Báo cáo từ Công ty TNHH CJ CGV (Hàn Quốc) cho thấy chi nhánh Việt Nam trong quý II/2022 ghi nhận doanh thu 39,2 tỷ won (hơn 29,5 triệu USD), tăng hơn 148%. Lợi nhuận hoạt động đạt 4,2 tỷ won (gần 3,2 triệu USD, tương đương 73 tỷ đồng). CGV Việt Nam thoát lỗ so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh số bán hàng tăng và cơ cấu chi phí cố định được cải thiện, chủ yếu là chi phí nhân công.
Ban lãnh đạo CGV cho biết, nhiều "bom tấn" nội dung từ Hollywood và phim điện ảnh nội địa Em và Trịnh liên tiếp đạt doanh thu phòng vé, giúp doanh thu của chuỗi rạp chiếu phim này trong quý vừa qua tăng mạnh. Ngoài ra, tâm lý chi tiêu của khách hàng đã dần tích cực trở lại sau khi lệnh giãn cách được dỡ hoàn toàn cũng giúp doanh nghiệp này phục hồi.
Trong quý II, thị trường điện ảnh đón nhiều tác phẩm ăn khách. Theo dữ liệu từ đơn vị quan sát phòng vé độc lập Office Box Vietnam, Em và Trịnh đạt doanh số hơn 97 tỷ đồng ở tất cả cụm rạp. "Bom tấn" Doctor Strange in the Multiverse of Madness mang về doanh số hơn 200 tỷ đồng tại thị trường Việt Nam. Jurassic World: Dominion - phần tiếp theo của loạt phim nổi tiếng cùng tên, cũng ghi nhận kết quả tốt với hơn 75 tỷ đồng.
So với quý đầu năm, doanh thu và lợi nhuận hoạt động của CGV Việt Nam lần lượt tăng gần 50% và 91%. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa thể phục hồi về mức trước dịch. Doanh thu kỳ này chỉ tương đương gần ba phần tư quý II/2019 và lợi nhuận giảm đến hơn 34%.
Dự báo cho những tháng cuối năm nay, lãnh đạo CGV duy trì triển vọng lợi nhuận tích cực khi thị trường điện ảnh được bình thường hóa. Dữ liệu từ Office Box Vietnam cho thấy tính từ tháng 7 đến nay, đã có 2 phim vượt mốc doanh số 100 tỷ đồng, gồm Minions: The Rise of Gru với 196 tỷ đồng và Thor: Love and Thunder đạt hơn 119 tỷ đồng.
CJ CGV Hàn Quốc chính thức bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 sau thương vụ chi 73,6 triệu USD mua lại 80% cổ phần của Megastar - chủ sở hữu hệ thống rạp phim lớn nhất tại Việt Nam khi đó. Hai năm sau, CJ CGV chuyển đổi thương hiệu MegaStar thành CGV.
Đơn vị này cũng trở thành đại lý phát hành cho các studio tại Mỹ như UPI, Pixar, Disney hay Warner Bros, ngoài ra cũng được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam.
Sau hai năm "đổi chủ", chuỗi rạp chiếu phim này ghi nhận mức tăng trưởng đột biến. Về sau, lợi nhuận của CGV Việt Nam gần như đi ngang dù doanh thu vẫn tăng trưởng đều. Nguyên nhân được đưa ra là do biến động tỷ giá và kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới rạp phim. Đến năm 2019, CGV Việt Nam ghi nhận lãi đậm tới 15,2 triệu USD (gần 350 tỷ đồng), nhờ chủ động quản lý chi phí, mở rộng thị trường giúp tăng doanh số.
Thế nhưng Covid-19 như gieo cơn "đại hạn" cho CGV Việt Nam vì nằm trong nhóm ngành kinh doanh phải đóng cửa trước hết mỗi khi có lệnh giãn cách. Lợi nhuận hoạt động lùi về mức âm hai năm liên tiếp, lần lượt lỗ hơn 12 triệu USD trong năm 2019 và lỗ 7,2 triệu USD trong năm 2021. Giai đoạn đó, lãnh đạo CGV Việt Nam từng lo ngại rằng rạp phim sẽ phá sản nếu đến đầu năm 2022 mới được mở cửa.
Tính đến cuối quý II/2022, hệ thống này có 82 rạp với 480 phòng chiếu phim tại 29 tỉnh, thành. CJ CGV công bố đơn vị này vẫn giữ vững vị thế chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Việt Nam khi nắm 54% thị phần. Doanh nghiệp này chủ yếu bám sát kế hoạch mở rộng mạng lưới trung tâm thương mại của hai "ông lớn" bán lẻ Vincom và Central Group.
Tất Đạt