu lớn nhất thế giới của Arab Saudi hồi tháng 9/2019 cho thấy Iran đang sở hữu kho tên lửa tiến công với tầm bắn lớn, độ chính xác cao và có khả năng răn đe các đối thủ trong khu vực.
Ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy tên lửa đạn đạo Iran đã rơi xuống 4 vị trí tại căn cứ không quân Ain al-Asad ở ngoại ô thủ đô Baghdad. Một số trực thăng CV-22 của Mỹ trong nhà chứa có thể bị hư hại hoặc phá hủy, đường lăn ở khu vực đông nam căn cứ, nơi có cụm nhà chứa máy bay và đường băng giữa sân bay cũng trúng tên lửa.
Dù tấn công dồn dập, các tên lửa đạn đạo Iran đều không rơi vào nơi trú ẩn của lính Mỹ cùng liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở cả hai căn cứ. Quân đội Mỹ và Iraq đều khẳng định không có người chết sau đợt tấn công, chỉ có 11 binh sĩ Mỹ bị chấn động não. Kết quả của đòn đánh gần tương đồng với vụ tấn công nhà máy dầu Arab Saudi, khi một nửa sản lượng dầu thô của Riyadh bị cắt đứt mà không có người thiệt mạng.
"Đó không phải tên lửa đạn đạo bình thường. Họ sử dụng vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao. Iran không muốn người Mỹ đổ máu", Tom Karako, giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã sử dụng tên lửa Qiam-1 và Fateh-110 cho đòn tập kích này. Đây là hai mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn chủ lực của Iran, liên tục được nâng cấp và trang bị những thiết bị hiện đại nhất của nước này.
Chúng được lắp hệ thống định vị quán tính và vệ tinh, cùng đầu dò quang - điện tử để tăng độ chính xác. Mỗi quả đạn có thể đánh trúng mục tiêu trong vòng bán kính 3-10 m từ khoảng cách 300 km với Fateh-100 hoặc 800 km với Qiam-1.
Lầu Năm Góc bác bỏ nhận định cho rằng Iran cố tình tránh các vị trí có binh sĩ Mỹ và Iraq, đồng thời đề cao vai trò của các hệ thống cảnh giới và khẳng định lính Mỹ có đủ thời gian đến nơi trú ẩn.
Tuy nhiên, không thể bỏ qua việc Iran chọn tên lửa đạn đạo để tiến hành vụ tập kích, thay vì sử dụng tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) tầm xa như vụ tấn công nhà máy dầu Arab Saudi hồi năm ngoái. Hai mẫu tên lửa đạn đạo đều có quỹ đạo bắn khá cao, dễ bị radar và vệ tinh phát hiện, cho phép Mỹ phát cảnh báo sớm.
Iran tập trung phát triển loại tên lửa tiến công nhằm bù đắp thiếu hụt về không quân so với Mỹ và đồng minh. "Đó là thành phần không thể thay thế trong chiến lược quốc phòng của Tehran, giúp lấp khoảng trống của tiêm kích và oanh tạc cơ chiến lược", chuyên gia Robert Einhorn viết trong báo cáo được Viện Brookings của Mỹ công bố năm ngoái.
Tehran đang sở hữu những tên lửa đạn đạo với tầm bắn trên 2.000 km, cùng tên lửa hành trình Soumar có thể đánh trúng mục tiêu từ khoảng cách 2.500 km. Điều này đặt ra hàng loạt thách thức cho các đối thủ của Iran. Nước này từng nhiều lần phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào mục tiêu phiến quân IS tại Syria năm 2017 và 2018, dường như để cảnh báo các kẻ thù tiềm tàng của Tehran.
"Thông điệp quan trọng nhất được gửi tới Mỹ, cho thấy tên lửa Iran đủ sức xuyên thủng lá chắn phòng không của Mỹ. Đó là những phát bắn cảnh cáo", giáo sư Mohammad Marandi tại Đại học Tehran cho hay.
Vũ Anh (Theo WSJ)