Gần 20 năm công tác, cơ trưởng lái máy bay A350 Vũ Văn Vận (Đoàn bay 919) đã quen với những chuyến bay đi châu Âu dịp Tết. Tối 30 Tết, anh kéo valy ra khỏi nhà đến sân bay Nội Bài chuẩn bị cho chuyến khởi hành gần 12h đêm.
Giao thừa cũng là lúc máy bay A350 của anh Vận bay qua vùng trời Hà Nội nên phi công vẫn nhìn thấy pháo hoa nhiều nơi. "Chúng tung bay giống như những chậu hoa nở, tỏa sáng trên bầu trời. Chúng tôi xúc động khi được chứng kiến hình ảnh ấn tượng này", cơ trưởng Vận chia sẻ.
Thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới, cơ trưởng thường thay mặt tổ bay chúc Tết hành khách qua hệ thống phát thanh, chúc năm mới sức khỏe, hạnh phúc, bình an. Trên sóng radar cũng nhộn nhịp với những lời chúc nhau "Happy New Year" giữa phi công và kiểm soát viên không lưu dưới mặt đất trước khi trao đổi thông tin điều hành bay. Buồng lái khi đó chỉ có hai người, đều tập trung công việc nên họ tạm quên đi nỗi nhớ nhà.

Cơ trưởng Vũ Văn Vận. Ảnh: NVCC
Chuyến bay đi châu Âu đêm 30 Tết thường là khách nước ngoài đi làm ăn, không có nhiều người Việt. Dù vậy, nhiều khách vẫn hiểu phong tục năm mới của người Việt nên đã chúc Tết, thi thoảng mừng tuổi tổ bay và tiếp viên.
Sau khi hạ cánh tại Pháp sáng mùng 1, tiếp viên đã chuẩn bị bánh chưng, giò mang từ nhà, các thành viên trong phi hành đoàn thường gặp gỡ, cùng nhau thưởng thức những món ăn, hương vị ngày Tết quen thuộc ở quê nhà, động viên nhau vượt qua nỗi nhớ nhà.
Thường bay đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản tối 30 Tết, cơ trưởng Nguyễn Đức Dũng (Đoàn bay 919) chia sẻ, máy bay thường rời sân bay Tân Sơn Nhất đúng thời khắc giao thừa nên phi công cũng nhìn thấy pháo hoa rực rỡ khắp thành phố. "Nhìn pháo hoa từ trên cao rất khác với nhìn từ mặt đất lên, lung linh rất đẹp. Tôi may mắn khi được chiêm ngưỡng thời khắc đó", anh Dũng nói.
Tuy nhiên, hình ảnh đáng nhớ nhất với anh là chứng kiến dòng người hối hả rời sân bay trong vòng tay chào đón của người thân cho kịp giao thừa, cảnh các gia đình đoàn tụ, anh em, bạn bè gặp lại sau những xa cách. Riêng phi hành đoàn thì ngược dòng người tiến vào nhà ga thực hiện nhiệm vụ.
"Chúng tôi là cầu nối mang những niềm vui đoàn viên về các gia đình. Nhiều năm không đón giao thừa ở nhà, một chút chạnh lòng khi làm nhiệm vụ đêm 30, nhưng đó vẫn là niềm tự hào của tôi trong mỗi chuyến đi", anh Dũng nói.

Cơ trưởng Nguyễn Đức Dũng. Ảnh: NVCC
Với người Việt, ngày Tết rất thiêng liêng, nhưng ở nước ngoài thì lại là ngày bình thường. Tất cả thành viên phi hành đoàn phải tự làm quen với điều đó và động viên nhau cùng cố gắng. "Nhiều lúc chúng tôi cũng cảm thấy tủi thân nhưng phải tự nhủ lòng tất cả vì công việc", cơ trưởng Dũng nói.
Ấn tượng đối với tiếp viên trưởng Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines) là lúc giao thừa, pháo hoa tung bay giữa bầu trời, tất cả hành khách trong khoang máy bay đều ồ lên, không khí náo nhiệt, ấm cúng như một gia đình.
"Nhiều hành khách chúc mừng, mừng tuổi tiếp viên. Nhận lời chúc mừng từ người xa lạ xúc động hơn vì thấy mình đóng góp cho các chuyến bay an toàn", cô nói. Sau giao thừa, tiếp viên còn được cơ trưởng, cơ phó mừng tuổi.
Ngọc Anh nhớ lại, mùa Tết đầu tiên xa nhà cách đây gần chục năm là chuyến bay đi London cất cánh đêm 28 Tết. Nhà neo người, cô và bố phải lên tinh thần trước cả nửa tháng. Cô dọn nhà, mua sắm đồ Tết đầy đủ để an tâm xách valy ra sân bay.
Ngày hôm sau máy bay hạ cánh ở London, các tiếp viên được lên phố, ngắm đồng hồ Big Ben nổi tiếng, rồi buổi tối cả tổ được một anh bạn đưa tới Đại sứ quán, cùng ăn Tết với cộng đồng người Việt.

Tiếp viên trưởng Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: NVCC
Có năm, tổ bay của Ngọc Anh ăn Tết ở Pháp. Trước đó cả tổ đã liên lạc với nhau, phân công đầy đủ ai mang theo món gì, bảo quản ra sao. Mọi người như là thành viên trong một gia đình chuẩn bị đi xa ăn Tết. Đêm giao thừa, tại phòng sinh hoạt cho tổ bay, các cô bày bánh chưng, khoanh giò, cành đào, cành mai, cùng nhau đón năm mới xa nhà. Khi về tới Hà Nội vào sáng mùng 3, Ngọc Anh vẫn kịp làm cơm thắp hương, vẫn đi chúc Tết họ hàng, đi lễ.
Tết năm nay, Covid-19 bùng phát, cơ trưởng Nguyễn Đức Dũng tâm sự số lượng chuyến bay không nhiều như mọi năm, các anh phải tuân thủ tối đa quy định để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
"Máy bay là cầu nối đưa mọi người đoàn viên. Năm mới, hy vọng mới. Điều tôi luôn suy nghĩ là sức khỏe của những người thân trong gia đình. Là một mắt xích, đóng góp cho sự vận hành chung của xã hội, đặc biệt trong thời điểm khó khăn, là niềm tự hào của mỗi người lao động ở bất kỳ ngành nghề nào và chúng tôi cũng không phải ngoại lệ", anh Dũng nói.
Còn tiếp viên trưởng Nguyễn Ngọc Anh cho hay sẽ bay các chặng nội địa trong ngày 30 Tết, có thể về nhà kịp trong đêm giao thừa. Tết năm nay, chi tiêu sẽ eo hẹp hơn các năm trước song cô có nhiều thời gian bên gia đình và sẽ rất nhớ cảm giác quây quần đón Tết ở trời Tây.
"Tôi tin mọi việc sẽ ổn vì tất cả mọi người đều đang rất cố gắng. Chúng tôi đảm bảo công tác phòng dịch nhưng vẫn đem đến những trải nghiệm tốt hơn trên từng chuyến bay cho hành khách", Ngọc Anh nói.
Nữ tiếp viên trưởng tin tưởng rồi nhà ga quốc tế sẽ lại nhộn nhịp, cô sẽ gặp những hình ảnh tay xách nách mang của những người con xa xứ cả năm mới được về quê nhà; là ánh mắt háo hức của những bạn nhỏ chỉ ê a được vài ba từ tiếng Việt; là nét rạng rỡ của những bác lớn tuổi được về thăm anh em bạn bè.