Thời điểm này năm ngoái, đợt dịch thứ 2 bùng phát, các doanh nghiệp dệt may trong trạng thái "ăn đong" khi chỉ có theo tuần và đối tác liên tục hoãn, huỷ đơn hàng. Năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều có đơn hàng sản xuất tới hết năm.
Hơn hai tháng nay, cả ba nhà máy sản xuất của Công ty TNG Thái Nguyên đều chạy hết công suất để kịp trả hàng đúng tiến độ theo hợp đồng đã ký. Kết quả kinh doanh khả quan dù Covid-19 phần nào ảnh hưởng tới thị trường toàn ngành nói chung.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG Thái Nguyên dự tính, doanh nghiệp sẽ đạt doanh số gần 600 tỷ đồng, tăng trên 11% so với tháng 5. Luỹ kế doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng 31% so với cùng kỳ 2020. Đơn hàng dồi dào, giá tốt nên doanh thu bình quân mỗi tháng khoảng 50 tỷ đồng.
"Mối bận tâm giờ không phải là kiếm việc về, mà là làm sao để sản xuất kịp, giao hàng đúng hẹn cho đối tác", Chủ tịch TNG nói với VnExpress.
Với TNG, cả ba nhà máy sản xuất đã chạy hết công suất, công nhân tăng thêm ca và cơ cấu lại kíp làm việc để tăng năng suất lao động... để kịp trả hàng cho đối tác theo hợp đồng, tránh chuyện bị phạt vì trễ hẹn.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch May Hưng Yên cũng chia sẻ, từ tháng 7 trở đi là thời điểm căng thẳng với doanh nghiệp dệt may. Bởi nếu đợt dịch thứ 4 không được "khoanh" lại, chỉ cần một doanh nghiệp bị dừng sản xuất đôi tuần, một tháng sẽ "quét sạch" trên 10% doanh thu.
"Đơn hàng giờ không thiếu, nhưng đây cũng là yếu tố đáng lo nếu doanh nghiệp làm không kịp trả hàng theo hợp đồng, sẽ bị phạt", ông Dương chia sẻ với VnExpress.
Ông phân tích, thị trường nửa đầu năm tốt lên, đơn hàng về nhiều nhưng nếu không làm được thì doanh nghiệp gánh thiệt hại kép, cả doanh thu và hiệu quả sản xuất. Doanh nghiệp dệt may gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công, còn đơn vị làm theo phương thức FOB thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu đối tác từ chối nhận hàng do chậm giao. Chưa kể, khi bị chậm sản xuất mà phải đổi việc vận chuyển hàng từ đường thủy sang đường hàng không, doanh nghiệp may chắc chắn lỗ.
"Phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt vốn mỏng, đơn vị nào làm ăn khấm khá thì lãi vài chục tỷ đồng một năm, chỉ cần bị dừng sản xuất 1-2 tháng là hết sạch lãi", Chủ tịch May Hưng Yên chia sẻ.
Bài toán thiếu hụt lao động cũng là mối lo với các doanh nghiệp dệt may. Trong tài liệu gửi tới cổ đông, ban lãnh đạo Công ty May Nhà bè cũng nhận diện, thách thức mà ngành dệt may đối diện của năm 2020 "vẫn còn nguyên vẹn trong năm 2021", bởi hiện chưa có dự báo chính thức nào về thời điểm thế giới kiểm soát được Covid-19 và các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường.
Chưa kể, năm nay các doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện với sự thiếu hụt lao động, chi phí nhân công ngày càng tăng. So với cùng kỳ năm 2020, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này đã tăng khoảng 50-60%. Nhưng đánh giá gần đây của Navigos lại chỉ ra, dệt may không còn là lựa chọn hàng đầu của người lao động bởi mức lương thấp hơn các ngành khác, khiến nhiều người không mặn mà.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm, Chủ tịch May Hưng Yên nói "phụ thuộc phần nhiều việc tiêm vaccine diện rộng cho người lao động".
Thị trường nửa đầu năm khởi sắc, nhưng nửa còn lại của năm 2021 nếu thoát được đợt dịch thứ 4 và nhanh chóng có vaccine tiêm cho lao động, thì cùng với đơn hàng dồi dào, đà "thắng" của dệt may sẽ bảo lưu. Ngược lại sẽ là thách thức rất lớn với ngành này.
"Chúng tôi liên tục nhận đơn hàng của khách hàng Mỹ, EU. Nhưng để yên tâm sản xuất lúc này thì người lao động cần được tiêm vaccine ngừa Covid-9. Doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền tiêm vaccine cho lao động", ông Dương chia sẻ.
Mong muốn giảm thiệt hại, bớt nỗi lo cho các doanh nghiệp sản xuất như dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đề xuất, Chính phủ ưu tiên cho người lao động ngành này được tiêm vaccine sớm.
Với Vinatex, tập đoàn này dự kiến cần 300.000 liều vaccine để tiêm cho 150.000 lao động, nhưng hiện mới có khoảng 3.000 lao động được tiêm.
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu dệt may quý II đạt 8 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ. Cộng dồn 6 tháng đầu năm, dệt may xuất khẩu 15,2 tỷ USD, tăng gần 15%.
Thị trường dệt may nửa đầu năm nay, nhìn chung đã khởi sắc trở lại so với cùng kỳ 2020. Bộ Công Thương đánh giá, một số thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu tăng nhu cầu mua sắm quần áo, giày dép khi kinh tế bắt đầu hồi phục, các lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ nhờ đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19. Điều này tạo cơ hội cho dệt may cán đích mục tiêu 39 tỷ USD năm nay (con số tăng trưởng như trước khi Covid-19 xuất hiện).
Ngoài ra, kết quả đẩy lùi dịch nhanh chóng từ 3 đợt dịch bùng phát trước đây trong nước, cùng tình hình kinh tế vĩ mô ổn định... là những điểm cộng giúp sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may khởi sắc trong nửa đầu năm nay. Nhưng Tổng cục Thống kê nhận xét, cán cân xuất khẩu theo thường lệ vẫn nghiêng về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với dệt may là 63,5%.
Anh Minh