Minh Tú (quận 10, TP HCM) đã 4 năm nay là thành viên VVIP (hạng thành viên cao nhất) của một chuỗi rạp phim lớn. Năm 2018, anh vào top 1.000 thành viên đạt chuẩn VVIP sớm nhất để xét hạng cho 2019. Hết năm đó, anh chi tiêu hơn 12 triệu đồng cho tiền phim.
Minh Tú thuộc thế hệ những người trẻ thành thị chọn xem phim rạp là một kênh giải trí thường xuyên. Một khảo sát năm 2019 với người từ 16 đến 39 tuổi của Q&Me cho biết, có đến 84% người được hỏi nói rằng có xem phim tại rạp. Trong đó, 57% đi ít nhất một lần mỗi tháng.
Ngành rạp phim nhờ đó đã hưởng lợi đáng kể. Giai đoạn 2010-2019, số lượng rạp trên cả nước tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu, tức tăng 1.104%. Cùng với đó, số người xem phim chiếu rạp tăng từ 7 lên 57 triệu lượt mỗi năm (tăng 714%); doanh số phim chiếu rạp toàn ngành tăng từ 540 tỷ lên 4.147 tỷ đồng (tăng 668%).
Nhưng mọi thứ bất ngờ đảo chiều khi Covid-19 xuất hiện vào năm ngoái. Số tiền bỏ ra xem phim của một thành viên VVIP như Tú cũng liên tục giảm. Con số này giảm còn hơn 10 triệu đồng vào năm 2019 và lao dốc chỉ còn hơn 7,4 triệu đồng năm 2020.
"Năm ngoái, do Covid-19, rạp phim đóng cửa một thời gian, phim cũng ít và kém đặc sắc nên chi tiêu của tôi giảm. May là hệ thống cũng hạ chuẩn VVIP xuống còn 5 triệu đồng, thay vì 10 triệu nên tôi giữ được hạng. Đầu năm đến giờ, tôi chỉ mới tốn 1,4 triệu tiền phim, vé tặng hàng năm cho thành viên còn chưa dùng hết", anh cho biết.
Điều này cũng phản ánh rõ bức tranh ảm đạm chung của các rạp phim thời gian qua. Theo báo cáo tài chính của CJ CGV Hàn Quốc, công ty mẹ của CJ CGV Việt Nam, doanh thu của công ty này năm 2020 là gần 72 tỷ won (hơn 1.400 tỷ đồng), giảm hơn 60% so với năm 2019. Đi cùng với đó là số lỗ hơn 43 tỷ won (hơn 850 tỷ đồng). Chỉ riêng doanh thu tháng 3/2020 giảm 500 tỷ đồng, tức lần đóng cửa rạp đầu tiên vì dịch. Đến tháng 4, hệ thống cho biết không có doanh thu.
Phía cụm rạp Lotte cũng không khá hơn. Không công bố doanh thu riêng lẻ tại thị trường Việt Nam năm ngoái nhưng Lotte Shopping (Hàn Quốc) ghi nhận doanh thu từ hoạt động chiếu phim ở tất cả thị trường giảm đến 65% so với 2019. Trong đó, riêng lượng khách đến phòng vé ở Việt Nam giảm 29,8%.
Sang 2021, sau những giai đoạn sôi động ngắt quãng như Tết hay 30/4, cơn "đại hạn" của các rạp phim còn gay gắt hơn. Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giữa tháng trước, 4 doanh nghiệp lớn là Thiên Ngân, BHD, Lotte Cinema, CJ CGV cho biết từ tháng 2 đến nay, doanh thu từ chiếu và phát hành phim gần như bằng 0, trong khi vẫn chịu chi phí mặt bằng, lương và phúc lợi.
"Với tình trạng này, dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều có thể lâm vào phá sản, kéo theo sự suy thoái của một ngành điện ảnh là tất yếu", văn bản nêu. Những tên tuổi cụm rạp khác, cũng xác nhận khó khăn của thị trường.
