Trong năm 2023, Công ty TNNH Long Rich ở Khu chế xuất Linh Trung II (TP Thủ Đức) thiếu đơn hàng đến 6 tháng nhưng ban giám đốc quyết định giữ nguyên mức thưởng Tết 1-3 tháng lương, tùy theo thâm niên.
"Mức thưởng này bằng giai đoạn nhà máy có đơn hàng đầy đủ", bà Nguyễn Thị Thùy Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Long Rich, nói. Tiền thưởng sẽ được phát ngày 25 và 26/1/2024. Ngoài ra, công ty vẫn giữ chế độ thưởng vàng cho lao động thâm niên. Người làm đủ 10 năm được thưởng một chỉ vàng SJC.
Theo bà Vân, phương án thưởng Tết được công ty chủ động đưa ra trong bối cảnh đơn hàng giảm giúp người lao động phấn khởi. Trong năm 2023, nhiều thời điểm công nhân chỉ làm việc 4 ngày trong tuần. Những ngày nghỉ doanh nghiệp vẫn trả lương chờ việc cho lao động.
Long Rich với hơn 3.000 công nhân là một trong các nhà máy thuộc Tập đoàn Dean Shoes của Đài Loan, chuyên sản xuất giày. Hiện tập đoàn này có các nhà máy ở khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức), Tiền Giang, Bình Phước, Bình Dương với quy mô hàng chục nghìn công nhân. Mức thưởng Tết 1-3 tháng lương, được áp dụng cho toàn tập đoàn.
Tương tự, dù chịu khó khăn chung của ngành giày nhưng Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai) vẫn duy trì mức thưởng Tết 1,5 tháng lương cho hơn 31.000 lao động. Tổng số tiền doanh nghiệp chi ra khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn Công ty Taekwang Vina, cho biết năm 2023 có quá nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động. Do đó, để có mức thưởng Tết tốt nhất cho người lao động, công đoàn chủ động đàm phán từ sớm.
Từ cuối tháng 10, công đoàn gửi các đề xuất chương trình chăm lo Tết, trong đó có dự kiến mức thưởng. Đến tháng 11 hai bên bắt đầu đàm phán. Phía doanh nghiệp đưa ra các lý do đơn hàng giảm khiến doanh thu, lợi nhuận giảm theo. Do thiếu việc, công nhân phải nghỉ luân phiên, song công ty vẫn trả lương, tức có những thời điểm tài chính doanh nghiệp bị âm.
"Theo quy định, nếu doanh thu giảm, doanh nghiệp hoàn toàn được thay đổi mức thưởng Tết", ông Phúc nói. Tuy nhiên, công đoàn cố gắng thuyết phục trên tinh thần công ty khó khăn nhưng người lao động đang rất mong chờ thưởng Tết để bù đắp thu nhập giảm trong năm, giá cả tăng cao và động viên họ gắn bó.
Cùng với đó, công đoàn cũng đưa ra các bằng chứng về sự nỗ lực của công nhân trong năm qua khi họ cùng thi đua tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất khi nhà máy có đơn hàng. Các sáng kiến cải tiến của lao động mang đến lợi ích tài chính cho doanh nghiệp. Sau ba phiên đàm phán, chủ doanh nghiệp quyết định giữ mức thưởng 1,5 tháng lương cho mỗi lao động như thời điểm sản xuất thuận lợi.
Theo ông Phúc dù mức thưởng giữ như cũ nhưng công đoàn thuyết phục tiền thưởng được tính dựa trên lương mới của năm 2024. Theo đó, từ đầu năm sau công ty sẽ tăng 100.000 đồng vào lương căn bản và 50.000 đồng phụ cấp cho tất cả công nhân. Ngoài ra, người lao động đến hạn nâng bậc lương sẽ được tăng thêm 3%. Như vậy, số tiền thực nhận của lao động sẽ cao hơn Tết năm ngoái.
Trên địa bàn Đồng Nai, Công ty TNHH Changshin Việt Nam cũng chi 650 tỷ đồng thưởng Tết cho hơn 37.000 lao động, mức thưởng này bằng với giai đoạn đơn hàng ổn định. Tùy vào thời gian làm việc, người lao động sẽ có các mức thưởng khác nhau.
Cụ thể, người có thời gian làm việc ở Changshin từ 3 tháng đến dưới 20 năm được thưởng từ 0,25-1,95 tháng lương cơ bản. Mức thưởng dành cho người có thâm niên từ 20 năm là hai tháng lương.
Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cũng chốt thưởng Tết cho 65.000 lao động là một tháng lương, bằng với năm ngoái.
Dệt may, da giày là hai ngành hàng sử dụng nhiều nhân lực nhất trong các ngành kinh tế của Việt Nam. Trong đó, ngành da giày cần hơn 1,4 triệu lao động, chiếm trên 18% tổng nguồn lao động.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội da, giày, túi xách Việt Nam (Lefaso), nói đến nay hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã có phương án trả lương, thưởng Tết 2024 cho lao động. "Phần lớn nhà máy đều thưởng cho lao động, tùy vào đơn vị mỗi người sẽ nhận từ một đến vài tháng lương", bà Xuân nói.
Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 15%. Hiện, một số doanh nghiệp có đơn hàng nhưng khá nhỏ lẽ, tình hình chung là thị trường vẫn còn khó khăn, các nhãn hàng vẫn còn sản phẩm tồn kho. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp lớn đều giữ nguyên mức thưởng hoặc chỉ thấp hơn vài phần trăm so với năm ngoái.
Theo lãnh đạo Lefaso, đây là nỗ lực rất lớn của các công ty trong bối cảnh đơn hàng, lợi nhuận giảm sút. Doanh nghiệp vẫn chi thưởng bất chấp khó khăn là để giữ công nhân. Bài học kinh nghiệm sau Covid-19, đầu năm 2022, khi đơn hàng phục hồi, các nhà máy đối mặt với tình trạng thiếu lao động, khó tuyển được công nhân mới.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Như Ý, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc thương lượng tiền thưởng Tết trong bối cảnh hiện nay cần sự thấu hiểu, chia sẻ của đôi bên. Người lao động, công đoàn hiểu cho doanh nghiệp đơn hàng sụt giảm, nhà máy chia sẻ với khó khăn của công nhân.
Theo bà Ý, việc các nhà máy quy mô vài chục nghìn công nhân giữ mức thưởng tương đương năm ngoái không chỉ động viên tinh thần lao động, cố gắng bám trụ mà còn góp phần đảm bảo quan hệ lao động tại doanh nghiệp ổn định, hài hòa.
Lê Tuyết