Tôi đang học và làm trong lĩnh vực chăm sóc và nuôi dạy trẻ em ở Mỹ, nhân việc ở Việt Nam có bé bị bạo lực bằng đòn roi, muốn viết bài này để chia sẻ thêm về ranh giới giữa giáo dưỡng và bạo hành.
Đầu tiên, ở Mỹ, bất cứ ai làm việc với trẻ em (bảo mẫu, giáo viên mầm non, nhân viên văn phòng ở trường mầm non, thậm chí là bảo vệ, lao công, cấp dưỡng) nói chung là bất cứ ai tiếp xúc với trẻ em đều phải đi lấy dấu vân tay, đăng ký với cơ quan quản lý, thực hiện kiểm tra tiền án tiền sử có từng làm gì tổn hại đến trẻ em hay không.
Điều này thực hiện rất nghiêm ngặt, và một khi đã phạm lỗi thì chắc chắn đình chỉ công tác không bao giờ làm việc trong bất cứ nơi nào có liên quan đến trẻ em nữa.
Ở mỗi trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em, đều ghi rõ quyền của trẻ em, trong đó có nêu:
Quyền trẻ em - không bị xúc phạm về cơ thể, danh dự, nhân phẩm, đe dọa, chế giễu gây tổn hại đến cơ thể và tinh thần của các em. Không được dùng các biện pháp cấm ăn uống, cấm đi vệ sinh, trói buộc, nhốt giam để trừng phạt. Đó đều là phản sư phạm và là bạo hành trẻ em.
Tội bạo hành trẻ em tùy mức độ tổn thương có thể phạt hành chính hoặc hình sự và hệ quả này được thông báo rõ cho cả phụ huynh lẫn nhân viên làm việc với trẻ em.
Nhiều bạn ở Việt Nam nói rằng thời mấy chục năm trước bị đòn roi là bình thường, đó là chuyện của ngày xưa.
Các nghiên cứu về khoa học phát triển trẻ em, tâm lý học trẻ em trên khắp thế giới, từ Đông sang Tây, đều đã chứng minh: Đòn roi không có tác dụng, những lời mắng chửi, nhiếc móc, chế giễu, đe dọa, mạt sát không có tác dụng trong việc giáo dưỡng trẻ em.
Sự trừng phạt hay đe dọa chỉ là biện pháp tình thế, ngưng một hành vi ngay tại khoảnh khắc đó bằng việc khiến trẻ sợ hãi, không có tác dụng trong việc giúp trẻ nhận ra điều trẻ làm sai và điều trẻ nên làm.
Một phương pháp giáo dục thành công phải cho kết quả là trẻ tự-nhận-thức được từ chính trẻ, bằng rất nhiều nỗ lực uốn nắn đó mới là giáo dưỡng, còn trừng phạt chỉ là để thỏa mãn cái tôi quyền thế của người lớn với đứa trẻ non nớt không có sức tự vệ.
Hơn nữa, trừng phạt bằng đòn roi hay lời nói còn là thể hiện sự yếu kém năng lực của người lớn, không dạy bảo được thì đập, bạt tai, móc nhiếc. Đó đều là biểu hiện của thiếu kỹ năng làm cha mẹ, thiếu nghiệp vụ sư phạm.
Tôi không có chút thông cảm nào cho các bạn là cha mẹ ở thế kỷ 21 mà xem đòn roi là cách dạy con, đó là cách các bạn thể hiện quyền lực, kiểm soát con trẻ, kém khả năng quản lý cảm xúc.
Bởi vì:
- Tổng hợp 15 công trình nghiên cứu cho thấy cha mẹ, thầy cô dùng trừng phạt thể chất với trẻ em, có liên hệ trực tiếp với nhiều vấn đề ở trẻ em về sau này. Kém khả năng tư duy, kiểm soát cảm xúc, ít đồng cảm về cảm xúc hơn, nhiều sự oán thù hơn, có xu hướng bạo lực cao hơn, yếu kém về kỹ năng xã hội, sinh ra nhiều nguy cơ lệch lạc về tâm thần hơn.
- Điều này có thể lý giải như sau. Một đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực thì thường sẽ có hai hướng phát triển.