"Sau khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam từ tháng 1/2020 đến nay, rất nhiều ngành dịch vụ đều đã chịu ảnh hưởng nặng nề, trong đó có ngành điện ảnh. Cho đến đầu 2021, thị trường điện ảnh trong nước vẫn chưa thể phục hồi trạng thái bình thường trước dịch", ông Bùi Quang Minh, CEO Beta Cinemas, đánh giá.
Tuy vậy, trao đổi với VnExpress, ông Minh cho biết chuỗi rạp chiếu phim Beta Cinemas của ông vẫn đang có thể duy trì hoạt động lâu dài nhờ các chính sách tối ưu nhân lực, tối ưu chi phí. Đơn vị này cũng dành thời gian mùa dịch để phát triển các mô hình rạp chiếu mới, hoàn thiện mảng kinh doanh nhượng quyền và tìm cơ hội hợp tác đầu tư với những cụm rạp đơn lẻ hoặc chuỗi rạp để cùng nhau vượt khó.
Phía CGV cũng tìm cách tối ưu hóa tiền mặt bằng. Với những chủ mặt bằng không tìm được tiếng nói chung, họ nhờ tòa phân xử. Từ tháng 5 đến nay, đã khởi kiện 2 chủ mặt bằng lên Tòa án Nhân dân quận 1 (TP HCM).
"Trong thời gian ngưng hoạt động để chống dịch, các phim đang chiếu phải tạm dừng, phim sắp chiếu phải dời lịch dẫn đến thiệt hại về doanh thu bán vé và chi phí quảng bá", đại diện CGV nói và cho biết thêm, dù đóng cửa nhưng vẫn phải trả các chi phí mặt bằng, vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị, vệ sinh.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, 4 cụm rạp lớn đưa ra nhiều phương án xin hỗ trợ tài chính, như: hỗ trợ vay vốn, gia hạn thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến hết năm nay, giảm và hoãn nộp thuế giá trị gia tăng... Ngoài các chính sách hỗ trợ liên quan tài chính, họ còn mong muốn được sớm hoạt động trở lại, cam kết tuân thủ các biện pháp phòng dịch.
Chật vật gồng chi phí những đợt đóng cửa nhưng ngành rạp chiếu cũng là mảng dịch vụ có khả năng hồi sinh tốt nếu hoạt động lại. Ông Bùi Quang Minh cho rằng, không kể những thách thức trước mắt thì thị trường rạp chiếu phim là một thị trường kinh doanh đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với nhà đầu tư.
Phía CGV lẫn Beta đều đồng thuận rằng, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu xem phim tại rạp của khán giả lại ngày một tăng cao. Bằng chứng là khi mở rạp lại, hàng loạt phim như Bố già, Lật mặt hay Kong vs Godzilla đều có doanh thu tốt.
Báo cáo kết quả kinh doanh của Lotte Shopping (Hàn Quốc) cũng ghi nhận doanh thu của mảng rạp chiếu Lotte tại Việt Nam quý rồi tăng 5,5% so với cùng kỳ 2020, nhờ vào các phim nội địa có doanh thu cao. Tương tự, báo cáo của CJ CGV (Hàn Quốc) quý I cũng đánh giá doanh thu phòng vé ở Việt Nam phục hồi so với quý I/2020.
"Sau đại dịch, nhu cầu giải trí của khán giả sẽ dần tăng trở lại và thậm chí có phần nhiều hơn bởi áp lực, căng thẳng vì thời gian cách ly. Nên đây cũng chính là cơ hội cho các nhà làm phim lẫn những nhà đầu tư rạp phim", ông Minh nhận định và cho rằng những mô hình giá hợp lý sẽ có thể vượt trội bứt phá lên hẳn. Vì xu hướng tiêu dùng sau đại dịch sẽ cẩn trọng hơn, người dân sẽ phần nào nào thắt chặt chi tiêu và tìm đến các mô hình vừa túi tiền hơn.
Viễn Thông