Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định về chế độ nghỉ hằng năm (nghỉ phép). Theo đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Khoản 3 điều này quy định trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Khoản 2 và khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định về tiền lương làm căn cứ cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm như sau:
2. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương theo Điều 112, khoản 1 và khoản 2 Điều 113, Điều 114, khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động tại thời điểm người lao động nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương.
3. Tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo khoản 3 Điều 113 của Bộ luật Lao động là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Với các quy định nói trên thì tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động khi nghỉ phép tính theo mức tiền lương trên hợp đồng lao động chứ không tính theo lương thực tế (thu nhập thực tế). Thu nhập thực tế của người lao động có thể là những khoản hỗ trợ khác của doanh nghiệp và được hiểu rằng chỉ khi người lao động đi làm thì mới được hưởng như hỗ trợ ăn trưa, xăng xe, điện thoại...
Như vậy, việc công ty chỉ cho bạn hưởng tiền lương của những ngày nghỉ phép theo mức lương trên hợp đồng lao động là đúng quy định của pháp luật.
Về việc nghỉ dồn phép, khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần.
Với quy định trên, việc bạn và người sử dụng lao động thỏa thuận bạn được nghỉ dồn 12 ngày phép năm là không trái quy định.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội