Đầu tháng 7, Swinburne Việt Nam (liên kết giữa Đại học FPT và Đại học Công nghệ Swinburne, Australia) nhận hơn 500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu năm nay là 350 và đến ngày 30/8 mới hết hạn đăng ký.
Bên cạnh nhóm học sinh lỡ du học do Covdi-19, trường nhận được đề nghị tư vấn của nhiều phụ huynh, du học sinh về Việt Nam tránh dịch và có nguy cơ phải bảo lưu kết quả học tập. Hai chủ đề được quan tâm là học chuyển tiếp từ Swinburne sang các trường nước ngoài như thế nào và trường có thể cung cấp chất lượng đào tạo quốc tế hay không.
TS Hoàng Việt Hà, Giám đốc Swinburne Việt Nam, đánh giá so với năm ngoái, mức độ quan tâm của học sinh và phụ huynh cao hơn hẳn. Những tháng gần đây, mỗi ngày trường nhận hàng chục cuộc điện thoại xin tư vấn, hỏi cách thức nộp hồ sơ.
Ông Hà lý giải, hiện toàn bộ chương trình đào tạo tại trường được giảng dạy bằng tiếng Anh, có thể học chuyển tiếp ở nước ngoài. Trường cũng có thể tiếp nhận du học sinh về Việt Nam tránh dịch, hỗ trợ chuyển điểm môn tương đương để các em không phải học lại từ đầu. "Nếu muốn học chuyển tiếp từ Swinburne Việt Nam sang các trường trong cùng hệ thống, sinh viên thậm chí không cần thay đổi địa chỉ email", ông Hà khẳng định về sự thuận tiện của mô hình học chuyển tiếp.
Cho rằng tìm kiếm chương trình chuyển tiếp tại Việt Nam là cách dễ dàng và tiết kiệm nhất cho du học sinh tại thời điểm này, ông Hà phân tích chi phí du học một năm khoảng 600-700 triệu đồng, học chuyển tiếp chỉ 150 triệu "nhưng chất lượng đào tạo vẫn được đảm bảo". Đại học Công nghệ Swinburne Việt Nam dự định tìm kiếm thêm nhiều trường đối tác tại châu Âu và Mỹ để rút ngắn thời gian làm thủ tục chuyển tiếp, giúp học sinh không bị gián đoạn học tập.
Các đại học công lập cũng tham gia hỗ trợ du học sinh bằng cách bổ sung chương trình liên kết. Đại học Kinh tế TP HCM triển khai hai chương trình chuyển tiếp, phù hợp cho du học sinh lỡ du học hoặc về Việt Nam tránh dịch.
Tại Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Kinh tế TP HCM, chương trình cử nhân Kinh doanh Western Sydney hỗ trợ sinh viên học toàn thời gian tại Việt Nam theo giáo trình của Australia và được Đại học Western Sydney cấp bằng. Viện cũng có chương trình cử nhân tài năng dành cho học sinh giỏi để thu hút thêm nhóm sinh viên tinh hoa. Ngoài ra, Đại học Kinh tế TP HCM cũng triển khai chương trình liên kết với Đại học Victoria của New Zealand, cho phép sinh viên học 1,5 năm tại Việt Nam, 1,5 năm tại New Zealand và lấy bằng quốc tế.
PGS Trần Hà Minh Quân, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Kinh tế TP HCM, đánh giá các chương trình này đều phù hợp cho cả sinh viên lỡ du học năm nay và những du học muốn về Việt Nam học chuyển tiếp. Đến nay Đại học Kinh tế TP HCM nhận được 30.000 hồ sơ trong khi chỉ tiêu 5.000, riêng chương trình Western Sydney đã có hơn 1.000 em đăng ký để cạnh tranh 250 suất.
Theo PGS Quân, so với năm ngoái, số lượng hồ sơ và mức độ quan tâm của học sinh, phụ huynh tăng khoảng 50%. Thời gian tới, Viện Đào tạo quốc tế sẽ đề nghị Đại học Kinh tế TP HCM tăng chỉ tiêu đối với các chương trình chuyển tiếp, du học bán phần để thu hút sinh viên thuộc nhóm tinh hoa và có điều kiện.
Năm nay, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM nhận được số hồ sơ nhiều hơn 30-50% so với năm 2019. TS Trần Quang Long, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế, giải thích trường có hơn 10 chương trình liên kết, du học bán phần với các quốc gia như Anh, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... Ngoài ra, trường cũng triển khai song song hai hình thức, gồm học bằng tiếng Anh tại Việt Nam theo chương tình quốc tế, được đại học nước ngoài cấp bằng và học chuyển tiếp 1-2 năm tại Việt Nam sau đó du học.
Sự đa dạng trong đào tạo và hợp tác với nhiều trường tại nhiều châu lục đã giúp sinh viên có nhiều lựa chọn, hiện thực hóa mong muốn du học tại quốc gia mình yêu thích hoặc trở về Việt Nam, chọn được chương trình phù hợp để học tiếp.
Từ thực trạng học sinh phải chuyển hướng hoặc lỡ du học của năm nay, ông Long nhận định du học bán phần sẽ được lựa chọn nhiều hơn trong tương lai. "Việc này thúc đẩy các trường phải tham gia vào cuộc đua nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi đào tạo, liên kết để có thể thu hút nhóm sinh viên tài năng và có điều kiện, chấp nhận ở lại học tập trong nước", ông Long nói.
Đại học Kinh tế - Luật cũng cân nhắc việc đầu tư cơ sở vật chất, tăng số giảng viên để đề nghị Đại học Quốc gia TP HCM tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong các năm tới, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác với nhiều quốc gia.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam có khoảng 190.000 du học sinh đang học tập tại nước ngoài. Mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên lên đường du học. Tuy nhiên, vì Covid-19 và chính sách lưu trú mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE), nhiều em phải hoãn, bảo lưu kết quả thậm chí phải bỏ dở du học.
Thanh Hằng