Một là sẽ trở nên ám ảnh tâm lý, trầm cảm tuổi ấu thơ dẫn đến trầm cảm tuổi trường thành. Mà điều này thì có liên quan mật thiết đến việc lạm dụng rượu, chất kích thích ở tuổi vị thành niên.
Hai là sẽ đối đầu, dùng bạo lực đấu với bạo lực, đối chọi lại với người lớn, căm ghét xã hội, oán hận gia đình, trẻ sẽ học theo những gì mà nó đã được tiếp nhận, và lớn lên tiếp tục vòng tròn bạo lực đó đối với thế hệ sau của mình.
- Một số ít trẻ lớn lên trong điều kiện không may vượt qua được những khắc nghiệt đó, lớn lên thành người bình thường, dùng quá khứ đau thương để quyết biến thành động lực thay đổi thế hệ sau này. Đây là con số nhỏ, thuật ngữ gọi là "resilience" - khả năng chống chịu hoàn cảnh khó khăn. Được bao nhiêu trong số các trẻ bị bạo hành lớn lên được khỏe mạnh và hạnh phúc?
Bộ não của tuổi thơ cực kỳ nhạy cảm với các yếu tố tác động. Trong năm đầu đời bộ não tăng gấp đôi kích thước, năm 3 tuổi đạt 85% thể tích trưởng thành và 6 tuổi đạt 95% thể tích trưởng thành.
Bộ não có phát triển lành mạnh qua các thùy não, bán cầu não, sự liên hệ giữa các neuron, khả năng tư duy, ngôn ngữ, cảm xúc và kiểm soát vận động đều phụ thuộc vào đứa trẻ có được sinh sống trong môi truờng lành mạnh hay không.
Stress, bạo hành, bị bỏ mặc, không được yêu thương và chăm sóc sẽ trực tiếp cản trở sự phát triển của não bộ, stress hormone ngăn cản việc tiếp nối thông tin, ổn định cảm xúc, che đậy khả năng học tập và phát triển của trẻ.
Thế nên, bạo lực dù là bằng lời nói và hành vi, cũng là thứ ngăn cản một đứa trẻ được phát triển hết tiềm năng của nó. Quét não MRI cho thấy bộ não của trẻ sống trong nhiều sự căng thẳng và sợ hãi có thể tích não ít hơn so với thông thường.
Đúng vậy, các bạn đọc đúng rồi đấy, đứa trẻ không được yêu thương có bộ não kém phát triển. Và trong sáu năm đầu đời, sụt hao hụt này không bù đắp được, sẽ theo đứa trẻ cả đời.
Các bạn ở đây, nếu có một phút nào các bạn nghĩ về tuổi thơ của mình, có lúc nào các bạn ước thầm ngày xưa các bạn không bị đánh, không bị mạt sát, chế giễu, lột quần áo đến uất ức không? Có lúc nào các bạn ước gì ngày đó mình được yêu thương nhiều hơn không?
Bởi vì tôi biết chắc chắn, nếu các bạn được yêu thương ở tuổi ấu thơ, các bạn sẽ trở thành một con người yêu thương, vị tha, đồng cảm, và hạnh phúc ở tuổi trưởng thành.
Đừng bao biện cho bạo lực, các bạn muốn xã hội có bao nhiêu phần trăm đứa trẻ được khỏe mạnh hạnh phúc, và đánh cược với bao nhiêu phần trăm đứa trẻ vượt bạo hành để lớn lên. Con số ấy rất nhỏ. Nhưng tôi biết vài con số khác biết nói: những tội phạm ở trong tù, 98% có tuổi thơ bất ổn.
Vì tuổi thơ bất ổn tạo nên con người bất ổn. Và chi phí để cải tạo tù nhân mắc gấp đôi chi phí đào tạo một học sinh. Muốn xã hội phát triển, bắt đầu từ tuổi ấu thơ, cho các bé một môi trường an toàn, khỏe mạnh, hạnh phúc từ trong gia đình đến nhà trường và cộng đồng, hiệu quả hơn rất nhiều so với việc đối đầu với những vấn đề xã hội sau này.
Chân thành cảm ơn các bạn đã đọc bài. Tôi hy vọng hôm nay nếu thôi có thể thay đổi được suy nghĩ của ai đó, dù chỉ một người, về việc sử dụng đòn roi sát phạt, tôi đã góp phần giúp một đứa trẻ ở đâu đó được hạnh phúc hơn.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.